Hướng dẫn giải đáp 06 vướng mắc thủ tục hành chính liên quan đến đất đai

Chủ đề   RSS   
  • #606135 14/10/2023

    nguyenhoaibao12061999
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:03/08/2022
    Tổng số bài viết (2261)
    Số điểm: 78451
    Cảm ơn: 100
    Được cảm ơn 2003 lần
    ContentAdministrators
    SMod

    Hướng dẫn giải đáp 06 vướng mắc thủ tục hành chính liên quan đến đất đai

    Đây là nội dung được quy định tại Công văn 196/TANDTC-PC năm 2023 ban hành ngày 03/10/2023 bởi Tòa án nhân dân tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong công tác xét xử.
     
    Trong đó, liên quan đến các vướng mắc thủ tục hành chính về đất đai, bồi thường thu hồi đất, giá đất TANDTC đã có giải đáp như sau: 
     
    huong-dan-giai-dap-06-vuong-mac-thu-tuc-hanh-chinh-lien-quan-den-dat-dai
     
    Vướng mắc 1: Sổ đỏ cấp không đúng quy định thì Tòa tuyên hủy một phần hay toàn bộ 
     
    Câu hỏi:
     
    Trong vụ án hành chính về khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai, Tòa án xét thấy một phần giấy chứng nhận QSDĐ do cơ quan có thẩm quyền cấp không đúng quy định của pháp luật, trường hợp này Tòa án tuyên hủy một phần giấy chứng nhận QSDĐ hay phải tuyên hủy toàn bộ giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp?
     
    Giải đáp:
     
    Theo hướng dẫn tại điểm 1 mục I Công văn 02/GĐ-TANDTC năm 2016 của TANDTC giải đáp một số vấn đề về tố tụng hành chính, tố tụng dân sự thì Giấy chứng nhận QSDĐ là quyết định hành chính.
     
    Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 193 Luật Tố tụng hành chính 2015 thì Hội đồng xét xử sơ thẩm có thẩm quyền “Chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính trái pháp luật và quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan (nếu có); ...”
     
    Như vậy, theo các quy định nêu trên thì khi xét xử Hội đồng xét xử có quyền tuyên hủy một phần quyết định hành chính. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án có yêu cầu hủy Giấy chứng nhận QSDĐ thì tùy từng trường hợp cụ thể mà Tòa án xem xét, quyết định, cụ thể như sau:
     
    - Trường hợp Giấy chứng nhận QSDĐ chỉ cấp chung cho một thửa đất mà có sai sót thì Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện và tuyên hủy toàn bộ Giấy chứng nhận QSDĐ.
     
    - Trường hợp Giấy chứng nhận QSDĐ cấp chung cho nhiều thửa đất riêng biệt; trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận QSDĐ không đúng quy định của pháp luật thì Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện và tuyên hủy toàn bộ Giấy chứng nhận QSDĐ.
     
    - Trường hợp Giấy chứng nhận QSDĐ cấp chung cho nhiều thửa đất riêng biệt; trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận QSDĐ là đúng quy định của pháp luật, nhưng có sai sót đối với một hoặc một số thửa đất về diện tích, tứ cận hay loại đất và phần này độc lập, không ảnh hưởng đến phần còn lại thì Tòa án chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy một phần giấy chứng nhận QSDĐ (đối với thửa đất hoặc những thửa đất có sai sót).
     
    Buộc UBND cấp có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo đúng quy định của pháp luật đất đai. Tại phần nhận định của bản án, Hội đồng xét xử phải phân tích, đánh giá, xác định rõ phần nào đúng, phần nào sai trong Giấy chứng nhận QSDĐ.
     
    Vướng mắc 2: Giấy chứng nhận QSDĐ tạm thời có phải là quyết định hành chính
     
    Câu hỏi:
     
    Trong thực tế có trường hợp được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ tạm thời, vậy Giấy chứng nhận QSDĐ tạm thời có phải là quyết định hành chính không, có là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính không?
     
    Giải đáp:
     
    Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 100 Luật Đất đai 2013 thì hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà có giấy chứng nhận QSDĐ tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp thì được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.
     
    Theo quy định tại khoản 1 Điều 203 Luật Đất đai 2013, tranh chấp đất đai mà đương sự có giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết.
     
    Theo quy định tại khoản 2 Điều 203 Luật Đất đai 2013, tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự được lựa chọn giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền hoặc tại Tòa án nhân dân.
     
    Khoản 1 Điều 75, khoản 1 Điều 79, khoản 1 Điều 80 Luật Đất đai 2013 đều quy định các trường hợp bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi đối với đất đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận QSDĐ.
     
    Như vậy, Giấy chứng nhận QSDĐ tạm thời là quyết định hành chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất, nên theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính 2015 thì giấy chứng nhận QSDĐ tạm thời là quyết định hành chính, thuộc đối tượng khởi kiện vụ án hành chính (nếu còn thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính).
     
    Vướng mắc 3: Yêu cầu hủy sổ đỏ đã thế chấp tại ngân hàng thì Tòa án có đưa Ngân hàng vào tham gia tố tụng?
     
    Câu hỏi:
     
    Trong vụ án hành chính khởi kiện yêu cầu hủy Giấy chứng nhận QSDĐ, nhưng người được cấp Giấy chứng nhận đã thế chấp tại Ngân hàng. Trường hợp này, quá trình giải quyết vụ án mà Ngân hàng có yêu cầu Tòa án công nhận Hợp đồng thế chấp và không hủy Giấy chứng nhận QSDĐ vì QSDĐ đã được thế chấp hợp pháp cho Ngân hàng thì Tòa án có đưa Ngân hàng vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không? Nếu đưa Ngân hàng vào tham gia tố tụng thì giải quyết thế nào?
     
    Giải đáp:
     
    Khoản 10 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định: “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” là cơ quan, tổ chức, cá nhân tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án hành chính có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ tự mình hoặc đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận hoặc được Tòa án đưa vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
     
    Trường hợp vụ án hành chính có yêu cầu hủy Giấy chứng nhận QSDĐ mà Giấy này đang thế chấp tại Ngân hàng thì phải đưa Ngân hàng tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trong vụ án hành chính, Tòa án không có quyền hủy hoặc công nhận hợp đồng thế chấp, nhưng có quyền xem xét, đánh giá hợp đồng thế chấp để hủy hoặc không hủy Giấy chứng nhận QSDĐ.
     
    Vướng mắc 4: Tòa án có được hủy quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của Chủ UBND huyện không?
     
    Câu hỏi:
     
    Ông A và bà B tranh chấp QSDĐ đối với diện tích đất đã được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, Chủ tịch UBND huyện C ban hành Quyết định X để giải quyết tranh chấp giữa ông A và bà B. Hết thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính đối với Quyết định X, bà B khởi kiện vụ án dân sự tranh chấp QSDĐ với ông A (cùng thửa đất đã được Chủ tịch UBND huyện C giải quyết tranh chấp bằng quyết định X) đồng thời yêu cầu Tòa án hủy quyết định X. Trường hợp này Tòa án có được thụ lý vụ án dân sự và xem xét việc hủy quyết định X theo Điều 34 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 hay không?
     
    Giải đáp:
     
    Theo quy định tại Điều 203 Luật Đất đai 2013 về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai thì tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết; Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự được lựa chọn giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền hoặc tại Tòa án nhân dân.
     
    Trường hợp nêu trên việc tranh chấp QSDĐ giữa ông A và bà B đã được giải quyết bằng quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Chủ tịch UBND huyện C), trong thời hạn luật định bà B không khiếu nại, không khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định X. 
     
    Do vậy, theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện cho bà B. Trường hợp sau khi thụ lý vụ án dân sự, Tòa án mới biết sự việc đã được giải quyết bằng quyết định X của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện C thì Tòa án căn cứ vào điểm g khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 để ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.
     
    Vướng mắc 5: Quyết định phê duyệt giá đất cụ thể của UBND tỉnh có ảnh hưởng đến đối tượng khởi kiện vụ án hành chính không?
     
    Câu hỏi: 
     
    Quyết định phê duyệt giá đất cụ thể cho dự án của UBND cấp tỉnh có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cá nhân, tổ chức hay không và quyết định này có phải là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính không?
     
    Giải đáp:
     
    Khoản 1, khoản 2 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định:
     
    - Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.
     
    - Quyết định hành chính bị kiện là quyết định quy định tại khoản 1 Điều này mà quyết định đó làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có nội dung làm phát sinh nghĩa vụ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.
     
    Như vậy, đối với quyết định phê duyệt giá đất cần phải chia thành hai trường hợp:
     
    - Trường hợp quyết định phê duyệt giá đất tổng thể cho toàn bộ dự án mà không có danh sách các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất kèm theo, thì đây là quyết định hành chính nhưng chưa làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân nên căn cứ vào khoản 2 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính 2015 quyết định này không phải là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.
     
    - Trường hợp quyết định phê duyệt giá đất tổng thể cho toàn bộ dự án mà có danh sách các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất kèm theo thì quyết định này làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân nên theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính 2015, quyết định này là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.
     
    Vướng mắc 6: Khởi kiện chính sách bồi thường tái định cư thì xác định đối tượng khởi kiện thế nào?
     
    Câu hỏi:
     
    Trong quyết định phê duyệt bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho gia đình ông A. Ông A đồng ý với đơn giá bồi thường, hỗ trợ nhưng không đồng ý với chính sách tái định cư. Ông A khởi kiện đến Tòa án. Trường hợp này xác định đối tượng khởi kiện như thế nào?
     
    Giải đáp:
     
    Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 83 Luật Đất đai 2013 về hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất thì nhà nước hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở.
     
    Như vậy, khi nhà nước thu hồi đất ở thì tùy từng trường hợp cụ thể để xem xét hỗ trợ tái định cư.
     
    Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính 2015 thì quyết định phê duyệt bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho gia đình ông A là quyết định hành chính và quyết định này ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của ông A nên ông A có quyền khởi kiện một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính này.
     
    Xem thêm Công văn 196/TANDTC-PC năm 2023 ban hành ngày 03/10/2023.
     
    375 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn nguyenhoaibao12061999 vì bài viết hữu ích
    admin (06/12/2023)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận