Góp ý chung
- Mọi cụm từ "quyền tự do" trong Hiến pháp cần được rút về "quyền", vì bản thân "quyền" đã bao hàm "tự do".
- Mọi cụm từ "quyền và nghĩa vụ" trong Hiến pháp cần được rút về "nghĩa vụ" hoặc "quyền", vì "nghĩa vụ" là bắt buộc còn "quyền" thì không mang tính bắt buộc. Hai khái niệm này không thể đi cùng nhau bằng một từ "và". Phải định rõ đối tượng, phạm vi điều chỉnh của "quyền" và "nghĩa vụ".
- Cần phân biệt, tránh dùng lẫn lộn các từ "công dân", "mọi người". Vì phải tính đến cả những người sinh sống, du lịch, làm việc trên lãnh thổ Việt Nam nhưng không có quốc tịch Việt Nam.
- Khi đã nhấn mạnh sự "bình đẳng", "không phân biệt đối xử" và khi đã sử dụng danh từ chung là "mọi người" hoặc "mọi công dân" thì không cần, và nói cho đúng ra là không thể đưa vào những điều khoản ưu tiên, chẳng hạn Điều 27 (ưu tiên nữ giới). Ngay trong nỗ lực bảo đảm sự bình đẳng, công bằng cũng đã đòi hỏi việc nâng đỡ những người chịu bất công.
- Cần phân biệt dân tộc cấu phần (Kinh, Thái, Tày,... ) với dân tộc Việt Nam nói chung.
Góp ý chi tiết
LỜI NÓI ĐẦU
1/
"xây dựng chủ nghĩa xã hội và tiến hành công cuộc đổi mới"
sửa thành
"tiến hành công cuộc đổi mới, bước đầu xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa".
Lý do: Thứ nhất, chủ nghĩa xã hội không phải một hình thái kinh tế-xã hội để có thể xây dựng, mà về mặt lý thuyết nó là một hệ thống lý luận về công cuộc xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa (hình thái kinh tế-xã hội mới), còn về mặt thực tiễn nó chính là bản thân công cuộc xây dựng ấy. Thứ hai, chúng ta chưa xây dựng xong xã hội xã hội chủ nghĩa.
2/
"Hiến pháp này tiếp tục khẳng định ý chí của nhân dân và chủ quyền quốc gia; phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường; thực hiện công bằng xã hội; tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới."
sửa thành
"Hiến pháp này tiếp tục khẳng định ý chí của nhân dân và chủ quyền quốc gia; tạo môi trường pháp lý để củng cố dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; để ngày càng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; để tăng cường hướng tới bảo đảm quyền con người, quyền công dân; để phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường; để thực hiện công bằng xã hội; để tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới."
Lý do: Thứ nhất, bản thân Hiến pháp không phải công cụ vật chất thực tiễn có thể hoàn thành những mục tiêu to lớn kể trên, mà nó chỉ tạo ra một môi trường pháp lý để các công cụ vật chất thực tiễn hoạt động. Thứ hai, dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết không phải các giá trị tự chúng đã hoàn thiện và trường tồn để có thể "phát huy", chúng cần được không ngừng củng cố.
3/
"vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh."
sửa thành
"vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa dân chủ, công bằng, văn minh."
Điều 1
"Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước dân chủ, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời."
sửa thành
"Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời; không ngừng củng cố các giá trị dân chủ đã và đang có, không ngừng phấn đấu nhằm bảo đảm các giá trị dân chủ còn hạn chế, để hoàn thiện nền dân chủ"
Lý do: Chưa có quốc gia nào tự tin rằng mình là một "nước dân chủ" hay là đã có nền dân chủ hoàn thiện hoàn mỹ.
Điều 2
"Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là... "
sửa thành
"Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; có tôn chỉ, sứ mệnh hành động phải là "của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân", mà nền tảng nhân dân là... "
Lý do: Tương tự lý do ở Điều 1, chúng ta không thừa nhận sự hoàn thiện của cái chưa hoàn thiện, mà chúng ta phải nhắc nhở chính mình về cái chưa hoàn thiện ấy.
Điều 3
- "Nhà nước bảo đảm và phát huy... " sửa thành "Nhà nước phải không ngừng củng cố hướng tới bảo đảm... ", lý do tương tự lý do ở Điều 1 và Điều 2.
- Bổ sung "mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ... " thành "mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa dân chủ... "
Điều 4
"1. Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
2. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình."
sửa thành
"1. Đảng Cộng sản Việt Nam, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, phải không ngừng chứng minh mình là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, phải đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, để xứng đáng với vị thế lãnh đạo Nhà nước và xã hội như Đảng đã và đang có.
2. Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình; nếu không Đảng sẽ mất vị thế lãnh đạo Nhà nước và xã hội"
Lý do: Tương tự lý do ở Điều 1, Điều 2 và Điều 3, chúng ta không thừa nhận sự hoàn thiện của cái chưa hoàn thiện, không thừa nhận tính đúng đắn của cái còn cần phải chứng minh, không thừa nhận tính bất biến của cái có thể đổi thay; chúng ta phải nhắc nhở chính mình về cái chưa hoàn thiện, cái còn cần phải chứng minh, cái có thể đổi thay ấy.
Điều 5
"2. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc.
3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt...
4. Nhà nước thực hiện chính sách... "
sửa thành
"2. Các dân tộc là bình đẳng, và cần đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc.
3. Ngôn ngữ chính thống của Nhà nước trên trường quốc tế là tiếng Việt...
4. Nhà nước phải thực hiện chính sách... "
Điều 6
"Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước... "
sửa thành
"Nhân dân thực hiện quyền lực làm chủ Nhà nước... "
Điều 8
"1. Nhà nước tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật... "
sửa thành
"1. Nhà nước quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật... "
Lý do: Tổ chức và hoạt động của Nhà nước nói chung là sản phẩm của quá trình lịch sử-tự nhiên, Hiến pháp và pháp luật chỉ là sản phẩm, công cụ của Nhà nước.
Điều 9
- Bỏ từ "tiêu biểu" ở Khoản 1, vì như thế là phân biệt đối xử giữa người ở ngoài với người nằm trong Mặt trận Tổ quốc.
- Bỏ câu "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân." ở Khoản 2, vì "cơ sở chính trị" là thuật ngữ mơ hồ.
Điều 10
- "của giai cấp công nhân và của người lao động" sửa thành "của người lao động", vì "người lao động" đã bao hàm "công nhân".
Điều 11
- Bỏ cụm từ "là thiêng liêng", vì nó mang tính chất tôn giáo.
Điều 15
- Khoản 2 cần bổ sung "bị giới hạn hoặc bị xóa bỏ", vì phải tính tới phạm nhân bị tử hình.
Điều 16
"1. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác.
2. Không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác."
sửa thành
"1. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
2. Không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác."
Điều 17
- Bỏ Khoản 2, vì cụm từ "phân biệt đối xử" rất mơ hồ.
Điều 18
- Bổ sung Khoản 3 rằng "bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của... "
Điều 19
- Bỏ Khoản 1, vì "không thể tách rời" là cụm từ mơ hồ.
- Khoản 2 bổ sung "xây dựng và bảo vệ".
Điều 20
- Khoản 3 thay cụm từ "có trách nhiệm" bằng từ "phải".
Điều 23
- Khoản 1 cần được soạn lại về cơ bản, vì phải xét đến những điều "riêng tư", "bí mật" phạm pháp, chẳng hạn đường dây buôn bán ma túy. Nếu không thì người tố giác tội phạm có thể trở thành tội phạm.
Điều 27
- Cần bỏ Điều này, vì Khoản 2 là không hợp lý (xem Góp ý chung), Khoản 1 và Khoản 3 thì nằm trong Điều 7.
Điều 29
- Thay "quyền" bằng "nghĩa vụ".
- Khoản 2 sửa là "tạo điều kiện để công dân làm tròn nghĩa vụ... "
Điều 30
- Thay "Nhà nước" bằng "Quốc hội", thay "quyền" bằng "nghĩa vụ".
- Bổ sung "Nhà nước tạo điều kiện để công dân làm tròn nghĩa vụ biểu quyết của mình".
Điều 31
- Khoản 1 và Khoản 3 thay "quyền" bằng "nghĩa vụ".
- Khoản 3 cần bổ sung "Nghiêm cấm việc cản trở, sách nhiễu và trả thù... ".
- Bổ sung "Nhà nước tạo điều kiện để công dân làm tròn nghĩa vụ của mình".
Điều 32
- Khoản 2 sửa "hai lần" thành "quá một lần".
- Khoản 4 bỏ cụm từ "gây thiệt hại cho người khác".
Điều 33
"1. Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn và tài sản khác trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác; đối với đất được Nhà nước giao sử dụng thì theo quy định tại Điều 57 và Điều 58."
sửa thành
"1. Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn và tài sản khác trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác, nếu chúng không phải giá trị thuộc sở hữu của toàn dân; đối với những giá trị thuộc sở hữu của toàn dân được Nhà nước giao sử dụng thì theo quy định tại Điều 57 và Điều 58."
Điều 34
- Rút gọn thành "Mọi người có quyền kinh doanh", vì đã là "quyền" thì đương nhiên Nhà nước phải bảo hộ, và nên chuyển thành Khoản 1 của Điều 33.
Điều 35
- Nên gộp vào Điều 24.
Điều 37
- Bổ sung "Việc trưng dụng hoặc khám xét chỗ ở... "
Điều 38
- Khoản 2 cần bỏ cụm từ "phân biệt đối xử", vì cụm từ này là mơ hồ, dễ mâu thuẫn với sự phân công lao động.
Điều 39
- Khoản 1 cần bỏ từ "tiến bộ" vì từ này mơ hồ.
- Khoản 2 cần bỏ cụm từ "bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em" vì như vậy là gạt bỏ vai trò của những người khác trong gia đình. Và như đã giải thích ở trên, việc bảo đảm an sinh xã hội và bảo đảm bình đẳng, công bằng đã là đủ.
Điều 40
- Hoặc là thay từ "trẻ em" bằng "mọi người" hoặc "công dân", hoặc là bổ sung cụm từ "vô điều kiện" để nhấn mạnh sự ưu tiên không đòi hỏi nghĩa vụ đối với trẻ em, và cần định nghĩa rõ thế nào là "trẻ em".
Điều 42
- Hoặc chỉ đơn thuần là "quyền", hoặc chỉ đơn thuần là "nghĩa vụ", chứ hai khái niệm này không thể đi cùng với nhau. Như đã giải thích ở phần Góp ý chung.
Điều 45
- Nên gộp vào Điều 5.
Điều 47
- Bỏ câu "Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất.", vì nếu như thế thì hình phạt cũng phải là cao nhất, nhưng trên thực tế (Điều 78 Bộ luật Hình sự) chỉ quy định hình phạt bình thường như nhiều tội danh khác. Nếu giữ câu này trong Hiến pháp thì Điều 78 Bộ luật Hình sự trở thành vi hiến.
Điều 48
- Sửa "là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý" thành "là nghĩa vụ và là lợi ích to lớn".
Điều 52
- Bổ sung "vì chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản".
Điều 55
- Sửa "bảo đảm cho nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường" thành "bảo đảm cho nền kinh tế phát triển bền vững". Vì nếu đã "vận hành theo quy luật thị trường" thì tức là không thể "định hướng xã hội chủ nghĩa". Mục đích của chúng ta là dần thoát khỏi nền kinh tế thị trường hàng hóa, với những quy luật tai hại của nó.
Điều 56
- "1. Tổ chức, cá nhân được tự do kinh doanh, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ... " sửa thành "1. Tổ chức, cá nhân có quyền kinh doanh nếu thực hiện đầy đủ nghĩa vụ... "
- "có bồi thường tài sản của cá nhân" bổ sung thành "có bồi thường tài sản hợp pháp của cá nhân".
Điều 58
- Sửa "sử dụng ổn định lâu dài hoặc có thời hạn" thành "sử dụng có thời hạn". Vì "lâu dài" mà không "vĩnh cửu" thì tức là "có thời hạn".
Điều 58 nói riêng và các điều khoản liên quan đến tài sản, sở hữu, sử dụng nói chung
- Cần quy định thêm nội dung vi phạm mà Nhà nước có thể "tịch thu mà không bồi thường".
Điều 64
- Cần soạn lại về cơ bản.
- Định nghĩa "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực phát triển của đất nước." (Khoản 1) rất mơ hồ, và cái khái niệm con người "có văn hóa" (Khoản 2), cái khái niệm "phản động, đồi trụy; mê tín, dị đoan" (Khoản 4) cũng vậy. Những khái niệm mơ hồ sẽ chỉ làm giảm giá trị của Hiến pháp, vì không có hiệu lực trong thực tiễn.
Điều 70
- Sửa lại thành "Lực lượng vũ trang nhân dân dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng cộng sản Việt Nam, phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; cùng toàn Đảng, toàn dân xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tham gia thực hiện nghĩa vụ quốc tế."
Điều 88
- Khoản 1 cần ghi rõ "Quốc hội sẽ họp kín" (chắc chắn) hay chỉ là khả năng "Quốc hội có thể họp kín".
- Khoản 2 cũng vậy, cần ghi rõ "Quốc hội sẽ họp bất thường" (chắc chắn) hay chỉ là khả năng "Quốc hội có thể họp bất thường".
Điều 98
- Cần làm rõ "thời gian dài" là bao nhiêu.
Điều 106
- Cần làm rõ xem việc mời Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc và người đứng đầu tổ chức chính trị-xã hội là quyền hay nghĩa vụ của Chính phủ, và thế nào là "vấn đề có liên quan".
Điều 101, 107 và 112
- Cần làm rõ khái niệm "lợi ích của Nhà nước".
Điều 107 và Điều 109
- Cần làm rõ đối tượng, phạm vi mà các Tòa án có thể xét xử. Nói cho đúng ra, Quốc hội mới là cơ quan xét xử cao nhất.
Điều 119
- Cần làm rõ theo như góp ý cho Điều 106.
--- Hết góp ý ---