Tại kỳ họp thứ 7, ngày 14 tháng 6 năm 2019, Quốc hội đã thông qua Luật giáo dục 2019. Luật Giáo dục 2019 ban hành thay thế Luật Giáo dục 2005 và Luật Giáo dục sửa đổi 2009. Theo đó, Luật Giáo dục 2019 có nhiều vấn đề mới nổi bật, trong đó nổi bật liên quan đến trình độ của giáo viên.
Theo nội dung của Luật mới thì hầu hết các giáo viên ở các cấp học đều yêu cầu phải nâng chuẩn trình độ. Cụ thể, đổi với giáo viên mầm non thì yêu cầu phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; Đối với giáo viên tiểu học, giáo viên trung học sơ sở, trung học phổ thông thì yêu cầu phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên; Với giảng viên đại học thì tối thiểu phải có bằng thạc sĩ; Phải có bằng tiến sĩ đối với người giảng dạy, hướng dẫn luận thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Cụ thể theo quy định tại Điều 72 Luật Giáo dục 2019:
“Điều 72. Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo
1. Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo được quy định như sau:
a) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non;
b) Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm;
c) Có bằng thạc sĩ đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học; có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ;
d) Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo giảng dạy trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.”
Xem nội dung chi tiết tại Luật Giáo dục 2019, có hiệu lực từ ngày 01/7/2020