Tai nạn thương tâm xảy ra vào tối 11/9 trên sân vận động Hàng Đẫy, khi cổ động viên đội bóng Nam Định đốt hàng chục quả pháo sáng ném xuống sân và ném từ khán đài B sang A. Và hậu quả là một nữ cổ động viên bị pháo sáng ném trúng chân, nhập viện trong tình trạng bỏng tận xương và phải phẫu thuật hai lần. Cổ động viên cả nước và cả ban tổ chức đều bất bình với hành vi này. Vậy việc đốt pháo sáng và làm bị thương người khác như vậy sẽ chịu hình phạt nào?
Nguồn ảnh: vietnamnet.vn
Pháo sáng không được phép sử dụng vì tính chất khó dập tắt và có thể gây bỏng cấp độ 4 theo quy định tại Điều 5, Nghị định 36/2009/NĐ-CP. Bên cạnh đó, theo như quy định tại khoản 2 điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì người sử dụng pháo sáng hay bắn pháo trên sân khi đang xem bóng đá có thể bị xử phạt hành chính từ 1-2 triệu đồng.
Thêm vào đó, hành vi đốt pháo sáng làm nữ cổ động viên bị thương ở chân có thể bị truy cứu về tội Gây rối trật tự nơi công cộng theo Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Ngoài ra, phạm tội thuộc một trong các trường hợp có tổ chức; Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; Xúi giục người khác gây rối; Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; Tái phạm nguy hiểm thì có thể bị phạt tù đến 7 năm.
Như vậy, cổ động viên dùng pháo sáng trên có thể bị phạt tù tới 7 năm cho hành vi dùng pháo sáng làm người khác bị thương. Đây là bài học cho tất cả chúng ta trong việc sử dụng những công cụ có khả năng gây sát thương.
Cập nhật bởi An_Pisces ngày 29/09/2019 11:59:50 CH