Kế toán là một vị trí quan trọng trong một doanh nghiệp, đây là bộ phận giữ trọng trách thu, chi và lên hoạch định sử dụng tiền cho các dự án của doanh nghiệp. Trong đó, kế toán trưởng là chức vụ cao nhất trong việc kê khai và quyết toán thuế của doanh nghiệp. Vậy đây có phải là một vị trí bắt buộc phải có và một người có thể kiêm nhiệm kế toán cho nhiều công ty hay không?
1. Kế toán trưởng là ai?
Kế toán trưởng là người đứng đầu bộ máy kế toán của đơn vị có nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác kế toán trong đơn vị kế toán.
Kế toán trưởng của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước và doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ ngoài nhiệm vụ quy định trên còn có nhiệm vụ giúp người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán giám sát tài chính tại đơn vị kế toán (Theo Điều 53 Luật Kế toán 2015).
Ngoài ra, kế toán trưởng là người được Bộ Tài chính cấp phép trở thành kế toán trưởng.
2. Những công việc của kế toán trưởng
Kế toán trưởng là một vị trí quan trọng và chịu trách nhiệm quản lý các nhân viên kế toán khác cũng như điều hành hoạt động kế toán của cả doanh nghiệp. Phải nắm bắt được tình hình tài chính của doanh nghiệp và cập nhật thị trường liên tục.
Ngoài ra, kế toán trưởng còn là một chức vụ quản lý cấp cao tại doanh nghiệp sẽ phải đưa ra được các kiến nghị thuận lợi cho doanh nghiệp. Bổ sung hoặc cắt giảm những thứ không cần thiết cho ban quản trị doanh nghiệp. Căn cứ khoản 1 Điều 55 Luật Kế toán 2015 quy định kế toán trưởng có trách nhiệm và quyền hạn như sau:
- Thực hiện các quy định của pháp luật về kế toán, tài chính trong đơn vị kế toán. Đảm bảo tính hợp pháp của dữ liệu kế toán và giám sát việc quyết toán doanh nghiệp được đúng quy định.
- Tổ chức điều hành bộ máy kế toán. Là người quản lý các nhân viên kế toán dưới quyền của mình, kế toán trưởng phải hướng dẫn được nhân viên mới đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các nhân viên kế toán khác.
- Lập báo cáo tài chính tuân thủ chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán. Kế toán trưởng tham gia vào việc lập các báo cáo tài chính vào thời gian quy định và trình bày báo cáo với những lãnh đạo cấp cao.
Đặc biệt, kế toán trưởng có quyền độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ kế toán.
3. Kế toán trưởng trong doanh nghiệp
Đơn vị kế toán phải bố trí kế toán trưởng trừ các đơn vị quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định 174/2016/NĐ-CP. Trường hợp đơn vị chưa bổ nhiệm được ngay kế toán trưởng thì bố trí người phụ trách kế toán hoặc thuê dịch vụ làm kế toán trưởng theo quy định.
Thời gian bố trí người phụ trách kế toán tối đa là 12 tháng, sau thời gian này đơn vị kế toán phải bố trí người làm kế toán trưởng.
*Trường hợp không cần phải bổ nhiệm kế toán trưởng
(1) Các đơn vị kế toán trong lĩnh vực nhà nước bao gồm:
- Đơn vị kế toán chỉ có một người làm kế toán hoặc một người làm kế toán kiêm nhiệm.
- Đơn vị kế toán ngân sách và tài chính xã, phường, thị trấn thì không thực hiện bổ nhiệm kế toán trưởng mà chỉ bổ nhiệm phụ trách kế toán.
(2) Các doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được bố trí phụ trách kế toán mà không bắt buộc phải bố trí kế toán trưởng.
(3) Doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán và người được thuê làm kế toán, làm kế toán trưởng phải chịu trách nhiệm về thông tin, số liệu kế toán theo thỏa thuận trong hợp đồng.
(4) Khi thay đổi kế toán trưởng thì người này phải bàn giao lại toàn bộ tài liệu, hồ sơ, sổ sách có liên quan và chuyển giao công việc cho người khác. Trường hợp có xảy ra sai phạm sẽ chịu trách nhiệm trong thời gian làm kế toán trưởng.
*Một kế toán có thể làm tại nhiều doanh nghiệp?
Đây cũng là thắc mắc của nhiều người hành nghề kế toán, đặc biệt là các kế toán dày dặn kinh nghiệm muốn làm việc tại nhiều doanh nghiệp. Tại khoản 4 Điều 52 Luật Kế toán 2015 quy định trường hợp sau đây không được làm kế toán:
Người đang là người quản lý, điều hành, thủ kho, thủ quỹ, người mua, bán tài sản trong cùng một đơn vị kế toán, trừ trong doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu và các trường hợp khác do Chính phủ quy định.
Như vậy, doanh nghiệp bình thường phải bắt buộc phải có kế toán trưởng trong vòng 01 năm, đối với các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp nhỏ thì không cần phải có kế toán trưởng. Bên cạnh đó, pháp luật chỉ cấm người làm quản lý, quản lý kế toán của doanh nghiệp không được làm kế toán tại một công ty khác mà không cấm nhân viên kế toán làm việc tại công ty thứ hai.