Chia thừa kế trong trường hợp chết không có di chúc

Chủ đề   RSS   
  • #607332 07/12/2023

    linhtrang123456
    Top 50
    Lớp 10

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:02/12/2017
    Tổng số bài viết (2031)
    Số điểm: 14871
    Cảm ơn: 11
    Được cảm ơn 322 lần


    Chia thừa kế trong trường hợp chết không có di chúc

    Trường hợp cha mẹ chưa lập di chúc, chỉ nói miệng là cho thôi thì chia thừa kế như thế nào? Có xác nhận là có di chúc để chia thừa kế theo di chúc.

    Chỉ nói miệng là cho có xác định là có di chúc?

    Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Theo Bộ luật Dân sự 2015 thì trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.

    Như vậy, nếu như chỉ trong trường hợp bình thường mà cha mẹ nói cho đất thì không thể xác định là có di chúc. Khi không có di chúc thì khi người để lại di sản chết thì sẽ thực hiện chia thừa kế theo pháp luật.

    Chia thừa kế khi người để lại di sản chết không có di chúc

    Khi cha mẹ chết mà không có để lại di chúc thì tài sản ba mẹ để lại sẽ chia thừa kế theo pháp luật. Những người thừa kế theo pháp luật được xác định theo Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:

    - Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

    + Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

    + Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

    + Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

    Như vậy, trước tiên sẽ tiến hành xác định những người thừa kế theo pháp luật theo hàng thừa kế thứ nhất, nếu như không  còn ai ở hàng thừa kế thứ nhất do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản thì người thuộc hàng thừa kế thứ hai sẽ được hưởng, tương tự xác định khi không còn ai hưởng ở hàng thừa kế thứ hai thì sẽ tính hưởng đối với người thuộc hàng thừa kế thứ ba.

    Lưu ý là những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

    Những người thừa kế đến UBND xã hoặc văn phòng công chứng để thực hiện thỏa thuận phân chia di sản. Sau khi có văn bản thỏa thuận phân chia di sản/hoặc văn bản khai nhận di sản thì anh mang giấy tờ này đi làm thủ tục đăng ký biến động đất đai. Cụ thể cần thực hiện theo các bước thực hiện như sau:

    *Bước 1: Khai nhận di sản thừa kế. Hồ sơ cần chuẩn bị gồm:

    - Các giấy tờ liên quan quyền sở hữu di sản của người mất (Giấy CNQSDĐ)

    - Giấy tờ tùy thân của các đồng thừa kế (CCCD, Giấy xác nhận thông tin cư trú)

    - Giấy tờ chứng minh quan hệ với người để lại di sản (khai sinh)

    Khi làm thủ tục khai nhận bắt buộc phải có những người nhận thừa kế có mặt ký tên, trường hợp người nào vắng mặt thì phải có giấy ủy quyền cho người khác hoặc những người còn lại. Nếu muốn đứng tên trên toàn bộ diện tích đất thì có thể thỏa thuận với các đồng thừa kế khác về việc lấy lại phần đất của những người này rồi chi trả chi phí tương đương với tài sản mà họ được nhận (hoặc những người đồng thừa kế sẽ từ chối nhận di sản). Sau đó làm thủ tục đăng ký sang tên quyền sử dụng đất.

    *Bước 2: Đăng ký sang tên quyền sử dụng đất:

    - Cơ quan giải quyết: Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện, Phòng Tài nguyên Môi trường.

    - Hồ sơ: Bản chính văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế có công chứng, chứng thực; sổ đỏ; giấy tờ khác (giấy tờ tùy thân, giấy chứng tử…); Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK.

    Văn phòng đăng ký đất đai sau khi nhận hồ sơ sẽ có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ, làm trích sao hồ sơ địa chính; gửi số liệu địa chính cho cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính (nếu có); chỉnh lý giấy chứng nhận đã cấp hoặc thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đối với trường hợp phải cấp mới giấy chứng nhận. Sau khi bên nhận thừa kế thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, văn phòng đăng ký đất đai sẽ tiến hành có cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sử dụng đất.

     
    24901 | Báo quản trị |  
    2 thành viên cảm ơn linhtrang123456 vì bài viết hữu ích
    doannghia72dtk (24/07/2024) admin (09/12/2023)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận