Tôi có chuyện để đóng góp đây: KHÔNG LẼ TRẮNG ÁN?
Làm cháy 1,6 ha rừng, bị kết tội 6 ha
Hai hộ dân được giao giữ rừng tự đo đạc và khẳng định chỉ cháy 1,6 ha nhưng cơ quan tố tụng quy kết cháy đến gần 6 ha và xử bị cáo năm năm sáu tháng tù.
Nếu không bị vướng vào vòng lao lý thì năm nay bị cáo Hoàng Văn Vững (trú xã Cổ Đạm, huyện Nghi xuân, Hà Tĩnh) đã là sinh viên năm thứ hai Trường CĐ Nông lâm nghiệp Hà Tĩnh. Nhưng kể từ sau phiên tòa phúc thẩm ngày 24-1-2013 của TAND tỉnh Hà Tĩnh, Vững đã bị bắt đi thi hành án bản án tù năm năm sáu tháng về tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy.
Gây án từ con chim khướu
Một ngày mùa hè năm 2012, sau khi thi đậu trường CĐ, Vững mang một con khướu cùng dụng cụ lên núi bẫy chim bán kiếm tiền để sắm sửa, chuẩn bị bước vào quãng đời sinh viên xa nhà. Đến buổi trưa, Vững bẫy được một số chim và nhóm lửa định nướng ăn. Khi đang nướng giữa chừng thì Vững nghe tiếng chim khướu hót tại nơi đặt bẫy nên xuống dưới kiểm tra. Lúc này trời nắng nóng, Vững ngồi nghỉ trong bụi cây tại đó và… ngủ quên.
Khoảng 20 phút sau, Vững thấy nóng và nghe tiếng cây bị cháy nổ lốp bốp. Tỉnh dậy, Vững thấy lửa đã cháy lan từ nơi nướng chim ra khu vực rừng xung quanh. Vững vội dùng dao chặt cành cây để dập lửa nhưng đám cháy đã lan rộng không thể dập được. Lo sợ bị phát hiện, Vững vội nhặt lồng chim bỏ chạy, vô ý làm rơi điện thoại di động ở đấy. Đến chiều, đám cháy được dập tắt. Chiếc điện thoại của Vững được một cán bộ quản lý rừng nhặt được.
Sáng hôm sau, Vững thú nhận với cả nhà việc mình đốt lửa nướng chim vô ý gây cháy rừng. Gia đình đã động viên Vững ra đầu thú. Công an huyện lập biên bản và cho về nhà, khi có lệnh triệu tập thì lên trình diện. Gia đình Vững cũng mang 12 triệu đồng nộp để góp phần khắc phục hậu quả.
Quá trình điều tra, cơ quan tố tụng quy kết Vững đã làm cháy gần 6 ha rừng nên truy tố theo khoản 3 Điều 240 BLHS về tội vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy (có mức án 7-12 năm tù). Ngày 22-10-2012, Vững bị TAND huyện Nghi Xuân tuyên xử năm năm sáu tháng tù.
Vững kháng cáo vì cho rằng mình chỉ làm cháy 1,6 ha rừng nên theo luật, bị cáo chỉ phải chịu khung hình phạt theo khoản 1 (cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm). Tuy nhiên, TAND tỉnh Hà Tĩnh đã bác kháng cáo và tuyên y án sơ thẩm.
Người dân đồng loạt kêu oan
Mặc dù đang là buổi làm đồng nhưng khi biết chúng tôi đến, bà con đã bỏ việc về gặp phóng viên để kêu oan cho Vững. Người dân cho biết diện tích rừng Vững làm cháy nằm trong phần rừng được Nhà nước giao khoán cho hai hộ dân chăm sóc và bảo vệ. Đó là hộ ông Phan Văn Tấn và hộ ông Tống Chí Nguyện.
Bà Nguyễn Thị Lan, vợ ông Nguyện, cho biết hộ bà nhận chăm sóc, bảo vệ 5 ha rừng. “Dựa trên sổ sách và thực tế, phần rừng nhà tôi bị cháy chỉ 1 ha” - bà Lan khẳng định. Tương tự, ông Phan Văn Tấn khẳng định diện tích bị cháy nhà ông chỉ khoảng 0,6 ha trong số 4 ha ông nhận chăm sóc, bảo vệ. “Ngoài ra, không còn chỗ rừng nào bị cháy cả. Tính ra diện tích bị cháy của hai hộ chúng tôi chỉ 1,6 ha chứ mô (đâu) ra 6 ha như cáo trạng” - ông Tấn nói.
Ông Trần Văn Niêm, người nhận khoán bảo vệ rừng gần với hai hộ nói trên, nói: “Rừng ni tôi lội nát. Chỗ mô cháy, chỗ mô không tôi nắm trong lòng bàn tay. Chính tôi là người trực tiếp đi đo những thửa rừng cháy cùng cha con Vững, cộng tất cả 17 thửa bị cháy lại diện tích chỉ hơn 1,6 ha”. Nói xong, ông Niêm đưa ra sơ đồ ghi rõ từng thửa bị cháy mà ông đã đo đạc cùng số liệu từng thửa chi tiết.
Những mâu thuẫn
Trao đổi với chúng tôi về hai số liệu khác biệt nói trên, Đại tá Phan Văn Đán, Trưởng Công an huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), cho rằng con số gần 6 ha rừng bị cháy đã được các cơ quan chức năng điều tra rõ ràng, cơ quan điều tra không thể làm nên con số ấy được. Tuy nhiên, khi được hỏi cơ quan cụ thể nào điều tra, đo đạc, ông Đán không trả lời mà chỉ sang VKS và tòa án để hỏi.
Đáng chú ý, khi cơ quan điều tra đo đạc diện tích rừng bị cháy đã không để Vững cùng các hộ dân (bảo vệ rừng) có rừng bị cháy đi cùng. Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX cho rằng khi lập biên bản tại hiện trường thì Vững đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Trong khi đó, người dân địa phương nói từ khi gây cháy đến lúc tòa xử, bị cáo luôn có mặt tại địa phương, không hề đi khỏi ngày nào. Thậm chí đến ngày tựu trường, Vững vẫn không dám rời địa phương để đến Trường CĐ Nông lâm nghiệp Hà Tĩnh - nơi Vững vừa thi đậu trước khi làm cháy rừng để nhập học. Ngoài ra, Vững không hề nhận được lệnh triệu tập của cơ quan điều tra khi đi đo đạc.
Tại phiên xử phúc thẩm, cha của bị cáo đề nghị tòa cho điều tra lại phần diện tích bị cháy nhưng HĐXX đã bác bỏ. Theo tòa, qua sáu tháng bị cháy, cây rừng đã lên xanh nên không thể phân biệt được chỗ nào bị cháy, chỗ nào không, nói chung không thể đo lại được.
Về điểm này, nhiều người bảo vệ rừng cho rằng rừng trồng hơn 10 năm với rừng mới đâm chồi (do bị cháy) không cứ gì người có chuyên môn mà ai cũng có thể phân biệt được. Ông Nguyễn Phi Quỳnh, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh, khẳng định: “Rừng trồng trên 10 năm và rừng mới tái sinh do cháy, nhìn bằng mắt thường ai cũng phân biệt được”.
Với tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy, con số diện tích rừng bị cháy trong trường hợp này có ý nghĩa quyết định trong việc định khung hình phạt. Cụ thể, theo hướng dẫn tại tiểu mục 5.3, 5.5 của Mục IV Thông tư liên tịch số 19 năm 2007 (của Bộ NN&PTNT - Bộ Tư pháp - Bộ Công an - VKSND Tối cao - TAND Tối cao), nếu diện tích rừng bị cháy là 1,6 ha thì người làm cháy bị truy cứu theo khoản 1 Điều 240 BLHS; nếu diện tích cháy gần 6 ha thì người làm cháy bị truy tố khoản 3 của điều luật nói trên (có khung hình phạt cao hơn).
“Giờ đo đạc lại thì phải tuyên trắng án mất” (!?)
Phía bị cáo có đưa một số người lên hiện trường để kiểm đếm, đo đạc lại. Tại tòa, gia đình bị cáo có xuất trình tài liệu đo vẽ, kiểm đếm diện tích bị cháy nhưng sơ đồ đó chỉ vẽ tay và không có ai xác nhận cả nên chúng tôi không thể chấp nhận. Trong khi đó, hồ sơ vụ án hoàn toàn có căn cứ xác định diện tích rừng thiệt hại từng đấy (gần 6 ha). Ngoài hai chủ rừng thì còn có các cơ quan nhà nước trong hội đồng xác định (diện tích rừng bị cháy) như Phòng Tài chính, VKS, cơ quan điều tra… Không ai lương tâm nào đáng một làm thành hai.
Trước khi xử phúc thẩm, tôi hỏi ý kiến các anh bên kiểm lâm và lâm nghiệp (thuộc Sở NN&PTNT) có đo đếm lại được diện tích rừng bị cháy không. Họ cho biết rừng cháy sau 6-7 tháng thì hoàn toàn khác, một là nó tái sinh trở lại, hai là qua mưa gió này khác thì nó khác đi, nếu làm lại thì nó khác hoàn toàn về ban đầu. Và cái quan trọng là trước đó đã có biên bản vi phạm rồi, có kiểm đếm, có hội đồng, có làm xác định thiệt hại, có khoanh vùng. Kiểm lâm nói với tôi nếu đo đếm lại thì không có căn cứ mà xử tội, thậm chí không xử được, phải tuyên trắng án mất.
Bị cáo không xin giảm nhẹ hình phạt thì chúng tôi chịu, không thể tuyên giảm án được.
Ông PHAN THANH HOÀI, Chánh tòa Hành chính TAND tỉnh Hà Tĩnh, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm
ĐẮC LAM ghi
|
NGUYỄN DÂN
http://phapluattp.vn/20130818110449533p1063c1016/lam-chay-16-ha-rung-bi-ket-toi-6-ha.htm
LS Cao Sỹ Nghị
101 Đào Duy Anh, Phường 9, quận Phú Nhuận TP. HCM
Email: [email protected]