Mới đây, nổi lên vụ việc cô gái vì muốn vay tiền đã liều mình thế chấp “ảnh nóng” cho đối tượng xấu. Lợi dụng có ảnh nóng trong tay, đối tượng này đe dọa, uy hiếp ngược lại nhằm cưỡng đoạt tài sản.
Cụ thể, vừa qua, Công an quận X đã lập hồ sơ với đối tượng Y để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Theo thông tin trên báo Công an Nhân dân được biết đối tượng thường chơi game đánh bạc trực tuyến thắng thua bằng tiền nên đã tạo một số tài khoản Facebook nhằm tìm kiếm người có nhu cầu vay tiền để lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản của người khác.
Theo đó, người này lên mạng biết có người có nhu cầu vay tiền. Khi đó, đối tượng này chỉ mới đồng ý cho nạn nhân vay thế chấp CCCD và giấy phép lái xe. Tuy nhiên kèm theo điều kiện làm tin là nạn nhân phải chụp ảnh khỏa thân.
Sau đó, đối tượng hẹn nạn nhân đến nhà nghỉ, chụp hình khỏa thân và hẹn sẽ chuyển tiền sau. Tuy nhiên, sau đó đối tượng không cho nạn nhân vay tiền mà trở mặt yêu cầu nạn nhân phải chuyển tiền cho hắn và đe dọa sẽ tung hình ảnh khỏa thân của nạn nhân lên mạng nếu không thực hiện.
Do quá lo sợ và xoay sở không đủ nên nạn nhân đã trực tiếp và nhờ bạn bè chuyển tiền cho tên xấu đó với số tiền hàng triệu đồng.
Sau nhiều lần chuyển tiền, đối tượng này vẫn tiếp tục đe dọa và yêu cầu chuyển thêm, khi đó nạn nhân đã đến cơ quan công an trình báo.
Trước sự việc trên, cơ quan công an cũng khuyến cáo người dân không vay tiền qua các app hay địa chỉ không đáng tin cậy, không được nhà nước cấp phép. Đặc biệt, tuyệt đối không bất chấp vay mượn dưới hình thức thế chấp hình ảnh “nhạy cảm” của cá nhân nhằm tránh tiếp tay cho các đối tượng lợi dụng lừa đảo cưỡng đoạt tài sản và ảnh hưởng đến đời sống tinh thần, vật chất của bản thân, dẫn đến hậu quả “tiền mất tật mạng”.
Đối với hành vi cưỡng đoạt tài sản sẽ áp dụng mức xử phạt thế nào?
Cưỡng đoạt tài sản là gì?
Cưỡng đoạt tài sản là hành vi một người dùng vũ lực đe dọa hoặc có thủ đoạn khác để uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.
Điểm đặc trưng của hành vi này là người phạm tội sẽ dùng vũ lực (lời nói hoặc hành động) mà tác động tâm lý đến người có quyền về tài sản phải lo sợ mà giao nộp tài sản cho người uy hiếp. Có thể kể đến một số hành vi như đe dọa sẽ tố cáo bí mật cá nhân, uy hiếp bằng vũ lực, dùng chức vụ quyền hạn để ra lệnh hay nổi bật như đã nêu ở tiêu đề đó là dùng thông tin bí mật đời tư để uy hiếp tống tiền.
Mức phạt hành chính đối với hành vi cưỡng đoạt tài sản
Theo Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người có hành vi cưỡng đoạt tài sản nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Ngoài ra, người có hành vi vi phạm trên còn bị buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép.
Truy cứu tội cưỡng đoạt tài sản
Căn cứ Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 quy định Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì áp dụng các khung hình phạt sau đây:
Khung 1: Bị phạt tù từ 01 năm - 05 năm.
Khung 2: Bị phạt tù từ 03 năm - 10 năm khi có các dấu hiệu:
- Có tổ chức.
- Có tính chất chuyên nghiệp.
- Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ.
- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng - dưới 200 triệu đồng.
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
- Tái phạm nguy hiểm.
Khung 3: Bị phạt tù từ 07 năm - 15 năm khi có các dấu hiệu:
- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng - dưới 500 triệu đồng.
- Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
Khung 4: Bị phạt tù từ 12 năm - 20 năm khi có các dấu hiệu sau:
- Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên.
- Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng - 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.