Mấy ngày qua, vụ nữ sinh bị đánh hội đồng ở Trà Vinh đang được dư luận quan tâm khá nhiều. Từ vụ đánh nhau mới vỡ lẽ ra nhiều vấn đề xung quanh câu chuyện giáo dục và trách nhiệm.
1/ Nguyên nhân vì sao tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng?
* Tác động tâm lý bởi gia đình và nhà trường:
Gia đình là cái nôi của xã hội, cách quan tâm, chăm sóc, giáo dục con cái có ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành nhân cách con trẻ từ khi sinh ra đến lúc lớn lên.
Bên cạnh đó, nhà trường là một môi trường để hỗ trợ gia đình trong việc chăm sóc, giáo dục con em. Thực tế ngày nay, các học sinh phổ thông có thời gian ở trường nhiều hơn ở nhà. Vì vậy, nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục kiến thức và đạo đức học sinh.
* Tác động bởi các game online
Công nghệ thông tin ngày càng hiện đại, việc kiểm soát các game online du nhập vào thị trường vô cùng khó khăn. Hiện nay, nhiều game online mang tính chất bạo lực tràn lan trên thị trường mà chưa được ngăn chặn một cách hợp lý dễ dẫn đến tác động tâm lý, hình ảnh bạo lực khi chơi quá mức các game online này.
* Tác động bởi quy định “trả lương cho lớp trưởng”
Dạo gần đây, có ý kiến đề xuất là trả lương cho lớp trưởng nhằm để khen thưởng công sức đóng góp cho lớp của lớp trưởng. Nhưng liệu quy định này có mang hiệu ứng ngược, tạo nên một giai cấp thống trị và bị trị tại môi trường học tập vốn được xem là bình đẳng giữa các học sinh.
2/ Xử lý hậu quả
* Buộc thôi học
Đây có phải là cách tốt nhất để răn đe, giáo dục học sinh khi vi phạm, nhất là học sinh lớp 7 – đang trong độ tuổi hình thành phát triển tâm lý?
Đã từng qua độ tuổi này nên mình biết, đây là độ tuổi khá nhạy cảm. Các bạn học sinh thường nông nổi, thích thể hiện mình bằng việc dùng vũ lực. Ai có người bảo kê thì dám mạnh miệng, oai phong, còn kẻ yếu hèn thì có 2 sự lựa chọn: 1 mình chống lại hoặc nấp bóng của nhóm bảo kê.
Như đã đề cập ở trên, nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục học sinh. Phần lớn ngày nay, thời gian của các bạn học sinh ở trường nhiều hơn ở nhà vì vào trường có thầy cô giáo dạy dỗ còn về nhà thì cha mẹ lo đi làm nên sẽ không thể dành thời gian nhiều để dạy dỗ.
Như vậy, liệu khi đuổi học, có phải là gián tiếp đưa học sinh ra ngoài xã hội nhiều cạm bẫy, đẩy học sinh đến gần với những tệ nạn xã hội này không? Trong khi có nhiều cách có thể xử lý được như cảnh cáo trước toàn trường, đưa học sinh đó vào một nhóm giáo dục đặc biệt tại trường…
Thực tế, đây không phải là cách xử lý mới khi học sinh vi phạm. Cách này đã được hình thành từ lâu trong hệ thống giáo dục của ta. Nhiều quan điểm ủng hộ cho rằng đây là cách để đe dọa các học sinh này tái phạm, nhưng liệu nó có mang phản ứng ngược. Độ tuổi cấp 2 và cấp 3 là độ tuổi nhạy cảm, việc đuổi học này thực tế chỉ răn đe được một ít, số còn lại mang tâm lý bất cần sau khi bị đuổi học. Và số này về khả năng dê tiếp cận với các thành phần xấu trong xã hội là rất cao.
Với những bất cập nêu trên, chúng ta có nên ủng hộ quan điểm: Không xử lý đuổi học khi học sinh vi phạm không?
* Đình chỉ công tác hiệu trưởng
Việc xảy ra vụ đánh nhau như trên, liệu lỗi và trách nhiệm chỉ có riêng một mình hiệu trưởng?
Lỗi và trách nhiệm còn thuộc về giáo viên chủ nhiệm của học sinh các lớp tham gia, thầy cô giáo bộ môn trước và sau khi xảy ra vụ việc. Vì vậy, nếu xử lý trách nhiệm, có nên có biện pháp đối với các thầy cô giáo này để là bài học cho họ. Có sự quan tâm sâu sát đến tâm sinh lý của học sinh. Chứ không phải chỉ có trách nhiệm đến lớp chỉ để giảng dạy kiến thức A, B, C…