Nền kinh tế ngày càng phát triển nên việc ký kết các hợp đồng kinh tế - thương mại là yếu tố không thể thiếu của các doanh nghiệp; để tránh những rủi ro pháp lý khi ký kết hợp đồng, đặc biệt là những hợp đồng có giá trị cao thì hãy lưu ý 06 vấn đề sau đây
Thứ nhất, về chủ thể khi ký kết hợp đồng
Ngoài đáp ứng yêu cầu về chủ thể quy định tại Điều 117 Bộ luật dân sự 2015, bước đầu tiên khi tiến hành giao kết hợp đồng thương mại là xác định người ký kết hợp đồng có đúng thẩm quyền hay không?
Thông thường, đối với doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy phép đầu tư sẽ xác định rõ người đại diện có thẩm quyền. Nếu người ký kết là người đại diện theo ủy quyền thì hãy kiểm tra Giấy ủy quyền để xem xét kỹ những nội dung quan trọng như phạm vi ủy quyền hay thời hạn ủy quyền. Vì hợp đồng có thể bị tuyên vô hiệu nếu chủ thể ký kết không đúng thẩm quyền.
*Lưu ý: Người đại diện theo ủy quyền chỉ được thực hiện trong phạm vi được uỷ quyền khi ký kết hợp đồng
Thứ hai, về hình thức hợp đồng
Hợp đồng thương mại thường là dạng hợp đồng có giá trị khi được ký kết; quy định về hình thức từng loại hợp đồng được quy định cụ thể tại Luật thương mại 2005; tuy nhiên, hợp đồng thương mại tốt nhất nên được lập thành văn bản để dễ giải quyết khi có tranh chấp.
Khi ký kêt hợp đồng, hãy kiểm tra hình thức hợp đồng đã được soạn thảo đúng mẫu, đúng quy định pháp luật? Bên cạnh đó, nếu có quy định hợp đồng phải công chứng, chứng thực thì doanh nghiệp nên tuân thủ triệt để; nhằm tránh phát sinh những rủi ro pháp lý sau này
Thứ ba, về nội dung hợp đồng
Nội dung của hợp đồng được quy định tại khoản 2 Điều 398 Bộ luật dân sự 2015; tuy nhiên nội dung hợp đồng còn phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa các bên theo nguyên tắc tự do ý chí và bình đẳng. Bên cạnh đó, nội dung hợp đồng không được vi phạm điều cấm và không được trái với quy tắc đạo đức xã hội.
Thứ tư, điều kiện có hiệu lực của hợp đồng
Luật thương mại 2005 không quy định cụ thể vấn đề này; đa số các loại hợp đồng phải đáp ứng điều kiện để có hiệu lực theo quy định tại Điều 117 Bộ luật dân sự 2015, cụ thể như sau:
1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.
Thứ năm, về chế tài trong trường hợp vi phạm hợp đồng
Các bên nên thỏa thuận cụ thể chế tài xử lý trong trường hợp vi phạm hợp đồng; đồng thời, những chế tài cần phải khả thi, đúng quy định pháp luật để không bị vô hiệu và có thể thực hiện được.
>>>Bộ luật dân sự 2015 có các chế tài sau: Phạt vi phạm hợp đồng; Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng; Hủy bỏ hợp đồng; Đơn phương chấm dứt hợp đồng
>>>Luật thương mại 2005 có các chế tài sau: Buộc thực hiện đúng hợp đồng; Phạt vi phạm; Buộc bồi thường thiệt hại; Tạm ngừng thực hiện hợp đồng; Đình chỉ thực hiện hợp đồng; Huỷ bỏ hợp đồng.
Bên cạnh đó, Điều 301 Luật thương mại 2005 quy định về mức phạt vi phạm hợp đồng như sau: Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm
Thứ sáu, xác định đúng căn cứ pháp lý khi giao kết hợp đồng
Căn cứ pháp lý của các hợp đồng thương mại hiện nay là dựa vào quy định tại Bộ luật dân sự 2015, Luật thương mại 2005 và các văn bản hướng dẫn của luật này. Bên cạnh đó, tùy theo từng lĩnh vực cụ thể mà các bên có thể căn cứ vào các luật chuyên ngành khác, ví dụ như: Luật sở hữu trí tuệ, Luật xây dựng…
Việc xác định đúng căn cứ pháp lý cũng vô cùng quan trọng vì điều này giúp bảo đảm quyền được pháp luật bảo vệ của các bên khi tiến hành ký hết hợp đồng.