Hướng dẫn học tập môn Luật phá sản
Môn Pháp luật về phá sản và giải quyết tranh chấp giúp sinh viên nắm bắt các quy định của pháp luật về phá sản và giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại, bao gồm những nội dung cơ bản: Khái niệm phá sản; trình tự, thủ tục giải quyết phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; các quyền và nghĩa vụ của chủ thể tiến hành phá sản và chủ thể tham gia quá trình giải quyết phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; khái niệm tranh chấp kinh doanh, thương mại để xác định thẩm quyền giải quyết của các cơ quan; các hình thức giải quyết tranh chấp; vịa vị pháp lý của trọng tài thương mại của Việt Nam; thủ tục tố tụng trọng tài theo Pháp lệnh Việt Nam.
Vậy để học tốt môn Luật phá sản thì phải làm gì
Nắm vững kiến thức cơ bản
1. Các tài liệu hướng dẫn học tập:
- Giáo trình Luật Thương mại của Trường ĐH Luật TP.Hồ Chí Minh, ĐH Luật Hà Nội và của các trường ĐH khác nếu có;
- Các Tạp chí Luật học của Viện nghiên cứu Nhà nước và Pháp Luật, Tạp chí Khoa học Pháp lý , Tạp chí Lập pháp;
- Các đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp trường;
- Các bài viết của các tác giả về các vấn đề có liên quan;
- Văn bản pháp luật liên quan đến môn học Luật Phá sản;
- Các tài liệu khoa học pháp lý của nước ngoài liên quan đến môn học Luật Phá sản
2. Cụ thể, các văn bản quan trọng mà sinh viên cần phải nắm là:
- Bộ luật lao động 2012: quy định tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động; quản lý nhà nước về lao động
- Luật phá sản 2014: quy định về trình tự, thủ tục nộp đơn, thụ lý và mở thủ tục phá sản; xác định nghĩa vụ về tài sản và biện pháp bảo toàn tài sản trong quá trình giải quyết phá sản; thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh; tuyên bố phá sản và thi hành quyết định tuyên bố phá sản.
Từ nội dung này các bạn có thể nắm vững tương đối kiến thức về pháp luật phá sản
- Luật doanh nghiệp 2014: quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân; quy định về nhóm công ty.
- Nghị quyết 03/2016/NQ-HĐTP: Để áp dụng đúng và thống nhất một số quy định của Luật phá sản số 51/2014/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2014; hướng dẫn thi hành một số quy định tại Điều 8, khoản 14 Điều 9, Điều 70 và Điều 104 của Luật phá sản.
- Nghị định 05/2010/NĐ-CP: quy định việc áp dụng Luật Phá sản đối với tổ chức tín dụng về điều kiện và việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; xác định nghĩa vụ về tài sản và các biện pháp bảo toàn tài sản trong thủ tục phá sản; điều kiện, thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh, thủ tục thanh lý tài sản và tuyên bố phá sản; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, của tổ chức tín dụng bị yêu cầu tuyên bố phá sản và của người tham gia giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản.
- Nghị định 22/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, hành nghề quản lý, thanh lý tài sản, chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và quản lý nhà nước đối với Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
CÁCH LÀM BÀI HIỆU QUẢ
Thông thường một đề thi môn phá sản sẽ có 3 câu:
1. Lý thuyết (2 điểm)
2. Nhận định 4 câu ( 4 điểm)
3. Bài tập tình huống 4 điểm
- Để làm tốt các câu hỏi trên thì với câu hỏi lý thuyết, các bạn không cần phải học kỹ hoặc hoặc thuộc, mà thầy cô ra đề chủ yếu đánh vào yếu tố hiểu bài không của các bạn. Thường dạng câu hỏi này rơi vào các từ Vì sao? Giai thích,... Cho nên yếu tố quyết định là các bạn phải thường xuyên xem giáo trình, ghi chú lại những điều quan trọng. Lắng nghe thầy cô giảng bài, rồi xem phần nào trọng tâm để về nhà nghiên cứu thêm. Với cách học như thế thì khi rơi vào câu hỏi lý thuyết các bạn có thể dễ dàng vượt qua được. Còn cách trả lời thì nên ngắn gọn, lập luận phải khoa học và hợp lý bởi vì cái đích là cho thầy cô thấy sự hiểu bài chứ không vòng vo tốn thời gian
- Với bài tập nhận định, thì yêu cầu quan trọng là nắm được kiến thức cơ bản, biết cách tra luật. Vì đề ra theo sự dàn trải đồng đều cho nên các bạn đi học nhớ đọc qua hoặc ghi chú lại những điều luật quan trọng để trong quá trình thi có thể tìm kiếm dễ dàng. Cách làm nhận định thì yêu cầu trước hết là đọc kĩ tránh sự đánh đố. Nêu rõ cơ sở pháp lý và giải thích nó, chứ không nên sao chép toàn bộ điều luật vào
Chú ý:
Sinh viên thường nghĩ tất cả nhận định là sai. Khi chúng ta làm một câu nhận định đúng thì mức độ tin cậy của bản thân chúng ta vào tính chính xác của nó thường không cao. Thông thường rất ít đề thi mà trong bài tập nhận định không có câu đúng. Vì vậy cần kiểm tra kĩ, khi mà môn phá sản thường có những câu nhận định đúng nhiều.
- Với câu hỏi bài tập thì cũng chủ yếu là đưa ra tình huống và nêu quan điểm cá nhân để giải quyết một vụ việc nào đó. Thường thì đây giống như một câu hỏi mang tính chất hiểu bài để áp dụng vào thực tế. Hãy trình bày câu trả lời của bạn thật đơn giản, thành những câu thật vắn tắt. Gói gọn được càng nhiều ý trong một câu văn sẽ tốt hơn là viết cả một bài dài.
Ví dụ:
1. Nhận định: Chủ nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã bị ra quyết định mở thủ tục phá sản không có quyền xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh đối với doanh nghiệp, hợp tác xã đó.
Nhận định đúng. Khoản 1 Điều 87 LPS 2014 có quy định:
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Hội nghị chủ nợ thông qua nghị quyết có nội dung áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh thì doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán phải xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh (…)
Như vậy, chủ thể có quyền xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh là doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán. Hội đồng chủ nợ chỉ có quyền đưa ra nghị quyết đề nghị áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh chứ không trực tiếp xây dựng phương án phục hồi.
2. Bài tập: Anh chị hãy cho biết ý kiến của mình về những tình huống sau đây:
– Ông Trung đang là thành viên của HTX thương mại dịch vụ Vĩnh Tiến có trụ sở tại huyện Nhà Bè, TP.HCM. Tháng 3/2014, trên địa bàn huyện Nhà Bè có thêm 1 HTX mới được thành lập. Ông Trung làm đơn gia nhập vào HTX mới này nhưng không được Đại hội thành viên của HTX này chấp nhận với lý do ông Trung chỉ có thể lựa chọn để làm thành viên của một HTX mà thôi.
Trả lời: Đại hội thành viên của HTX mới không chấp nhận cho ông Trung gia nhập vào HTX với lý do ông Trung chỉ có thể lựa chọn để làm thành viên của một HTX là không đúng với quy định của pháp luật. Khoản 3 Điều 13 LHTX 2012 có quy định: “Cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân có thể là thành viên của nhiều hợp tác xã”. Như vậy, luật không giới hạn số lượng hợp tác xã mà một người có thể tham gia. Do đó, ông Trung có thể vừa là thành viên của HTX Vĩnh Tiến, vừa có thể trở thành thành viên của HTX mới.
Nguồn: Đề thi Luật
Hi vọng có những kiến thức bổ ích và thi đạt kết quả cao!
P/S: Ngoài ra, có thắc mắc về bài tập môn phá sản, các bạn có thể đặt câu hỏi tại đây để được hỗ trợ. Tuy nhiên, trước tiên, bạn cần nêu quan điểm của mình về bài tập đó nhé!
Trịnh Văn Thương- 097.395.0810
Tvthuong96@gmail.com
Khoa Hành chính- Tư pháp- Đại học Luật TPHCM