Người phải thi hành án được hiểu là người thua kiện theo quyết định của tòa án, người thắng kiện được hưởng những quyền lợi theo quyết định của tòa án gọi là người được thi hành án. Xác minh điều kiện thi hành án là một thủ tục rất quan trọng, không thể thiếu trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự, là cơ sở pháp lý để chấp hành viên đề ra biện pháp thi hành phù hợp đối với từng vụ việc. Song, khi áp dụng quy định về xác minh điều kiện thi hành án vào thực tiễn đã phát sinh rất nhiều những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng ít nhiều đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án.
Khoản 1 Điều 44 luật Thi hành án dân sự hiện hành có quy định: “...Trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu, nếu người được thi hành án đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì có thể yêu cầu Chấp hành viên tiến hành xác minh. Việc yêu cầu này phải được lập thành văn bản và phải ghi rõ các biện pháp đã được áp dụng nhưng không có kết quả, kèm theo tài liệu chứng minh”. Như vậy việc xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì trước hết là nghĩa vụ của người được thi hành án (trừ một số trường hợp đặc biệt người được thi hành án không thể nào xác minh được hoặc cơ quan thi hành án chủ động ra quyết định thi hành. Kết quả xác minh của người được thi hành đóng vai trò để bảo vệ chính họ, bởi lẽ dựa vào kết quả đó, thì cơ quan thi hành án mới có thể tổ chức thi hành bản án hoặc thi hành quyết định của tòa án. Nhưng trên phương diện thực tiễn, thì việc xác minh điều kiện thi hành án còn gặp rất nhiều trở ngại cho người được thi hành và chấp hành viên mà nguyên nhân chính là do sự mập mờ còn tồn tại trong những quy định của pháp luật.
Các đối tượng cần xác minh như: tài sản, thu nhập của người phải thi hành án… chính là điều kiện để thi hành bản án. Trước đó các bên trong quan hệ dân sự phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp đến mức không thể tự giải quyết được với nhau, mới đưa nhau ra Tòa. Tòa án ra phán quyết, tất nhiên sẽ có bên thắng, bên thua, tức có người được thi hành án, có người phải thi hành án. Theo lẽ thường tình, những chủ thể đã phát sinh tranh chấp, mâu thuẫn về lợi ích – rất ít khi tự nguyện tạo điều kiện cho bên thắng đạt được mục đích của mình khi mà chính họ là người thua cuộc. Theo như quy định tại khoản 1, điều 6 nghị định 58 của Chính phủ hướng dẫn về thủ tục thi hành án dân sự “Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án có trách nhiệm cung cấp thông tin khi người được thi hành án hoặc người đại diện theo ủy quyền của người được thi hành án ủy quyền có yêu cầu. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân đó từ chối cung cấp thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.” Điều đó được hiểu rằng các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin về tài sản hoặc quản lý tài sản của người phải thi hành án hoàn toàn có quyền từ chối cung cấp thông tin với bất kỳ lý do nào theo chủ quan của họ. Và pháp luật cũng chưa có quy định nào để bắt buộc họ sẽ cung cấp thông tin cho người được thi hành án nếu lý do đưa ra là không chính đáng. Đặc biệt là khi cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản đó là người thân, chỗ quen biết của người phải thi hành án thì càng khó xảy ra.
Luật pháp cũng có quy định “Người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế thi hành án theo quy định của Luật này”. Nhưng việc xác định tài sản và nguồn thu nhập của người phải thi hành là điều hoàn toàn không dễ dàng. Người phải thi hành có thể ở cùng hoặc khác nơi cư trú với người được thi hành; họ có thể làm việc và có thu nhập ở một nơi khác; tài sản của họ có thể nằm ở một địa phương hoặc nằm ở nhiều địa phương và cũng như không thể loại trừ tài sản của họ nằm ở nước ngoài… Vậy liệu người được thi hành án có khả năng đi xa để xác minh được hay không? So với lợi ích được thi hành án có thể được nhận thì có đáng bỏ công sức, tiêu tốn chi phí đi xác minh, chưa tính đến liệu cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi đó có tạo điều kiện giúp đỡ trong quá trình xác minh? Hơn nữa, thực tế thi hành án cho thấy đa số người phải thi hành án họ thường có hành vi tẩu tán tài sản, che dấu nguồn thu nhập, thay đổi chổ ở và tìm mọi cách trốn tránh nghĩa vụ phải thi hành án.
Do đó, người được thi hành án muốn nhận lại lợi ích hợp pháp của mình thì thông thường chỉ có thể yêu cầu Cơ quan thi hành án xác minh hộ. Sau khi quá thời hạn 01 tháng, kể từ ngày người được thi hành án yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản đó nhưng không nhận được văn bản trả lời hoặc không có lý do chính đáng thì người được thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án xác minh hộ. Và để được chấp nhận xác minh hộ, người được thi hành án phải có yêu cầu bằng văn bản và ghi rõ các biện pháp đã được áp dụng nhưng không có kết quả, kèm theo tài liệu chứng minh đã tiến hành xác minh tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ các thông tin về tài sản, đang quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án. Nếu thiếu những giấy tờ đó, cơ quan thi hành án sẽ không có căn cứ để đáp ứng yêu cầu xác minh hộ. Khi được cơ quan thi hành án chấp nhận yêu cầu xác minh hộ, người được thi hành án phải thanh toán các chi phí hợp lý thực tế cho việc xác minh, chi phí này theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, người được thi hành án và người phải thi hành án có thể thỏa thuận việc thi hành án mà không thông qua cơ quan thi hành án. Trường hợp buộc phải thông qua cơ quan thi hành án có thẩm quyền, thì người được thi hành nhận phải chịu một khoản phí tương đương 3% (ba phần trăm) trên tổng số tiền hoặc giá trị tài sản nhận được từ người phải thi hành án, nhưng tối đa không vượt quá 200 triệu đồng/01 đơn yêu cầu thi hành án.
Luật Thi hành án dân sự quy định nghĩa vụ xác minh điều kiện thi hành án như trên với ý mong muốn người dân chia sẻ một phần khó khăn với cơ quan nhà nước trong việc xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Tuy nhiên người được thi hành án cần phải nắm rõ quy định của pháp luật về điểm này để không phải lâm vào tình trạng chỉ được tuyên thi hành trong bản án mà không thực hiện được trên thực tế.
PLF.vn