Nhập gia tùy tục là thành ngữ đã có từ lâu được áp dụng trong nhiều mặt của cuộc sống và đương nhiên trong kinh doanh cũng thế. Anh là khách đến chơi nhà, anh muốn giữ được sự khác biệt của mình nhưng đồng thời anh cũng cần phải tuân thủ luật chơi mà chủ nhà đặt ra. Chủ nhà mà – họ không thích họ có thể mời anh về chỉ đơn giản bởi họ có quyền.
Vấn đề Uber gia nhập thị trường Việt Nam và động thái mới đây của Bộ GTVT về việc yêu cầu Uber Việt Nam không được cung cấp, phối hợp với các chủ phương tiện và đơn vị vận tải để kinh doanh vận tải trái với quy định hiện hành là minh chứng rõ nhất cho vấn đề trên.
Ở đây chúng ta không bàn tác động đối với người dân mà ở phía ngược lại – đối với Uber. Còn nhớ thời gian trước, khi thực hiện chiến dịch “I choose”, Uber đã đưa ta một phát biểu rằng “Chúng tôi không sở hữu, vận hành xe hoặc thuê tài xế. Nền tảng của chúng tôi chỉ đơn giản là kết nối yêu cầu của hành khách với những công ty vận tải dịch vụ đã được cấp phép. Điều này là hoàn toàn phù hợp với luật giao thông vận tải được công nhận và áp dụng bởi chính quyền địa phương” nhằm kêu gọi sự ủng hộ của người dùng.
Tuy nhiên đến hiện tại, Uber VN trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chỉ bao gồm “hoạt động tư vấn quản lý” và “nghiên cứu thị trường, thăm dò dư luận”, không liên quan tới hoạt động xin được thí điểm là “triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” – chứng tỏ nó vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu về quản lý kinh tế của Nhà nước Việt Nam dẫn đến động thái trên của Bộ GTVT.
Như vậy, “cuộc tình dù đúng dù sai” thì trước mắt chúng ta vẫn thấy con đường gia nhập thị trường Việt của Uber ngày càng gian nan bởi với chúng ta có thể hiểu là trong thời gian tới Uber sẽ bị cấm hoạt động nếu như không tuân thủ luật chơi do Việt Nam đặt ra.
P/s: Bản thân mình đã từng sử dụng dịch vụ của Uber nhưng chắc phải nói rằng “Anh rất tốt nhưng em rất tiếc” - đúng dịp Valentine nữa chứ