1. Trình bày lời khai:
Căn cứ Điều 63 Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) thì khi điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh: có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội; ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội; những tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo và những đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo; tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Và theo Điều 10 BLTTHS thì trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng; bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 48 quy định người bị tạm giữ có quyền: được biết lý do mình bị tạm giữ; được giải thích về quyền và nghĩa vụ; trình bày lời khai; tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa; đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu; khiếu nại về việc tạm giữ, quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Như vậy, việc trình bày lời khai là quyền chứ không phải là nghĩa vụ của người bị tạm giữ.
2. Tạm giữ người:
“Tạm giữ hành chính” như bạn nêu được hiểu là tạm giữ người theo thủ tục hành chính. Đó là một trong các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính, để bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính. Và thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính được quy định tại Điều 45 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính như sau:
- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn, Trưởng Công an phường;
- Trưởng Công an cấp huyện;
- Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm ma tuý, Trưởng phòng Quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của Công an cấp tỉnh;
- Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát cơ động từ cấp đại đội trở lên hoạt động có tính chất độc lập, Trạm trưởng Trạm Công an cửa khẩu;
- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động;
- Chi cục trưởng Hải quan, Đội trưởng Đội kiểm soát thuộc Cục Hải quan, Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu và Hải đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển thuộc Cục điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan;
- Đội trưởng Đội Quản lý thị trường;
- Chỉ huy trưởng Tiểu khu biên phòng, Chỉ huy trưởng Hải đoàn biên phòng, Chỉ huy trưởng Hải đội biên phòng, Trưởng đồn biên phòng và Thủ trưởng đơn vị bộ đội biên phòng đóng ở biên giới, hải đảo;
- Hải đội trưởng, Hải đoàn trưởng Cảnh sát biển;
- Người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời sân bay, bến cảng.
Trong trường hợp những người trên vắng mặt thì cấp phó được uỷ quyền có quyền quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính.
Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 44 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính quy định về việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính thì: “Mọi trường hợp tạm giữ người đều phải có quyết định bằng văn bản và phải giao cho người bị tạm giữ một bản”
Như vậy, căn cứ các quy định trên thì Cơ quan Công an có quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính, nhưng phải có Quyết định tạm giữ do người có thẩm quyền nêu trên ký.