NHỮNG NGƯỜI GIÀ Ở SÀI GÒN
(dang dở từ T12/2014)
Sáng nay Chủ nhật mà phải dậy sớm vì có việc, 6:30 đã đi ra khỏi nhà. Chạy long nhong trên những con đường vắng để đến nơi cần đến. Tiết trời lành lạnh, gió lùa hơi run tay. Đang chạy chậm chậm ngang qua một căn biệt thự đối diện Tòa án Quận 3 trên đường Nguyễn Đình Chiểu thì thấy một bà cụ (không rõ bao nhiêu tuổi nhưng chắc chắn là đã già lắm rồi) đang ngồi trên xe lăn, mắt buồn nhìn xa xăm ra đường, tay cầm ly sữa đầy chưa uống. Cụ ngồi một mình lặng lẽ, ngay giữa cánh cổng ra vào, sau lưng là căn biệt thự to đùng trầm mặc. Chỉ thoáng qua chút thôi vẫn thấy chạnh lòng, nhiều suy nghĩ lại làm khổ cái sọ dừa: chắc là cụ đang nhớ về thời xưa? chắc là cụ đang buồn, chắc cụ ngồi nhìn ra đường để thấy người qua lại, thấy cuộc sống cho mình bớt quạnh hiu… Khuôn mặt người già, ánh mắt người già lúc suy tư luôn hằn lên những nét khắc khổ của thời gian và những đau thương đã trải… chỉ có người già mới hiểu được điều đó hoặc chỉ có mấy thằng ở không, tuổi chưa già nhưng đầu óc đã già như Kiều tâu mới lờ mờ đoán được điều đó.
Ghé vào quán café Chiêu trên đường Cao Thắng gần chỗ sắp làm việc. Ăn vội ổ bánh mì và làm ly café nóng + trà nóng trong tiết trời se lạnh thật là tuyệt. Bật laptop gõ lạch cạch vội vàng với những con chữ theo dòng cảm xúc xẹt qua xẹt lại trong đầu. Quán cũng chỉ mới vừa mở cửa, mỗi 1 mình mình. Hồi xưa thời còn làm ACB và ở trọ ngay Cao Thắng - Nguyễn Đình Chiểu ngày nào cũng ghé đây, ghé riết nhưng chỉ ngồi 1 mỗi bàn gần cửa sổ trông ra cái hồ cá xinh xinh với 1 ốc đảo. Trên ốc đảo là 1 con rùa. Thấy con rùa giống đời mình nên khoái (gặp khó khăn, nguy hiểm là rút đầu vào trong cho chắc). Quán Chiêu đã có tuổi đời trên 40 năm (còn lớn hơn cả tuổi mình). Lâu lắm rồi mình không ghé lại kể từ khi nghỉ làm ở ACB và chuyển chỗ trọ. Hỏi chị quản lý: năm nay có làm sinh nhật cho quán không vậy chị? Chị bảo không, từ khi cô Dung (chủ quán) đi Mỹ rồi thì quán không làm sinh nhật nữa. Quán café mà cũng có sinh nhật của riêng mình, hix hix. Nhớ buổi mừng sinh nhật quán 40 tuổi cách đây đã lâu, mỗi bàn đều có 1 cây nến, 1 bánh kem nhỏ, khách gọi nước uống được giảm giá. Mặc dù tiệc sinh nhật không phải là của người nào cả nhưng khách đến ai cũng đều vui. Giờ không còn nữa thấy thiếu thiếu và buồn buồn. Cô Dung cũng gần 70 tuổi rồi, sang Mỹ để làm gì nhỉ? Chắc sang Mỹ để đoàn tụ với chồng và các con. Người già sang Mỹ chắc buồn lắm, cô đơn lắm vì đời sống Mỹ sôi động không hợp với tuổi già và vì nhớ Việt Nam… (lại đoán lung tung). Nhớ hình ảnh bà chủ quán chầm chậm đi cầm từng tờ báo khách bỏ lại xếp vào cho gọn, lau từng cái bàn một cách chậm rãi, mồm quát bọn nhân viên trẻ ngồi lướt điện thoại trong khi bọn chúng cứ cười hì hì… Những hình ảnh đó đã ăn sâu vào trong bộ nhớ vốn thừa rất nhiều chỗ trống chưa dùng của Kiều tâu.
Ngồi chép miệng với chị quản lý: thời gian qua nhanh thật chị nhỉ? 2006 - 2014, mới đó mà đã 8 năm rồi. Khiếp thiệt. Chị chỉ cười hiền như mọi khi, vui lòng khách đến vừa lòng khách đi. 8 năm rồi 14 năm (2000 sống ở Sài Gòn đến giờ), những con số cứ ngày một nhiều thêm. Chẳng biết nó có ý nghĩa gì không. Chắc là có. Nhiều đến 1 lúc nào đó nó không nhiều thêm được nữa, nghĩa là “ngỏm” rồi.
Mới một buổi sáng mà đã có hình ảnh của 2 người già “ám” lên Kiều tâu làm cho xụi lơ nhiệt huyết của một “tâm hồn già nhưng tuổi đời còn tươi trẻ”. Mà công nhận mình có duyên nói chuyện với người già, qua người già mình thấy được 1 bộ phim tài liệu về 1 cuộc đời: những trải nghiệm, những bài học, những buồn đau… và giờ là những khoảng lặng của sự chờ đợi. Đợi 1 điều gì phải đến, sẽ đến… Người già thì thích mình ở chỗ biết lắng nghe, chịu khó ngồi lâu, truyện trò với các cụ mặc dù nhiều khi những câu chuyện không đầu không đuôi và mất dữ liệu do trí nhớ của các cụ. Quan trọng là có người quan tâm, hỏi han làm cho các cụ cảm thấy mình được an ủi và chưa bị lãng quên trong cuộc đời này. Người già sợ nhất khi cảm thấy mình là đồ vô dụng, bỏ đi và hạnh phúc nhất khi thấy mình còn hữu ích, đóng góp cho con cháu, cho cuộc đời này.
Sẵn chuyện về 2 người già nên Kiều tâu nhớ đến 1 người già nữa cho đủ bộ “tam đa” 3 cụ già. Bà già người Hoa quê ở miền Tây bán hủ tíu, hoành thánh trong hẻm trên đường Nguyễn Thiện Thuật, Quận 3. Bà bán ở đây đã mấy chục năm. Mưa, nắng, ốmm đau bệnh tật quản lý thị trường dẹp loạn, xì ke xin đểu, giang hồ quậy phá, rồi giải phóng Miền Nam… bà kinh qua đủ cả. Kiều tâu hồi xưa ở trọ gần nên cũng hay ra ăn, mỗi lần ra ăn cũng chỉ kêu 1 món nên riết rồi quen. Mỗi lần ra nhìn mặt là làm đồ ăn không cần phải kêu. Bẵng đi thời gian 5 năm do chuyển chỗ trọ nên không còn ghé lại bà nữa. Rồi bỗng một hôm vợ con về quê nên “như chó xổng chuồng” í lộn như “chim sổ lồng”, tối thứ 7 thức khuya viết vớ vẩn rồi ngủ nguyên ngày Chủ nhật. Đến 4 giờ chiều thức dậy, xách xe chạy lông nhông ngắm phố phường yên tĩnh, thưa người dưới cái nắng nhạt nhè nhẹ cho tỉnh táo đầu óc. Ngang qua Nguyễn Đình Chiểu - Nguyễn Thiện Thuật đang đói bụng bỗng chợt nhớ đến “cố nhân” xưa. Ghé lại quán thấy vừa dọn ra nên tấp xe vào. Nói là quán cho sang chứ thực ra chỉ là cái xe đẩy và vài bàn ghế kê ngay đầu con hẻm. 5 năm (2008 - 2013) không dài lắm nhưng cũng không phải là ngắn: vừa đủ quên một người giữa Sài Gòn xô bồ, thay đổi chóng mặt này. Kiều tâu lúc đó lại chơi cái đầu trọc lóc như mới ở tù ra nên bà già không nhận ra là phải. Ngồi vào bàn, đợi lâu lâu không thấy bưng đồ ăn ra như mọi khi nên thấy tủi thân. Bà già lại đang lui cui dọn hàng nên có lẽ cũng chưa thấy mình. Đói quá mới phải mở miệng: “Cô ơi, lấy cho con…”. Vừa hả họng ra cái là bà già reo lên:”Ủa con đó hả, đi đâu mất biệt bấy lâu mà không thấy?”. Khuôn mặt bà sáng lên như trẻ nít, rồi bà lui cui làm cho tui món “mì hoành thánh xí quách tóp mỡ” như mọi lần. 5 năm không gặp, cả tôi và bà “hai đứa” đều già đi nhiều. Bà bưng đồ ăn đưa cho tôi và vì quán cũng mới dọn ra còn đang vắng khách nên bà ngồi cạnh trò chuyện cùng. Bà nói nhìn tôi giờ lạ quá không nhận ra nhưng nghe giọng là biết ngay (hồi xưa chơi game ốm như ma đói, hai mắt sâu hoắm, tóc dài thòng giờ có da có thịt, đầu lại cạo trọc lóc nữa). Công nhận hay thiệt, bà còn chưa biết cả tên tôi còn thằng tôi thì quen gọi bà là bà Tư như mọi người vẫn gọi. Bà kể bà bán ở con hẻm này mấy chục năm rồi, từ trước giải phóng, quê bà ở Sóc Trăng nhưng vì cái nghèo nên trôi dạt lên đất Sài Gòn này để mưu sinh, không chồng con, chỉ mỗi hai chị em và đứa cháu gắn bó với nhau đến giờ. Hẻm là hẻm chung nhưng cái xe đẩy và bàn ghế của bà kê gần 1 cái nhà, nhà này mới bán lại cho người khác họ không muốn cho bà bán ở đây nữa. Họ gây áp lực với bà, họ báo chính quyền bà bán hàng rong lấn chiếm không gian công cộng, họ có tiền và thế lực và muốn chiếm làm của riêng cái chỗ bà đang bán đây. Vừa kể, mắt bà vừa đỏ hoe và ầng ậng nước, bà khóc với tôi như một đứa con nít, những giọt nước mắt của người già lăn một cách khó nhọc. Rồi bà nói giờ bà cũng đã già rồi, lại bệnh tật hành hạ chẳng biết còn sống được bao lâu, tình hình khó khăn thế này chắc bà sẽ về quê thôi. Dù nghèo, dù đói nhưng bà cũng muốn chết và được chôn nơi quê hương mình. Tôi đang ăn mà nghe đắng lòng.
Hôm nay, tôi ghé nhà sách Minh Khai mua quyển sách nhân tiện đi ngang qua chốn cũ. Chiếc xe đẩy phủ bạt nằm chỏng chơ, bụi bặm thời gian đã phủ lâu lắm rồi. Hỏi mấy bác xe ôm thì được biết bà đã nghỉ bán lâu rồi, không biết là bao lâu. Nghe lòng hơi bâng khuâng và trống rỗng, thấy như mình vừa mất đi một điều gì thân thuộc.
Về nhà nhớ đến bài viết này còn nằm trong laptop, lục lọi tìm... viết tiếp.
Sài Gòn với tôi không phải là quê nhà, không phải là nơi tôi lớn lên nhưng là nơi tôi học và làm việc đã mười mấy năm. Sài Gòn, với tôi luôn xa hoa và cả xa lạ. Phải bon chen, dẫm đạp, phải có tiền, phải vươn lên mưu sinh giữa môi trường đầy khói bụi và ngột ngạt. Sài Gòn không thích hợp với người hay mơ mộng và kiếm tìm sự yên tĩnh, bình an như tôi. Sài Gòn trong tôi đơn giản là nơi tôi làm việc kiếm tiền và có những người bạn lúc bù khú vui vẻ. Khi buồn, tôi về quê, nơi có ông, bà, cha, mẹ… có những kỷ niệm thưở ấu thơ, có những nỗi buồn không tên và sự bình yên mà Sài Gòn không bao giờ mang đến cho tôi được.
Bỗng nhiên, hôm nay tôi cảm thấy Sài Gòn như là quê hương của tôi. Nơi tôi có được tình cảm trìu mến từ những người không phải là thân thương: bà bán hủ tíu, bà chủ nhà trọ, cô chủ quán cà phê… Mới hay quê hương không hẳn chỉ là nơi mình sinh ra, quê hương trong mỗi con người có thể là một nơi quen thuộc nào đó mà dù đi đến cùng trời cuối đất vẫn nhớ về, vẫn biết rằng ở đó có những con người biết mình, nhớ mình và chào đón sự xuất hiện của mình như người thân trong gia đình. Lần đầu tiên tôi cảm giác được Sài Gòn cho tôi một sự thân thuộc như trở về nhà.
Những người già của Sài Gòn cũ rồi cũng sẽ ra đi theo quy luật của thời gian, những người trẻ như chúng tôi đây rồi cũng sẽ trở thành người già của Sài Gòn mới. “Cái cũ” dần mất đi nhưng không được bảo tồn và giữ gìn mà lại được thay thế hoàn toàn bởi cái mới khiến Sài Gòn có gì đó phát triển một cách “không bình thường”. So sánh giữa cũ và mới, trong lòng tôi và nhiều người không khỏi trào lên một cảm giác nuối tiếc.
05/9/2015
Có những lúc anh mơ được gặp lại em lúc ban đầu...