Quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự về việc "Tranh chấp về thừa kế tài sản" của anh Trương Quang Khải

Chủ đề   RSS   
  • #265454 30/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3536)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4353 lần


    Quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự về việc "Tranh chấp về thừa kế tài sản" của anh Trương Quang Khải

    Số hiệu

    09/2010/DS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự về việc "Tranh chấp về thừa kế tài sản" của anh Trương Quang Khải

    Ngày ban hành

    10/03/2010

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    ….

    Ngày 10 tháng 3 năm 2010, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự tranh chấp về thừa kế tài sản giữa:

    Nguyên đơn:

    Anh Trương Quang Khải, sinh năm 1978; trú tại tổ 22, phường Phan Đình Phùng, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

    Bị đơn:

    1. Bà Trương Thị Mão, sinh năm 1951; trú tại tổ 20, phường Hương Sơn, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

    2. Bà Trương Thị Hạnh, sinh năm 1960; trú tại tổ 22, phường Phan Đình Phùng, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

    3. Bà Trương Thị Hoà, sinh năm 1963; trú tại tổ 22, phường Phan Đình Phùng, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

    1. Bà Dương Thị Hoàn, sinh năm 1965; trú tại tổ 22, phường Phan Đình Phùng, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

    2. Anh Trương Quang Hoàn, sinh năm 1984; trú tại tổ 24, phường Phan Đình Phùng, thành phố Thái nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

     

    NHẬN THẤY:

    Tại đơn khơi kiện đề ngày 29-11-2004 và trong quá trình giải quyết vụ án, anh Trương Quang Khải trình bày:

    Cụ Trương Công Nghế và cụ Đỗ Thị Hiển có năm người con là ông Trương Công Chế (chết năm 1993), bà Trương Thị Mão, ông Trương Quang Tiến (chết năm 2004), bà Trương Thị Hạnh, bà Trương Thị Hoà.

    Cụ Nghế chết năm 1994, cụ Hiển chết năm 1993. Khi chết hai cụ không để lại di chúc. Di sản để lại gồm:

    - Một căn nhà cấp 3 xây năm 1988 (diện tích 69,6m2) và công trình phụ trên diện tích là 147,6m2 tại thửa 106, tờ bản đồ số 41, tổ 22, phường Phan Đình Phùng thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên hiện do bà Dương Thị Hoàn (vợ ông Trương Quang Tiến) quản lý, sử dụng.

    Một căn nhà cấp 4, xây dựng năm 1990 (diện tích xây dựng 16m2) trên diện tích 123,6m2 thửa 96, tờ bản đồ số 41, tổ 22, phường Phan Đình Phùng, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên do anh Trương Quang Khải (con ông Trương Công Chế) quản lý, sử dụng.

    Khi cụ Trương Công Nghế và cụ Đỗ Thị Hiển còn sống đã cho bố anh là ông Trương Công Chế nhà cấp 4 trên diện tích 94m2. Năm 1993 ông Chế chết, cụ Nghế, cụ Hiển nói với mọi người là cho anh nhà đất này. Sau khi cụ Nghế, cụ Hiển mất, anh chưa kịp làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất nên ngày 26- 11-2001 các thừa kế của cụ Nghế, cụ Hiển là bà Trương Thị Mão, ông Trương Quang Tiến, bà Trương Thị Hạnh, bà Trương Thị Hòa đã họp để phân chia đất thổ cư do cụ Nghế, cụ Hiển đê lại theo nguyện vọng của các cụ là nhà đất trên diện tích 94m2 thì giao cho anh Trương Quang Khải, nhà đất trên diện tích 147,6m2 thì giao cho ông Trương Quang Tiến.

    Ngày 28-7-2003 , Uỷ ban nhân dân phường Phan Đình Phùng đã ra Quyết định số15/QĐ-UB cho phép anh được quyền thừa kế quyền sử dụng 94m2 đất của ông bà. Anh đã làm đơn đăng ký quyền sử dụng đất và được ủy ban nhân dân phường Phan Đình Phùng xác nhận và đã nộp thuế trước bạ. Khi đang làm thủ tục đến cấp thành phố thì bà Trương Thị Mão, Trương Thị Hạnh, Trương Thị Hòa khiếu nại. Nay anh đề nghị Tòa án xác nhận quyền thừa kế theo di nguyện của cụ Nghế, cụ Hiển cho anh.

    Tại các đơn phản tố đề ngày 14-1-2005 và trong quá trình giải quyết vụ án bà Trương Thị Mão, bà Trương Thị Hạnh và bà Trương Thị Hoà trình bày:

    Các thừa kế của cụ Nghế, cụ Hiển không tổ chức họp vào ngày 26-11-2001 mà do ông Trương Quang Tiến tự viết biên bản họp gia đình, sau đó xin chữ ký của các bà. Vì giấy tờ gốc vẫn do bà Trương Thị Mão giữ nên các bà đồng ý ký vào biên bản này. Tại biên bản họp gia đình ngày 08-12-2003 , các bà chỉ đồng ý cho ông Trương Quang Tiến và anh Trương Quang Khải sử dụng đất không được bán. Anh Khải đã có hành vi gian dối trong việc làm hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các bà không đồng ý với yêu cầu xin chia 94m2 đất của anh Khải; các bà đề nghị Tòa án chia thừa kế tài sản của bố mẹ để lại hiện anh Trương Quang Khải và bà Dương Thị Hoàn (vợ ông Tiến) đang quản lý, sử dụng.

    Người có quyền lơi, nghĩa vụ liên quan:

    Bà Dương Thị Hoàn trình bày: căn nhà cấp 3, xây năm 1988 (diện tích 69,6m2) và công trình phụ trên diện tích 147,6m2 tại thửa 106, tờ bản đồ số 41, tổ 22, Phường Phan Đình Phùng, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên là của cụ Nghế và cụ Hiển để lại cho ông Trương Quang Tiến. Ngày 26-11-2001 trong gia đình đã tổ chức cuộc họp với đầy đủ thành phần như đã ký tại biên bản và thống nhất chia nhà đất cho ông Tiến và anh Trương Quang Khải theo di nguyện của cụ Nghế, cụ Hiển khi còn sống. Bà không đồng ý yêu cầu chia thừa kế di sản của bà Trương Thị Mão, bà Trương Thị Hạnh, bà Trương Thị Hòa.

    Anh Trương Quang Hoàn thống nhất với lời trình bày của anh Trương Quang Khải về việc cụ Trương Công Nghế và cụ Đỗ Thị Hiển đã cho ông Trương Công Chế nhà đất và tại biên bản họp gia đình đã thống nhất chia cho anh Khải được sử dụng nhà đất theo di nguyện của các cụ khi còn sống. Anh xác định không tranh chấp với anh Khải, đồng ý để anh Khải được hưởng toàn bộ di sản thừa kế của ông Chế.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 17/2005/DSST ngày 23-6-2005 của Toà án nhân dân thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên quyết định:

    1. Chấp nhận đơn yêu cầu của anh Trương Quang Khải.

    - Anh Trương Quang Khải được quyền sở hữu và sử dụng ngôi nhà cấp 4 diện tích 16m2 (xây dựng năm 1990) trên diện tích đất 94m2 tại thửa số 96 tờ bản đồ số 41.

    - Anh Trương Quang Tiến (chị Dương Thị Hoàn) được quyền sở hữu và sử dụng một nhà cấp 3 diện tích 69,6m2 (xây dựng năm 1988) trên đất 147,6m2 tại tờ bản đồ số 41, thửa 106 và 29m2 tại thửa số 96 tờ bản đồ số 41.

    Anh Khải và chị Hoàn có trách nhiệm đăng ký quyền sử dụng đất với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của luật đất đai.

    2. Bác yêu cầu chia di sản thừa kế của bà Trương Thị Mão, bà Trương Thị Hạnh, bà Trương Thị Hoàn.

    Ngoài ra Toà án cấp sơ thẩm cỏn quyết định về án phí, quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

    Ngày 04-7-2005 bà Trương Thị Mão, bà Trương Thị Hoà, bà Trương Thị Hạnh có đơn kháng cáo không đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 93/2005/DSPT ngày 23-9-2005 của Toà án nhân dân tỉnh Thái Nguyên quyết định:

    Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 17/2005/DSST ngày 23-6-2005 của Toà án nhân dân thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

    Ngoài ra Toà án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí.

    Sau khi có bản án phúc thẩm, bà Trương Thị Mão và bà Đỗ Thị Là (mẹ anh Trương Quang Tùng) có đơn khiếu nại yêu cầu xem xét lại bản án phúc thẩm theo thủ tục giám đốc thẩm.

    Tại Quyết định kháng nghị số61/QĐ-KNGĐT-V5 ngày 29-6-2006, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm số 93/2005/DSPT ngày 23-9-2005 của Toà án nhân dân tỉnh Thái Nguyên; đề nghị Toà dân sự Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ bản án phúc thẩm nêu trên và bản án dân sự sơ thẩm số 17/DSST ngày 23-6-2005 của Toà án nhân dân thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Tại Quyết định giám đốc thẩm số215/2006/DS-GĐT ngày 19-9-2006, Toà dân sự Toà án nhân dân tối cao quyết định : không chấp nhận kháng nghị số61/QĐ-KNGĐT-V5 ngày 29-6-2006 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Giữ nguyên các quyết định của Bản án dân sự phúc thẩm số 93/2005/DSPT ngày 23-9-2005 của Toà án nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã có hiệu lực pháp luật.

    Sau khi có Quyết định giám đốc thẩm, bà Trương Thị Mão, bà Trương Thị Hạnh, bà Trương Thị Hoà, ông Bùi Thi (chồng bà Mão) có đơn khiếu nại không đồng ý với Quyết định giám đốc thẩm nêu trên. Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội có công văn chuyển đơn khiếu nại của đương sự và đề nghị Tòa án nhân dân tối cao thông báo kết quả giải quyết.

    Tại Quyết định kháng nghị số 534 /2009/KN-DS ngày 18 tháng 9 năm 2009, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị Quyết định giám đốc thâm số215/2006/DS-GĐT ngày 19-9-2006của Toà dân sự Toà án nhân dân tối cao; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ quyết định giám đốc thẩm nêu trên và huỷ bản án dân sự phúc thẩm số 93/2005/DSPT ngày 23-9-2005 của Toà án nhân dân tỉnh Thái Nguyên, bản án dân sự sơ thẩm số 17/2005/DSST ngày 23-6-2005 của Toà án nhân thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên giải quyết lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

    Tại phiên tòa giám đốc thẩm, Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

     

    XÉT THẤY:

    Cụ Trương Văn Nghế chết ngày 29-6-1994 và cụ Đỗ Thị Hiển chết ngày 01-11-1993. Khi chết hai cụ không để lại di chúc. Di sản của hai cụ để lại gồm: Một căn nhà cấp 3 , xây năm 1988 (diện tích 69,6m2) và Công trình phụ trên diện tích 147,6m2 tại thửa 106, tờ bản đồ số 41, tổ 22, phường Phan Đình Phùng, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên hiện do bà Dương Thị Hoàn (vợ ông Trương Quang Tiến) quản lý, sử dụng; một căn nhà cấp 4, xây dựng năm 1990 (diện tích xây dựng 16m2) trên diện tích 123,6m2 thửa 96, tờ bản đồ số 41, tổ 22, phường Phan Đình Phùng, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên do anh Trương Quang Khải (con ông Trương Công Chế) quản lý, sử dụng.

    Ngày 14-01-2005 bà Trương Thị Mão, bà Trương Thị Hạnh, bà Trương Thị Hòa có đơn phản tố yêu cầu chia di sản của cụ Nghế, cụ Hiển. Thời điểm bà Mão, bà Hạnh và bà Hòa yêu cầu chia thừa kế di sản của cụ Nghệ và cụ Hiển là đã quá thời hạn 10 năm theo quy định của Pháp lệnh thừa kế nhưng lại không chứng minh được là do có trở ngại khách quan; mặt khác trong vụ án này cũng không có yếu tố nước ngoài. Do đó, căn cứ Điều 36 Pháp lệnh thừa kế năm 1990 , Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19- 10- 1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và điểm a tiểu mục 2.2 mục 2 phần I Nghị quyết số02/2004/NQ-HĐTP ngày 10-8-2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế của cụ Nghế và cụ Hiển đã hết. Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm và Hội đồng giám đốc thẩm của Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao đã xác định thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế của cụ Nghế và cụ Hiển đã hết là đúng.

    Tại “Biên bản họp gia đình" về việc phân chia đất thổ cư do ông bà để lại đề ngày 26-11-2001 có nội dung “Theo nguyện vọng của ông, bà tôi khi còn sống mảnh đất còn lại khoảng 200m2, trên mảnh đất đó có một căn nhà cấp 4, diện tích 94m2. Một nhà cấp 3 có diện tích 42m2. Trong cả gia đình còn một con trai là Trương Quang Tiến, ông bà cho sử dụng căn nhà cấp 3 , cho cháu Trương Quang Khải căn nhà cấp 4 (94m2 ) . . . Đề nghị chính quyền địa phương xét, cấp bìa quyền sử dụng đất. . .". Trong Biên bản này bà Trương Thị Mão, ông Trương Quang Tiến, bà Trương Thị Hạnh, bà Trương Thị Hoà cùng ký tên vào biên bản, tuy nhiên lại không có sự tham gia, thỏa thuận của anh Trương Quang Khai, chị Trương Thị Thu Dung, anh Trương Quang Hoàn là các thừa kế thế vị của ông Trương Công Chế là con của cụ Trương Công Nghế và cụ Hiển (ông Chế chết năm 1993), do đó không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các thừa kế. Mặt khác, trong quá trình giải quyết vụ án, bà Trương Thị Hoà, bà Trương Thị Mão, bà Trương Thị Hạnh cho rằng Biên bản họp gia đình ngày 26-11- 2001 đã có sửa chữa, tẩy xoá, viết thêm nội dung chủ yếu, căn nhà cấp 4 chỉ có 24m2 đã bị chữa thành 94m2, nhưng Toà án các cấp lại không tiến hành giám định về vấn đề này là vi phạm thủ tục tố tụng. Mặt khác, biên bản họp gia đình đề ngày 26-11-2001 thể hiện có hai người làm chứng là ông Trần Đình Doãn - Tổ trưởng tổ dân phố và ông Nguyễn Duy Lâm và lời khai của ông Doãn, ông Lâm tại Tòa án cũng khẳng định là được ông Tiến mời chứng kiến cuộc họp gia đình nhưng ông Doãn lại ký xác nhận sau cuộc họp 01 ngày là ngày 27-11- 2001. Biên bản nêu trên cũng được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường Phan Đình Phùng ký tên, đóng dấu nhưng đề ngày 27-7-2003 là thời điểm sau khi có cuộc họp hơn 01 năm. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm công nhận biên bản này để cho rằng trong gia đình đã lập giấy phân chia đất của ông bà để lại cho anh Khải, ông Tiến sử dụng theo nguyện vọng của ông bà khi còn sống và Hội đồng giám đốc thẩm lại căn cứ vào biên bản này để cho rằng di chúc miệng của cụ Trương Công Nghế và cụ Đỗ Thị Hiển được tất cả các thừa kế xác nhận nên đã được xác lập và có hiệu lực từ ngày 26-1 1-2001 là đều chưa đủ căn cứ vững chắc.

    Tại các “Biên bản họp gia đình" ngày 05-10-2003 và ngày 08-12-2003, ông Trương Quang Tiến, bà Trương Thị Mão, bà Trương Thị Hạnh, bà Trương Thị Hoà thoả thuận thống nhất cho anh Khải được quyền sử dụng nhà đất là hương hoả của cha ông để lại nhưng với điều kiện là anh Khải không được bán và phần đất của ông Tiến phải có phần cho con là Trương Quang Tùng và Trương Thị Mỹ Linh. Như vậy, thỏa thuận trên của các đương sự tại biên bản nêu trên là thỏa thuận có điều kiện nhung Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm lại không xem xét đến các điều kiện này là chưa đánh giá hết các tình tiết khách quan của vụ án. Hơn nữa, các biên bản này cũng không có ý kiến của chị Trương Thị Thu Dung, anh Trương Quang Hoàn là những người thừa kế thế vị của ông Trương Công Chế.

    Ngoài ra, Toà án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm không đưa cháu Trương Quang Tùng, cháu Trương Thị Mỹ Linh là các thừa kế thế vị của ông Trương QuangTiến và người đại diện hợp pháp cho cháu Tùng và chau Linh vào tham gia tố tụng trong vụ án là không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các thừa kế của ông Tiến.

    Bởi các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 291 , khoản 3 Điều 297, Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự;

     

    QUYẾT ĐỊNH:

    Huỷ Quyết định giám đốc thẩm số215/2006/DS-GĐT ngày 19-9-2006 của Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao và huỷ bản án dân sự phúc thẩm số 93/2005/DSPT ngày 23-9-2005 của Toà án nhân dân tỉnh Thái Nguyên, bản án dân sự sơ thẩm số 17/2005/DSST ngày 23-6-2005 của Toà án nhân dân thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

     

     
    5120 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận