Mình chưa nhận xét gì về vụ việc này vì chưa đủ dữ kiện để xem xét xem phán quyết của tòa án có đúng hay không. Nếu có thể thì chủ topic hãy post toàn bộ hồ sơ, giấy tờ của vụ việc này lên, đồng thời có thể đưa nội dung của bản án đó lên để mọi người nghiên cứu. Trên cơ sở đó mọi người đưa ra lời tư vấn.
Còn về vấn đề các bạn khẳng định hợp đồng bảo lãnh vô hiệu. Mình có một số ý kiến phản bác như sau:
Ðiều 362. Hình thức bảo lãnh
Việc bảo lãnh phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính. Trong trường hợp pháp luật có quy định thì văn bản bảo lãnh phải được công chứng hoặc chứng thực.
Phần tôi gạch chân, các bạn chú ý nhé. "trong trường hợp pháp luật có quy định" thì văn bản bảo lãnh mới phải bắt buộc công chứng hoặc chứng thực" chứ không phải trong "mọi trường hợp".
Đối với trường hợp này, đây là bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất. Theo quy định tại Điều 130 luật đất đai thì:
"Điều 130. Trình tự, thủ tục đăng ký, xóa đăng ký thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất và xử lý quyền sử dụng đất đã thế chấp, đã bảo lãnh để thu hồi nợ
1. Việc đăng ký thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất được quy định như sau:
...........Hợp đồng thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất phải có chứng nhận của công chứng nhà nước; trường hợp hợp đồng thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân thì được lựa chọn hình thức chứng nhận của công chứng nhà nước hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất.
Vì đây là giao dịch bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất theo quy định của luật đất đai nên bắt buộc phải công chứng, chứng thực (nếu chỉ ghi bảo lãnh, không chỉ rõ đối tượng được dùng để bảo lãnh là quyền sử dụng đất thì trường hợp này không bắt buộc phải công chứng, chứng thực). Do vậy, việc tòa án xác định đây là giao dịch vi phạm về hình thức hợp đồng là chính xác. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 401 BLDS thì
"Ðiều 401. Hình thức hợp đồng dân sự
...... Hợp đồng không bị vô hiệu trong trường hợp có vi phạm về hình thức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác"
Với quy định này, thì hợp đồng vi phạm về hình thức không đương nhiên vô hiệu mà chỉ vô hiệu khi pháp luật có quy định khác.
"Điều 134. Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức
Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu."
Theo quy định tại Điều 134 BLDS thì phải có yêu cầu của 1 bên thì TA mới có thẩm quyền quyết định buộc các bên thực hiện theo quy định về hình thức. Nếu không thực hiện thì nó mới vô hiệu.
Theo quy định tại Điều 136 BLDS thì thời hiệu để yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm về hình thức là 02 năm kề từ ngày giao dịch được xác lập.
"Điều 136. Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu
1. Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu được quy định tại các điều từ Điều 130 đến Điều 134 của Bộ luật này là hai năm, kể từ ngày giao dịch dân sự được xác lập.
2. Đối với các giao dịch dân sự được quy định tại Điều 128 và Điều 129 của Bộ luật này thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không bị hạn chế."
Trong trường hợp này, chủ topic không hề nói tới thời điểm giao dịch dân sự này được thiết lập. Do vậy, làm sao có cơ sở để khẳng định rằng hợp đồng bảo lãnh này vô hiệu về hình thức.
Đó là những phân tích của tôi, ông có thể tham khảo để xử lý trường hợp của mình.
Tôi cũng xin đưa ra ý kiến chủ quan phân tích thêm bên lề một chút về việc có lỗi hay không trong giao kết hợp đồng này.
Ông C, con của ông bà A, B là người học luật, hiểu luật, nên chắc chắn phải biết rằng hợp đồng giao kết này bắt buộc phải được công chứng, chứng thực. Vậy tại sao ông ta lại không thông báo để ông biết và yêu cầu ông đi công chứng, chứng thực hợp đồng? Trong khi phần lớn người dân việt nam hiện nay là không hiểu biết pháp luật. Ông A, bà B có thể không hiểu và không biết được điều kiện này, nhưng ông C chắc chắn phải biết. Ông ta không nói, thì có thể suy ra được một số lý do, mà lý do có thể thấy rõ nhất rằng là ông ta muốn tránh trường hợp xấu nhất xảy ra. Liệu ông ta có dấu hiệu của lạm dụng tín nhiệm hay không? hay là lừa đảo? Nay ông ta không có tài sản trả, bố mẹ ông ta cũng ko thực hiện cam kết bảo lãnh.
Vì có sự bảo lãnh của ông A bà B thì ông Sĩ mới cho C vay tiền, chứ không phải không có lý do. Mặc dù hình thức về giao dịch có vi phạm, nhưng xét về thực tế, về ý chí chủ quan của mình thì ông A, bà B đã giao kết giao dịch bảo lãnh với ông Sĩ rồi. Hơn nữa, họ cũng không hề chối bỏ việc giao dịch trên. Việc giao dịch trên không trái đạo đức xã hội, mặc dù có vi phạm pháp luật về hình thức hợp đồng nhưng không trái pháp luật. Chỉ có khác là họ dùng tài sản để bảo đảm giao dịch về bảo lãnh. Nếu phân tích theo quy định của BLDS thì rõ ràng có thể nói đây là hai giao dịch bảo đảm: bảo lãnh và thế chấp (theo như BLDS thì bảo lãnh không dùng tài sản, việc dùng tài sản để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trong giao dịch chỉ có thế chấp, đặt cọc, ký quỹ...)
Từ những lý do trên, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của ông Sĩ, tôi đồng tình với phân tích vụ việc như phapluat247 đã phân tích. Ông Sĩ có thể lập luận rằng đây là nhiều giao dịch bảo đảm được sử dụng trong trường hợp của ông. (theo như Điều 7 Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm thì để đảm bảo nghĩa vụ dân sự, các bên có thể giao kết nhiều giao dịch bảo đảm khác nhau).
Đường chông gai chờ ngày mai ta bước tiếp!