Chào bạn!
Quy định đó có nghĩa là, đối với quyết định GĐT của HĐTP TANDTC thì Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC không có quyền kháng nghị theo thủ tục GĐT.
Theo tôi, quy định đó xuất phát từ các quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân.
Điều 21
1. Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm và là cơ quan hướng dẫn các Toà án áp dụng thống nhất pháp luật.
2. Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao gồm có:
a) Chánh án, các Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao;
b) Một số Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.
3. Tổng số thành viên Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao không quá mười bảy người.
Điều 25
Chánh án Toà án nhân dân tối cao có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Tổ chức công tác xét xử của Toà án nhân dân tối cao;
2. Chủ tọa các phiên họp của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao;
3. Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các Toà án các cấp theo quy định của pháp luật tố tụng;
Và cả các quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân.
Điều 21
Khi kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh tế, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật, Viện kiểm sát nhân dân có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
8. Yêu cầu Toà án nhân dân cùng cấp và cấp dưới chuyển hồ sơ những vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh tế, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật để xem xét, quyết định việc kháng nghị.
Điều 22
Khi kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh tế, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật, Viện kiểm sát nhân dân có quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định của Toà án nhân dân theo quy định của pháp luật; kiến nghị với Toà án nhân dân cùng cấp và cấp dưới khắc phục những vi phạm pháp luật trong việc giải quyết các vụ án; nếu có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố về hình sự.
Theo các quy định trên thì HĐTP là cơ quan xét xử cao nhất, Chánh án TANDTC lại là thành phần của HĐTP; Chánh án chỉ có quyền kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án các cấp. Viện kiểm sát chỉ có quyền kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án cùng cấp và cấp dưới. Mà HĐTP TANDTC lại không phải là một cấp Tòa án. Vì vậy mà Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC không có quyền kháng nghị quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Mặt khác, đã là Quyết định giám đốc thẩm của HĐTP, mà lại còn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, rồi lại chính HĐTP lại giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm tiếp thì có vẻ trái khoáy quá.
Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của các bạn về vấn đề này.
Trân trọng!
Hãy làm tất cả những gì trong phạm vi cho phép và khả năng có thể!