Các loại máy, thiết bị và vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phải được đăng ký và kiểm định trước khi đưa vào sử dụng, bao gồm:
1. Nồi hơi các loại (bao gồm cả bộ quá nhiệt và bộ hâm nước) có áp suất làm việc định mức của hơi trên 0,7 bar (theo phân loại tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6004: 1995);
2. Nồi đun nước nóng có nhiệt độ môi chất trên 115oC (theo phân loại tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6004: 1995);
3. Các bình chịu áp lực có áp suất làm việc định mức cao hơn 0,7 bar (không kể áp suất thuỷ tĩnh) (theo phân loại tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6153: 1996);
4. Bể (xi téc) và thùng dùng để chứa, chuyên chở khí hoá lỏng hoặc các chất lỏng có áp suất làm việc cao hơn 0,7 bar hoặc chất lỏng hay chất rắn dạng bột không có áp suất nhưng khi tháo ra dùng khí có áp suất cao hơn 0,7 bar (theo phân loại tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6153: 1996);
5. Hệ thống lạnh các loại (theo phân loại tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6104: 1996), trừ hệ thống lạnh có môi chất làm việc bằng nước, không khí; hệ thống lạnh có lượng môi chất nạp vào nhỏ hơn 5 kg đối với môi chất làm lạnh thuộc nhóm 1, nhỏ hơn 2,5 kg đối với môi chất lạnh thuộc nhóm 2, không giới hạn lượng môi chất nạp đối với môi chất lạnh thuộc nhóm 3;
6. Đường ống dẫn hơi nước, nước nóng cấp I và II có đường kính ngoài từ 51 mm trở lên, các đường ống dẫn cấp III và cấp IV có đường kính ngoài từ 76 mm trở lên (theo phân loại tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6158 và 6159: 1996);
7. Các đường ống dẫn khí đốt cố định bằng kim loại;
8. Cần trục các loại: Cần trục ô tô, cần trục bánh lốp, cần trục bánh xích, cần trục đường sắt, cần trục tháp, cần trục chân đế, cần trục công xôn, cần trục thiếu nhi;
9. Cầu trục: Cầu trục lăn, cầu trục treo;
10. Cổng trục: Cổng trục, nửa cổng trục;
11. Trục cáp chở hàng; trục cáp chở người; trục cáp trong các máy thi công, trục tải giếng nghiêng; cáp treo vận chuyển người;
12. Pa lăng điện; Palăng kéo tay có tải trọng từ 1.000 kg trở lên;
13. Xe tời điện chạy trên ray;
14. Tời điện dùng để nâng tải, kéo tải theo phương nghiêng; bàn nâng, sàn nâng dùng để nâng người;
15. Tời thủ công có tải trọng từ 1.000 kg trở lên;
16. Máy vận thăng nâng hàng; máy vận thăng nâng hàng kèm người; máy vận thăng nâng người;
17. Chai dùng để chứa, chuyên chở khí nén, khí hoá lỏng, khí hoà tan có áp suất làm việc cao hơn 0,7 bar (theo phân loại tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6153: 1996 và Tiêu chuẩn ISO 1119-2002 chế tạo chai gas hình trụ bằng composite);
18. Hệ thống điều chế, nạp khí, khí hoá lỏng, khí hoà tan;
19. Thang máy các loại;
20. Thang cuốn; băng tải chở người;
21. Các loại thuốc nổ;
22. Phương tiện nổ (kíp, dây nổ, dây cháy chậm ...);
23. Xe nâng hàng dùng động cơ có tải trọng từ 1.000 kg trở lên, xe nâng người tự hành;
24. Công trình vui chơi công cộng: Sàn biểu diễn di động; trò chơi mang theo người lên cao từ 2 m trở lên, tốc độ di chuyển của người từ 3 m/s so với sàn cố định (tàu lượn, đu quay, máng trượt, ...) trừ các phương tiện thi đấu thể thao).
Trước hết doanh nghiệp của bạn nên liên hệ Thanh tra lao động thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội để được giới thiệu chỉ dẫn đến Đơn vị kiểm định kỹ thuật an toàn được phép. Theo đề nghị bằng văn bản của doanh nghiệp bạn, đồng thời cung cấp các tài liệu kỹ thuật liên quan đến đối tượng kiểm định cho đơn vị kiểm định, đơn vị này sẽ thống nhất với doanh nghiệp về việc tiến hành kiểm định. Trong quá trình đó, doanh nghiệp phải cử người đại diện chứng kiến quá trình kiểm định, đồng thời phải khắc phục các hiện tượng không bảo đảm an toàn, nếu có, liên quan đến công việc kiểm định và tạo điều kiện cho đơn vị kiểm định thực hiện việc kiểm định.
Khi đối tượng đủ điều kiện an toàn đưa vào sử dụng, chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày công bố biên bản kiểm định, đơn vị kiểm định sẽ cấp cho doanh nghiệp Phiếu kết quả kiểm định. Và trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Phiếu kết quả kiểm định, doanh nghiệp bạn phải làm hồ sơ đăng ký đến Thanh tra lao động thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội để đăng ký trước khi đưa đối tượng vào sử dụng. Hồ sơ này gồm: Tờ khai đăng ký (theo mẫu) và bản sao Phiếu kết quả kiểm định.
Việc đăng ký lại, nếu có, khi thuộc một trong các trường hợp máy móc, thiết bị có sự chuyển đổi sở hữu; chuyển vị trí lắp đặt; hoặc sau khi được cải tạo, sửa chữa làm thay đổi kết cấu chịu lực, thông số kỹ thuật.