Tiền bạc rất quan trọng vì đó là "điều kiện cần" để đạt đến nhiều loại thành công khác. Tuy nhiên, nếu xem nhiều tiền là "điều kiện đủ" của sự thành công thì suy nghĩ đó có thể khin cá nhân sống cả một cuộc đời sai lầm và vô nghĩa.
Những câu chuyện thực tế:
Hơn một năm trước, tại thành phố Đà Lạt, một phụ nữ khoảng 50 tuổi bị ốm và nhập viện điều trị, tuy nhiên bà không qua khỏi. Lúc khám nghiệm, người ta rất bất ngờ khi phát hiện trong tư trang bà ấy mang theo có cả trăm cây vàng, rất nhiều tiền nhưng không biết chồng con bà ấy là ai vì chẳng có người thân nào bên cạnh. Bà là một người giàu có, nhưng có lẽ đã thất bại trong hạnh phúc gia đình, nhất là thất bại trong sức khỏe. Rất nhiều người đã làm việc quần quật cả đời, bán cả sức khỏe, bỏ mặc gia đình cốt để kiếm nhiều tiền. Cuối cùng, họ chợt nhận ra rằng: tiền không mua được sự sống, tiền có thể mang đến sự thoải mái vật chất nhưng mối quan hệ mới thật sự mang lại hạnh phúc cho mình.
Tại Nhật Bản và Hàn Quốc - những đất nước giàu có, tự tử được xem như một "đại dịch" không thể kiểm soát. Hàng loạt ngôi sao nổi tiếng tự tử được truyền thông đưa tin và gần đây nhất, cựu Chủ tịch Keangnam - người có thể rất giàu có, đã treo cổ tự tử vì áp lực trong cuộc sống của ông. Đặc biệt, câu cuối cùng trong bức thư tuyệt mệnh ông để lại là: "Xin hãy chôn tôi cạnh mộ của mẹ tôi". Tiền bạc, địa vị có thể đã không mang nhiều người đến với hạnh phúc. Dường như nhiều người giàu có không được sống cuộc sống tự tại, thanh thản tinh thần.
Những câu chuyện trên chỉ là số ít trong số hàng nghìn hàng vạn câu chuyện đang xảy ra trên khắp hành tinh này để minh chứng rằng: nhiều tiền không đồng nghĩa với thành công hay hạnh phúc. Đối với những người giàu có và thật sự hạnh phúc, họ thường chia sẻ: "Người khôn ngoan xem tiền bạc như phương tiện, người không khôn ngoan xem tiền bạc như mục đích của cuộc đời".
Bản chất của thành công
Mục đích sống của tất cả mọi người trên thế gian này đều hướng đến hai từ: "Hạnh phúc". Tuy nhiên, mỗi người sẽ có một loại hạnh phúc khác nhau. Tiền bạc không phải là hạnh phúc, bản chất của tiền bạc không có thứ gì có thể tạo ra hạnh phúc, nó chỉ là một trong các phương tiện để con người đi đến hạnh phúc mà mình mong muốn. Do đó, để có được thành công đúng nghĩa, mỗi người phải tìm ra mục tiêu ẩn đằng sau mục đích kiếm tiền của mình thật sự là gì. Chẳng hạn như:
Thành công tinh thần: Mục đích của bạn là muốn sống thoải mái trong tâm trí, tinh thần nhẹ nhõm, không có bóng dáng của stress hay căng thẳng bế tắc trì trệ hằng ngày. Bạn kiếm tiền để có một cuộc đời đầy niềm vui, lạc quan, không lo nghĩ.
Thành công về gia đình: Tìm ra người bạn đời thật sự phù hợp là một loại hạnh phúc lớn lao. Sinh con và nuôi con nên người thành đạt là sự nghiệp cả đời mà bạn muốn. Bạn kiếm tiền là để lo cho gia đình, để những người thân yêu của bạn sống sung túc, để con cái bạn được giáo dục tốt, tất cả được chăm lo đầy đủ.
Thành công về đóng góp xã hội: Hạnh phúc của bạn là để lại một cái gì đó cho cuộc đời này, giúp cải thiện cuộc sống của những người khác. Ví dụ: Trước khi ra đi, một nhà khoa học đã góp phần "thắp sáng" cho cả nhân loại khi tìm ra dây tóc bóng đèn, một chính trị gia đã góp phần quan trọng đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng và bước vào ổn định, một nhạc sĩ để lại những bản nhạc bất hủ đầy cảm xúc, một kiến trúc sư giúp bà con đôi bờ đi lại bằng những cây cầu... Nhiều người trong chúng ta hạnh phúc khi chọn một lối sống giúp đỡ cho người khác, đóng góp cho xã hội, cho Tổ quốc quê hương mình.
Thành công sức khỏe: Nhà khoa học, chính trị gia giàu có Benjamin Franklin đã nói: "Chỉ khi người giàu ốm họ mới hiểu sự bất lực của giàu sang". Nhà lãnh đạo giản dị Mahatma Gandhi cũng thừa nhận: "Chính sức khỏe mới là sự giàu có thực sự, không phải vàng và bạc". Khi ai đó đau đớn và tuyệt vọng vì đau bệnh, họ thường mới thật sự cảm nhận được giá trị của loại hạnh phúc này. Bạn kiếm tiền để phòng lúc đau ốm, để chăm sóc sức khỏe lúc về già. Nhưng nếu quá sức, đôi khi chính quá trình kiếm tiền ấy lại làm phát sinh đau ốm, đẻ ra bệnh tật mà không cần đợi đến lúc về già.
Thành công về trí tuệ: Bạn hạnh phúc khi là người sống hiểu biết, kiến thức thông thái, trí tuệ sâu sắc. Bạn thích được nghiên cứu, tìm hiểu, trở thành học giả, chuyên gia, tiến sĩ, nhà hiền triết hay đơn thuần là một người có kiến thức và giúp đỡ người khác bằng kiến thức của mình.
Thành công về tình cảm: Sống trong sự yêu mến của mọi người, được hàng xóm láng giềng yêu quý, có nhiều bạn bè tốt, được xã hội dành tình cảm. Nhận được sự yêu mến từ người khác là một hạnh phúc rất lớn lao.
Thành công về nghề nghiệp: Được sống đúng với lý tưởng của mình, được sử dụng thế mạnh mà mình có trong nghề nghiệp. Thay vì cam chịu như một con lạc đà trong sở thú, như cá trong chậu, chim trong lồng thì được chọn đúng môi trường mình thích, nghề nghiệp mình phù hợp sẽ có một cuộc đời luôn là hưởng thụ chứ không phải là làm việc.
Để đạt đến hạnh phúc viên mãn lâu dài, có thể cần sự hy sinh cực khổ ban đầu để có được phương tiện quan trọng là tiền bạc. Tuy nhiên, hãy luôn nhớ mục đích của mình trên con đường làm giàu ấy để luôn cân bằng giữa tiền bạc và hạnh phúc. Đừng bao giờ bán đi những thứ quan trọng, bán đi sức khỏe, bán đi lòng tự trọng, bán đi cả cuộc sống, đánh rơi cả gia đình... để rồi chỉ còn lại trong tay một phương tiện vô hồn. Thế cho nên, không phải thành công nghĩa là có nhiều tiền, mà thành công có nghĩa là hạnh phúc.
Tác giả : Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu
(Khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
Nguồn : http://sanmuabandoanhnghiep.vn/