Bảng lương là gì? Bảng lương được xây dựng theo nguyên tắc nào? NLĐ có được yêu cầu cung cấp bảng lương sau khi thôi việc hay không? Bài viết sau đây sẽ giải đáp các thắc mắc trên.
(1) Bảng lương là gì?
Hiện nay, trong hệ thống văn bản pháp luật không có văn bản nào định nghĩa cụ thể về bảng lương. Tuy nhiên, tại Điều 95 Bộ Luật lao động 2019 có đề cập đến bảng lương như sau:
“Mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động, trong đó ghi rõ tiền lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm, nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có).”
Như vậy, để đơn giản, có thể hiểu bảng lương là văn bản hành chính thể hiện thu nhập của cá nhân hàng tháng. Trong bảng lương thường thể hiện các thông tin như họ tên nhân viên, phòng ban, số ngày công, ngày nghỉ bù, ngày nghỉ không tính phép. Ngày nghỉ hưởng lương, ngày nghỉ tính phép và mức lương của nhân viên đó. Trong số tổng tiền lương thường sẽ ghi rõ mức lương cơ bản, lương làm thêm giờ và các khoản cộng lương, khoản trừ lương khác…
Đối với người sử dụng lao động, bảng lương giúp cho người sử dụng lao động kiểm soát tốt hơn vấn đề thanh toán lương cho người lao động và nguồn tài chính của đơn vị. Từ đó, có sự điều chỉnh tăng giảm lương hợp lý tuy nhiên sự điều chỉnh nói trên phải được dựa theo quyền lợi của người lao động và đóng góp của người lao động cho sự phát triển của đơn vị.
Đối với người lao động, bảng lương là căn cứ để người lao động có thể kiểm tra, sử dụng và so sánh các khoản tiền lương mình nhận được. Tổng mức thu nhập mà người lao động nhận được có thể bao gồm các khoản tiền khác nhau.
(2) Xây dựng bảng lương dựa trên nguyên tắc nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 93 Bộ Luật Lao động 2019 về xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động như sau:
Người sử dụng lao động phải xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương theo công việc hoặc chức danh ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động.
Đồng thời, trong trường hợp có tổ chức đại diện người lao động thì người sử dụng lao động phải thực hiện tham khảo ý kiến của tổ chức này khi thực hiện xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động. Ngoài ra, bảng lương và mức lao động còn phải được công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện.
(3) Người lao động có được yêu cầu cung cấp bảng lương sau khi nghỉ việc không?
Tại Điều 48 Bộ Luật lao động 2019 quy định về trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động như sau như sau:
“Người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây:
a) Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;
b) Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.”
Như vậy, trường hợp sau khi nghỉ việc mà người lao động có yêu cầu thì người sử dụng lao động phải cung cấp bản sao bảng lương cho người lao động. Chi phí sao, gửi này sẽ do người sử dụng lao động chi trả.
Tổng kết lại, bảng lương là văn bản thể hiện các thông tin liên quan đến thu nhập của người lao động. Như số tiền thực nhận, số tiền thuế thu nhập cá nhân (nếu có) hay khoản liên quan đến bảo hiểm. Ngoài ra, trong bảng lương thường sẽ có thêm những ngày nghỉ phép, các khoản trợ cấp – phụ cấp, thưởng… Người sử dụng lao động phải xây dựng bảng lương theo quy định của pháp luật. Đồng thời, sau khi nghỉ việc mà người lao động có yêu cầu, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm phải cung cấp các bản sao tài liệu liên quan trong quá trình làm việc của người lao động, trong đó bao gồm cả bản sao bảng lương.