Căn cứ Khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho doanh nghiệp như sau:
- Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
- Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng.
- Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng.
- Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Trường hợp người lao động đã báo trước để đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo thời gian nêu trên, nhưng sau đó lại muốn tiếp tục làm việc thì:
Căn cứ theo Điều 38 Bộ luật Lao động 2019, người lao động có quyền hủy bỏ việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước khi hết thời hạn báo trước bằng cách gửi thông báo (văn bản) cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là sau khi hủy bỏ việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động như trên, người lao động có được tiếp tục đi làm không thì cần phải được sự đồng ý của doanh nghiệp. Cụ thể là:
- Nếu doanh nghiệp đồng ý với thông báo hủy bỏ đơn phương chấm dứt của người lao động, thì người lao động sẽ tiếp tục làm việc sau khi hết thời hạn báo trước.
- Nếu doanh nghiệp không đồng ý với thông báo hủy bỏ đơn phương chấm dứt của người lao động, thì người lao động sẽ nghỉ việc sau khi hết thời hạn báo trước.
Tóm lại, người lao động có được tiếp tục làm việc sau khi hủy bỏ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hay không phụ thuộc vào doanh nghiệp có đồng ý cho người lao động tiếp tục làm việc không.