Người lao động bị doanh nghiệp áp dụng hình thức kỷ luật sa thải có phải hoàn trả chi phí đào tạo không? Các trường hợp người lao động bị áp dụng hình thức kỷ luật sa thải?
1. Các trường hợp bị áp dụng hình thức kỷ luật sa thải?
Căn cứ theo Điều 125 Bộ luật Lao động 2019 thì hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong các trường hợp sau đây:
- Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc;
- Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động;
- Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật. Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định tại Điều 126 của Bộ luật này;
- Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.
- Trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.
2. Người lao động bị kỷ luật sa thải có phải hoàn trả chi phí đào tạo không?
Căn cứ khoản 3 Điều 40 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật như sau:
- Không được trợ cấp thôi việc.
- Phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
- Phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo quy định tại Điều 62 của Bộ luật Lao động 2019.
Như vậy, pháp luật hiện hành chỉ quy định trường hợp người lao động phải hoàn trả chi phí đào tạo trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Còn trong trường hợp này người lao động bị kỷ luật sa thải thì không phải chịu trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo.
Tuy nhiên, trong nội dung của hợp đồng đào đào tạo nghề tại Điều 62 Bộ luật Lao động 2019 có nội dung quy định về chi phí đào tạo và trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo, cụ thể như sau:
- Hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề trong trường hợp người lao động được đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động; Hợp đồng đào tạo nghề phải làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.
- Hợp đồng đào tạo nghề phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
+ Nghề đào tạo;
+ Địa điểm, thời gian và tiền lương trong thời gian đào tạo;
+ Thời hạn cam kết phải làm việc sau khi được đào tạo;
+ Chi phí đào tạo và trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo;
+ Trách nhiệm của người sử dụng lao động;
+ Trách nhiệm của người lao động.
- Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian đào tạo.
Do đó, người lao động vẫn có thể phải chịu trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo khi người lao động vi phạm cam kết đào tạo trong hợp đồng đào tạo mà các bên đã thỏa thuận.
Như vậy, việc hoàn trả chi phí đào tạo chỉ diễn ra khi người lao động vi phạm cam kết đào tạo trong hợp đồng đào tạo hoặc người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật hoặc người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng pháp luật nhưng vi phạm cam kết đào tạo.