Chào bạn!
Xin tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:
Khoản 2 điều 103 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: “Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Trong trường hợp sự việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn để giải quyết tố giác và tin báo có thể dài hơn, nhưng không quá hai tháng”.
Như vậy, anh có thể làm đơn tố cáo đến công an quận, huyện nơi xảy ra hành vi phạm tội để được giải quyết.
Theo Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định về trưng cầu giám định như sau:
“1. Khi có những vấn đề cần được xác định theo quy định tại khoản 3 Điều này hoặc khi xét thấy cần thiết thì cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định.
2. Quyết định trưng cầu giám định phải nêu rõ yêu cầu giám định vấn đề gì; họ tên người được trưng cầu giám định hoặc tên cơ quan tiến hành giám định; ghi rõ quyền và nghĩa vụ của người giám định quy định tại Điều 60 của Bộ luật này.
3. Bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định:
a) Nguyên nhân chết người, tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ hoặc khả năng lao động;
b) Tình trạng tâm thần của bị can, bị cáo trong trường hợp có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ;
c) Tình trang tâm thần của người làm chứng hoặc người bị hại trong trường hợp có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức và khai báo đúng đắn đối với những tình tiết của vụ án;
d) Tuổi của bị can, bị cáo, người bị hại, nếu việc đó có ý nghĩa đối với vụ án và không có tài liệu khẳng định tuổi của họ hoặc có sự nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó;
đ) Chất độc, chất ma tuý, chất phóng xạ, tiền giả.”
Đồng thời, theo quy định tại Điều 28 Pháp lệnh số 24/2004/PL-UBTVQH11 về giám định tư pháp năm 2004 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về việc nhận trưng cầu giám định như sau:
“1. Tổ chức giám định tư pháp, tổ chức chuyên môn, người giám định tư pháp thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quản lý có trách nhiệm tiếp nhận và thực hiện việc giám định do cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng ở cấp huyện, cấp tỉnh và cấp Trung ương trưng cầu.
2. Tổ chức giám định tư pháp, tổ chức chuyên môn, người giám định tư pháp thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quản lý có trách nhiệm tiếp nhận và thực hiện việc giám định do cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng ở cấp Trung ương trưng cầu và các việc giám định phức tạp do cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng ở cấp huyện, cấp tỉnh trưng cầu”.
Như vậy, trong vụ án, Thủ trưởng cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát, Chánh án Tòa án… có quyền ra Quyết định trưng cầu giám định về tỷ lệ thương tật.
Tóm lại, với trường hợp của bạn, theo như các quy định của pháp luật hiện hành thì bạn không thể tự đi giám định thương tật được. Do đó, nếu muốn được đi giám định thương tật, bạn có thể làm đơn yêu cầu khởi tố về hành vi cố ý gây thương tích của người đã đánh bạn rồi trình lên cơ quan điều tra ( tức cơ quan công an). Sau đó, Cơ quan Công an sẽ tiến hành các bước tố tụng và trưng cầu giám định tỷ lệ thương tật của bạn. Dựa trên biên bản kết quả xác định tỷ lệ thương tật, nếu đủ các điều kiện BLHS quy định thì sẽ là căn cứ để khởi tố vụ án hình sự, kèm theo là việc xem xét trách nhiệm dân sự. Ví dụ như: Điều kiện để khởi tố vụ án hình sự về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 là thương tật từ 11% trở nên, hoặc có thể dưới 11% nhưng thuộc các trường hợp quy định tại các điểm từ a đến k của Khoản 1 Điều 104… Nếu không đủ điều kiện để khởi tố hình sự bạn vẫn có quyền khởi kiện dân sự đòi bồi thường thiệt hại do xậm phạm về sức khỏe, tính mạng.
Bạn nên giữ lại tất cả giấy tờ liên quan đến viện phí, đi lại, hóa đơn xe cộ, chi phí ăn uống, sinh hoạt....để làm bằng chứng khởi kiện, giải quyết vụ án khi cần thiết.
Trân trọng!