Tranh luận tại phiên tòa là thủ tục bắt buộc theo quy định của pháp luật. Nhưng trong thực tế, việc tranh luận tại phiên tòa gần như chẳng ai quan tâm.
Đương sự, bị cáo,...: Tranh luận là gì?
Đó là câu hỏi thực tế của không ít đương sự, sau phần hỏi, đến phần tranh luận. Chủ tọa tuyên bố bước sang phần tranh luận thì gần như tất tần tật ú ớ. Mặt ngơ ngác hướng lên, nhìn xuống, quay trái, quay phải một hồi rồi hỏi: "Tranh luận là gì?"!
Sau khi được Chủ tọa giải thích, nguyên đơn thì một câu: tôi giữ nguyên yêu cầu. Bị đơn thì "tôi không chấp nhận", bị cáo thì "xin giảm nhẹ hình phạt vì vợ bé con thơ".... Ôi thì muôn hình vạn trạng! Nhưng chẳng có gì để tranh với luận cả!
-Điều này không có gì lạ vì: tranh luận trong tố tụng là dựa vào các quy định của pháp luật (1) và các chứng cứ có lợi (2), dùng (1) và (2) để lập luận tạo ra các luận cứ nhằm bảo vệ quan điểm mình hay bác bỏ quan điểm của người khác.
Các đương sự nắm vững được (2), nhưng không nắm được (1) nên không thể tranh luận được hiệu quả vì không có luận cứ chặt chẻ, thuyết phục.
-Không nắm được trình tự của quá trình xét xử nên lúc nào cũng tranh luận: khi thình bày yêu cầu cũng tranh luận (bị HĐXX cắt không cho nói); Khi ở giai đoạn hỏi cũng tranh luận (bị HĐXX cắt không cho nói) nên hết tinh thần không còn dám tranh luận. Đến phần tranh luận thì không biết tranh luận các vấn đề gì và lại sợ bị HĐXX la nên "im lặng là vàng".
Kiểm sát viên: Tranh luận với ai?
Các phiên tòa hình sự có Luật sư và Kiểm sát viên, đúng nghĩa nó phải có sự tranh luận nảy lửa hoặc ít ra cũng gay gắt tí. Nhưng thực tế thì lại khác. Gần như đa số các LS chỉ có một phương án quen thuộc là: thống nhất tội danh, điều khoản điểm, như VKS trình bày là đúng.... chỉ "xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo". Vậy thì Kiểm sát viên họ lấy gì tranh luận và cũng chẳng có gì để tranh luận.
Nếu cáo trạng đúng: đúng người, đúng tội và bị cáo nhận tội; tình tiết tăng năng đúng; tình tiết giảm nhẹ đủ; nhân thân đã đúng thực tế ... không có gì sai thì luật sư không thể tranh luận, thậm chí không thể phát biểu vì sẽ "trùng lấp" làm mất thời gian phiên tòa vô ích.
Luật sư: "Tranh luận với ai?"
Trong phiên tòa dân sự, dù có hay không có Kiểm sát viên, dù Luật sư bảo vệ cho bên nguyên, bên bị hay bất cứ bên nào đều ...không có đối tượng tranh luận! Sau khi phát biểu luận cứ, người được bảo vệ thì nói: thống nhất với ý kiến của LS (phó mặc cho LS hết); bên kia (đối phương) nghe xong chỉ phán một câu: "tôi không đồng ý với ý kiến của LS" hết! Chủ tọa hỏi có lập luận hay căn cứ phản bác không thì nói rất tự nhiên: luật sư toàn nói láo, không đúng sự thật.... Chủ tọa yêu cầu tôn trọng người khác thì đương sự nói thẳng rất đơn giản: không đồng ý bên kia! Thử hỏi LS tranh luận với ai và cái gì?!
Trừ trường hợp đương sự là người học luật hoặc là cán bộ trong chuyên ngành họ quản lý thì mới có thể tranh luận đúng sai với luật sư. Nếu không thì càng tranh luận càng không có lợi.
Nhưng cũng trong một số phiên tòa, lấy phiên tòa hình sự cho nó điển hình: Luật sư tranh luận một hồi với bài bào chữa dài dằng dặc, đứng toát hết mồ hôi hột rơi ướt hết cái cà vạt thắt ở cổ; chắc bài này đầu tư nhiều thời gian và công sức lắm!. Nhưng kết quả: Kiểm sát viên chỉ tranh luận câu: "tất cả những tình tiết và căn cứ đã được nêu ở cáo trạng và luận tội, LS trình bày không có điểm gì mới nên giữ nguyên quan điểm". Hết!
Nguyên tắc khi tranh luận, để tranh luận có kết quả thì các bên phải lắng nghe ý kiến của nhau, "sai phải nhận".
Luật sư nếu sai thì có thể nhận và chấp nhận quan điểm của KSV. Trái lại, KSV không có "quyền" đó, đúng ra là có rất hạn chế vì cáo trạng là của cấp trên. KSV được phân công "BẢO VỆ" chứ không phải xem xét cáo trạng, cũng là ý kiến của lãnh đạo viện.
Nếu thấy ý kiến của luật sư đúng hoàn toàn thì đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra lại, thực chất là âm thầm chấp nhận sửa sau khi xin ý kiến.
Không có KSV nào dám chấp nhận tại phiên tòa là luật sư đúng (không phạm tội), cấp trên tôi ra cáo trạng sai và đề nghị HĐXX trả tự do cho bị cáo vì KSV không có quyền đó. Tóm lại chỉ buộc tội, không có quyền thay đổi ý kiến của cấp trên nên thấy khó thì "giử nguyên ý kiến", "không tranh luận tiếp".
Thấy được vấn đề này nên dự thảo luật tố tụng có quy định là "các quyết định tố tụng nhằm phát hiện hoặc làm sáng tỏ sự thật vụ án giao cho điều tra viên, Kiểm Sát Viên, thẩm phán" là 1 trong 3 phương án của điều 36, 40; 42 để tăng quyền, tăng trách nhiệm của Điều tra Viên, Kiểm sát Viên, Thẩm phán trong dự thảo của bộ luật TTHS.
KSV có quyền ký cáo trạng thì mới dám tranh luận sòng phẳng với luật sư vì không thể tranh luận xong nếu đuối lý thì nói: tôi thừa nhận các ý kiến của luật sư là đúng nhưng tôi vẫn giữ nguyên cáo trạng vì không có quyền sửa. KSV cũng có quy định riêng của ngành, nên cũng gặp không ít khó khăn khi tham gia tố tụng.
Mặc cho không ít chủ tọa phiên tòa gợi mở phương thức, nhưng gần như tất cả đều lắc đầu trong phần tranh luận. Với đà này, Luật sư rồi chẳng thể biết "Tranh luận tại phiên tòa" là gì, khóc dỡ cười dỡ!
Hy vọng là luật TTHS mới chấp nhận các sửa đổi để sự tranh luận sẽ sòng phẳng, quyết liệt hơn và sẽ nhiều luật sư bất ngờ, khóc hận vì gặp các KSV cứng cựa chứ không có gà mờ như các LS lầm tưởng; lúc đó "Luật sư dỡ khóc dỡ cười khi tranh luận tại phiên tòa!" Bản thân tôi gặp KSV giỏi nhiều hơn LS giỏi; có thể vì kém duyên với LS.
Cập nhật bởi hungmaiusa ngày 05/07/2015 07:41:18 CH