Vừa qua, HĐXX chấp nhận cho bị cáo Nguyễn Cao Trí (chiếm đoạt số tiền 1.000 tỷ của bà Trương Mỹ Lan) được vắng mặt, HĐXX sẽ thông báo để dẫn giải bị cáo tới khi đến phần xét hỏi hành vi phạm tội của bị cáo. Vậy khi nào thì bị cáo được xin phép vắng mặt tại phiên tòa? Tòa án xét xử vắng mặt khi vào và trường hợp nào thì cho hoãn phiên tòa?
(1) Khi nào thì bị cáo được phép vắng mặt tại phiên toà?
Bị cáo là cá nhân hoặc tổ chức (pháp nhân) được Tòa án quyết định đưa ra xét xử vì có hành vi vi phạm pháp luật. Theo Điều 290 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về sự có mặt tại phiên tòa của bị cáo như sau:
Bị cáo có nghĩa vụ:
- Có mặt tại phiên tòa: Bị cáo phải đến và tham gia phiên tòa theo thời gian và địa điểm ghi trên giấy triệu tập của Tòa án.
- Có mặt trong suốt thời gian xét xử: Bị cáo phải tham gia đầy đủ tất cả các phiên tòa cho đến khi kết thúc vụ án.
Bị cáo có thể vắng mặt tại phiên tòa nếu:
- Có lý do bất khả kháng
- Gặp trở ngại khách quan
Theo quy định nêu trên, có thể thấy bị cáo chỉ được phép vắng mặt tại phiên toà trong trường hợp có lý do bất khả kháng hay gặp trở ngại khách quan. Ngoài những lý do trên thì bị cáo buộc phải có mặt tại toà án.
Ngoài ra, theo quy định nêu trên, bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo thì HĐXX sẽ cho tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh. trường hợp bị cáo bỏ trốn thì HĐXX sẽ tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị cáo.
(2) Tòa án được xét xử vắng mặt bị cáo khi nào?
Những trường hợp mà tòa án được xét xử vắng mặt bị cáo được quy định tại Khoản 2 Điều 290 Bộ Luật Tố tụng hình sự như sau:
- Bị cáo trốn truy nã: Bị cáo cố tình lẩn trốn, không đến trình diện theo yêu cầu của cơ quan chức năng và việc truy tìm bị cáo không có kết quả.
- Bị cáo ở nước ngoài và không thể triệu tập:
- Bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được chấp thuận: Bị cáo tự nguyện gửi đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Hội đồng xét xử xem xét và chấp nhận yêu cầu của bị cáo.
- Vắng mặt không lý do và không ảnh hưởng đến việc xét xử.
Về việc giao, gửi bản án cho bị cáo bị xét xử vắng mặt được quy định tại Điều 262 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015 như sau:
- Trường hợp bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được chấp thuận: Trong vòng 10 ngày sau khi tuyên án, Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi bản án cho bị cáo.
- Trường hợp bị cáo vắng mặt do: Trốn truy nã và việc truy nã không có kết quả hay đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa. Trong vòng 10 ngày sau khi tuyên án, bản án sẽ được niêm yết tại Trụ sở UBND xã, phường, thị trấn nơi bị cáo cư trú cuối cùng. Cơ quan, tổ chức nơi bị cáo làm việc, học tập cuối cùng.
(3) Những trường hợp nào thì tòa án cho hoãn phiên tòa?
Căn cứ theo Điều 297 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về những trường hợp hoãn phiên tòa như sau:
- Có một trong những căn cứ quy định tại các điều 52, 53, 288, 289, 290, 291, 292, 293, 294 và 295 của Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015.
- Cần phải xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa
- Cần tiến hành giám định bổ sung, giám định lại;
- Cần định giá tài sản, định giá lại tài sản.
Tại quy định này cũng nêu rõ, trong trường hợp hoãn phiên tòa thì vụ án phải được xét xử lại từ đầu và việc hoãn phiên tòa sơ thẩm không được vượt quá 30 ngày kể từ ngày ra quyết định.
Quyết định hoãn phiên toà sẽ được chủ toạ thay mặt HĐXX ký tên (chủ toạ vắng mặt hoặc bị thay đổi thì Chánh án Tòa án sẽ là người ra quyết định hoãn phiên tòa). Đồng thời, quyết định hoãn phiên toà phải được gửi cho VKS cùng cấp và những người vắng mặt tại phiên tòa trong thời hạn 02 ngày kể từ khi ra quyết định.
Một quyết định cho hoãn phiên tòa thường có những nội dung chính như sau:
- Ngày, tháng, năm ra quyết định.
- Tên Tòa án và họ tên Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án.
- Họ tên Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa.
- Vụ án được đưa ra xét xử.
- Lý do của việc hoãn phiên tòa.
- Thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa.
Tổng kết lại, ngoài trường hợp có lý do bất khả kháng hay gặp trở ngại khách quan thì bị cáo buộc phải có mặt tại phiên tòa khi có lệnh triệu tập. Tòa án được quyền xét xử vắng mặt khi bị cáo bỏ trốn và lệnh truy nã không có kết quả, bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa, bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận, vắng mặt không lý do và không ảnh hưởng đến việc xét xử.