Theo quy định pháp luật hiện nay thì khi thuê người nước ngoài về làm việc ở Việt Nam thì sẽ cần giấy phép lao động, trừ một số trường hợp họ làm việc ở Việt Nam nhưng không thuộc diện và không cần phải có giấy phép lao động. Vậy thì đối với những trường hợp thuê người nước ngoài mà cần giấy phép lao động thì có thể thuê tối đa mấy năm?
Được thuê một người lao động nước ngoài làm việc theo hợp đồng lao động tối đa mấy năm?
Theo điểm d khoản 1 Điều 151 Bộ luật Lao động 2019 có quy định một trong các điều kiện người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là phải có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ trường hợp quy định tại Điều 154 Bộ luật Lao động 2019, một số trường hợp như là:
- Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để thực hiện chào bán dịch vụ.
- Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để xử lý sự cố, tình huống kỹ thuật, công nghệ phức tạp nảy sinh làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh mà các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài hiện đang ở Việt Nam không xử lý được.
… (Xem chi tiết tại Điều 154 Bộ luật này)
Khi thuê một người lao động nước ngoài làm việc theo hợp đồng lao động thì cũng giống như người lao động trong nước, doanh nghiệp phải ký hợp đồng lao động với người nước ngoài, cụ thể theo khoản 3 Điều 11 Nghị định 152/2020/NĐ-CP có quy định sau khi người lao động nước ngoài được cấp giấy phép lao động thì người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam trước ngày dự kiến làm việc.
Như vậy, sau khi được cấp giấy phép lao động thì hai bên phải tiến hành ký kết hợp đồng lao động.
Cũng theo khoản 2 Điều 151 Bộ luật Lao động thì thời hạn của hợp đồng lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không được vượt quá thời hạn của Giấy phép lao động. Khi sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.
Theo Điều 155 Bộ luật Lao động 2019 thì thời hạn của giấy phép lao động tối đa là 02 năm, trường hợp gia hạn thì chỉ được gia hạn một lần với thời hạn tối đa là 02 năm.
Từ các quy định trên cho thấy, khi ký kết hợp đồng lao động với người nước ngoài hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.
Và thời hạn hợp đồng không thể dài hơn 02 năm bởi giấy phép lao động chỉ có thời hạn tối đa là 02 năm, cho nên đối với người lao động nước ngoài thì không thể ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn được.
Tuy nhiên, luật cho phép được ký nhiều lần hợp đồng xác định thời hạn và cũng không có quy định giới hạn số lần ký kết hợp đồng.
Như vậy, về cơ bản thì các doanh nghiệp được quyền thuê một người lao động nước ngoài làm việc theo hợp đồng lao động cho mình được nhiều năm mà không bị giới hạn chỉ cần doanh nghiệp lưu ý thực hiện đúng các quy định khi sử dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam.
Hiện nay, có những trường hợp nào giấy phép lao động của người nước ngoài sẽ hết hiệu lực?
Các trường hợp giấy phép lao động hết hiệu lực được quy định tại Điều 156 Bộ luật Lao động 2019 cụ thể:
- Giấy phép lao động hết thời hạn.
- Chấm dứt hợp đồng lao động.
- Nội dung của hợp đồng lao động không đúng với nội dung của giấy phép lao động đã được cấp.
- Làm việc không đúng với nội dung trong giấy phép lao động đã được cấp.
- Hợp đồng trong các lĩnh vực là cơ sở phát sinh giấy phép lao động hết thời hạn hoặc chấm dứt.
- Có văn bản thông báo của phía nước ngoài thôi cử lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
- Doanh nghiệp, tổ chức, đối tác phía Việt Nam hoặc tổ chức nước ngoài tại Việt Nam sử dụng lao động là người nước ngoài chấm dứt hoạt động.
- Giấy phép lao động bị thu hồi.