Những ngày gần đây, nhiều cuộc biểu tình của Công nhân tại các Công ty thuộc các khu công nghiệp diễn ra khá phức tạp. Nhất là các tỉnh thành phố HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An,... Nguyên nhân đến từ quy định tại điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội mới.
Hậu quả về kinh tế đã rõ, hậu quả về tính mạng, sức khỏe, tinh thần và niềm tin đã xuất hiện và có xu hướng xấu đi. Đòi hỏi các cơ quan chức năng vào cuộc một cách thận trọng và khoa học hơn.
Điều 60
1. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;
b) Ra nước ngoài để định cư;
c) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;
d) Trường hợp người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.
2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:
a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;
b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;
c) Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
3. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này không bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.
4. Thời điểm tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần là thời điểm ghi trong quyết định của cơ quan bảo hiểm xã hội.
=> NGƯỜI LAO ĐỘNG NGHỈ VIỆC SẼ KHÔNG ĐƯỢC HƯỞNG BHXH MỘT LẦN NHƯ TRƯỚC ĐÂY NẾU THÔI VIỆC CHƯA ĐỦ TUỔI NGHỈ HƯU, KHÔNG RA NƯỚC NGOÀI ĐỊNH CƯ, KHÔNG MẮC CÁC BỆNH HIỂM NGHÈO, KHÔNG LÀ PHỤC VIÊN XUẤT NGŨ.
|
Theo vnexpress.net, hàng nghìn công nhân Công ty Pouyen Việt Nam (TP HCM) đã xuống đường tuần hành phản đối quy định bảo hiểm mới trong 5 ngày qua khiến giao thông tắc nghẽn.
|
Sáng 30/3, công nhân mang nhiều băng rôn phản đối quy định mới của bảo hiểm xã hội. Ảnh: An Nhơn.
|
Vụ đình công bắt đầu từ sáng 26/3 khi hàng nghìn công nhân diễu hành trong khuôn viên của Công ty Pou Yuen (Khu công nghiệp Tân Tạo, phường Tân Tạo, quận Bình Tân) bày tỏ không đồng tình các quy định mới của Luật Bảo hiểm xã hội 2015 về việc không cho người tham gia Bảo hiểm xã hội được hưởng bảo hiệm xã hội một lần. Điều này có nghĩa, công nhân không được nhận hỗ trợ một lần ngay sau nghỉ việc như trước đây mà phải đợi đến tuổi nghỉ hưu.
Đến sáng 30/3, công nhân vẫn vào công ty, nhưng không mở điện, không làm việc. Đại diện ngành lao động quận Bình Tân gặp gỡ, giải thích nhưng không được công nhân chấp nhận.
Sau khi diễu hành trong khuôn viên, các công nhân đã kéo ra khu vực cầu vượt trước công ty để tiếp tục tuần hành, gây tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng ở khu vực này. Cảnh sát 113, CSGT được huy động để giữ trật tự. Tuy nhiên, đến trưa cùng ngày, hàng nghìn công nhân vẫn tuần hành trên các tuyến đường. Sự việc khiến một số công ty khác trong Khu công nghiệp Tân Tạo cho công nhân nghỉ làm.
|
Cảnh sát được huy động để đảm bảo trật tự. Ảnh: An Nhơn.
|
Tại Cần Giuộc, Bến Lức, Cần Đước của tỉnh Long An cũng diễn ra tương tự ở một số Công ty.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cũng đã lên tiếng để trấn an dư luận, ôngcho rằng, các công nhân đình công là do chưa hiểu rõ Điều 60 trong luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014.
Theo ông Diệp, điều luật này có sự chuyển biến tích cực đối với quyền lợi người lao động, khuyến khích họ tích luỹ thời gian tham gia BHXH để có đủ điều kiện, được hưởng lương hưu... ổn định đời sống khi về già. "Thu nhập thường xuyên này tốt hơn rất nhiều lần so với chỉ nhận một lần sau khi hết tuổi làm việc", Thứ trưởng Diệp nói.
Qui định này cho phép người lao động được cộng dồn thời gian tham gia BHXH. Khác với trước đây, khi nghỉ việc gián đoạn và nhận bảo hiểm một lần, đến khi người này đi làm muốn đóng lại để tính cho đủ năm thì không được phép.
Mặt khác, trong luật mới, người lao động khi chấm dứt hợp đồng với doanh nghiệp sẽ được hưởng chế độ thất nghiệp, được tư vấn việc làm. “Đến khi người này làm việc, tham gia bảo hiểm xã hội sẽ được cộng dồn. Như vậy, người lao động hoàn toàn có thể tích luỹ được thời gian để đủ diều kiện nhận lương hưu”, ông Diệp giải thích.
Thứ trưởng còn cho biết, trong luật BHXH năm 2014, Điều 87 qui định, trường hợp muốn tích luỹ thời gian đóng bảo hiểm theo hướng tự nguyện mà quá khó khăn thì chính phủ sẽ có chính sách hỗ trợ một phần mức đóng, về thời gian đóng để đảm bảo họ được hưởng lương hưu.
|
Phó chủ tịch UBND TP HCM cho biết chính quyền sẽ lắng nghe ý kiến người lao động. Ảnh: Quốc Thắng.
|
Trường hợp người lao động không may qua đời trong thời gian chờ nhận trợ cấp một lần, theo Điều 66, BHXH sẽ hỗ trợ tiền mai táng phí là 10 tháng lương tối thiểu. Bên cạnh đó, nếu người này đóng đủ BHXH 15 năm trở lên thì thân nhân người này sẽ nhận được trợ cấp tuất hàng tháng. Nếu người đã mất không đóng đủ thời hạn này thì gia đình sẽ được nhận tiền tuất một lần.
"Số tiền này bằng với mức nhận trợ cấp một lần tại địa phương”, Thứ trưởng Diệp nói và cho hay trong thời gian Bộ luật BHXH 2014 chính thức có hiệu lực vào 1/1/2016 sẽ tổ chức nhiều cuộc tham vấn, ghi nhận các ý kiến.
Cùng với sự giải thích, trấn an của chính quyền địa phương, Thứ trưởng Diệp cũng kêu gọi người lao động quay trở lại làm việc. Lãnh đạo UBND TP HCM đang làm việc với Công ty Pouyuen để có buổi tiếp xúc giữa ông Diệp với các công nhân.
Theo Phó chủ tịch UBND TP HCM Tất Thành Cang, những ngày qua, chính quyền cũng lắng nghe người lao động bày tỏ nguyện vọng. Những ý kiến này sẽ được ghi nhận để làm sao quyền lợi người lao động được đảm bảo nhất.
Tuy nhiên, để giải quyết được vấn đề này không phải đơn giản, bởi "mong muốn" của người lao động là công nhân đa số khác với công nhân viên chức, công chức. Trong khi công việc của họ không phải được đảm bảo, khó bám trụ lâu dài khi Doanh nghiệp không muốn họ tiếp tục làm việc; hoặc họ muốn chuyển đổi sang các nghề tự do khác. Và không ai dám chắc rằng họ sẽ sống đến năm đủ tuổi hưởng lương hưu hoặc có sống đến đó cũng chắc gì đủ điều kiện để được hưởng lương hưu, trong đó pháp luật còn có thay đổi nhiều nữa, và chưa manh nha một manh mối nào để hy vọng rằng "quyền lợi của họ sẽ được thừa kế".