Phương án sử dụng lao động là gì? Có được xử lý kỷ luật khi người lao động không chấp hành phương án sử dụng lao động không? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
(1) Phương án sử dụng lao động là gì?
Hiện nay chưa có quy định nào định nghĩa cụ thể phương án sử dụng lao động là gì.
Tuy nhiên, theo các quy định về việc áp dụng phương án sử dụng lao động tại Bộ Luật Lao động 2019, ta có thể hiểu, phương án sử dụng lao động là một bản kế hoạch cụ thể của doanh nghiệp về việc tổ chức, quản lý và sử dụng nguồn lao động trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Bộ Luật Lao động 2019, các nội dung chủ yếu có trong phương án sử dụng lao động bao gồm:
-Số lượng và danh sách người lao động tiếp tục được sử dụng, người lao động được đào tạo lại để tiếp tục sử dụng, người lao động được chuyển sang làm việc không trọn thời gian;
- Số lượng và danh sách người lao động nghỉ hưu;
- Số lượng và danh sách người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động;
- Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động, người lao động và các bên liên quan trong việc thực hiện phương án sử dụng lao động;
- Biện pháp và nguồn tài chính bảo đảm thực hiện phương án.
Theo đó, khoản 2 Điều 44 Bộ Luật Lao động 2019 quy định, khi xây dựng phương án sử dụng lao động, người sử dụng lao động phải trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Phương án sử dụng lao động phải được thông báo công khai cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được thông qua.
(2) Trường hợp nào người lao động sẽ bị xử lý kỷ luật?
Theo quy định tại Điều 124 Bộ Luật Lao động 2019, việc xử lý kỷ luật người lao động bao gồm 04 hình thức là: khiển trách; kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng; cách chức và sa thải.
Theo đó, việc áp dụng hình thức nào để xử lý kỷ luật người lao động là tùy thuộc vào mức độ vi phạm cũng như nội quy lao động, quy chế của doanh nghiệp. Những lý do phổ biến mà người lao động sẽ bị kỷ luật như:
- Vi phạm nội quy lao động, quy chế của doanh nghiệp: Không tuân thủ các quy định về giờ giấc làm việc, an toàn lao động, hoặc các quy định khác của nơi làm việc.
- Có các hành vi vi phạm pháp luật: Tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật trong quá trình làm việc, như tham nhũng, trộm cắp, hoặc các hành vi gian lận.
- Thiếu trách nhiệm trong công việc: Không hoàn thành nhiệm vụ được giao, gây thiệt hại cho doanh nghiệp do sự thiếu trách nhiệm hoặc lơ là trong công việc.
- Sử dụng chất kích thích hoặc rượu bia trong giờ làm việc: Sử dụng các chất cấm hoặc uống rượu bia khi đang làm việc.
- Có hành vi xúc phạm, gây mất đoàn kết: xúc phạm đồng nghiệp, lãnh đạo hoặc gây mất đoàn kết trong tập thể.
- Không chấp hành quyết định của người quản lý: Không tuân thủ các chỉ đạo, quyết định hợp pháp của người có thẩm quyền trong doanh nghiệp.
Mỗi doanh nghiệp có thể có quy định cụ thể về các hành vi vi phạm và mức độ xử lý kỷ luật khác nhau, nhưng phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:
- Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;
- Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xử lý kỷ luật là thành viên;
- Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc tổ chức đại diện người lao động bào chữa; trường hợp là người chưa đủ 15 tuổi thì phải có sự tham gia của người đại diện theo pháp luật;
- Việc xử lý kỷ luật lao động phải được ghi thành biên bản.
- Không được áp dụng nhiều hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động
- Khi một người lao động đồng thời có nhiều hành vi vi phạm kỷ luật lao động thì chỉ áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm nặng nhất.
- Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian:
+ Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động;
+ Đang bị tạm giữ, tạm giam;
+ Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 125 của Bộ Luật Lao động 2019;
+ Người lao động nữ mang thai; người lao động nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
- Không xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động vi phạm kỷ luật lao động trong khi mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.
(căn cứ Điều 122 Bộ Luật Lao động 2019).
(3) Có được xử lý kỷ luật khi người lao động không chấp hành phương án sử dụng lao động không?
Liên quan đến vấn đề này, Điều 127 Bộ Luật Lao động 2019 quy định các hành vi bị cấm khi xử lý kỷ luật người lao động bao gồm:
- Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động;
- Phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động;
- Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định.
Theo quy định trên, người sử dụng lao động không được xử lý kỷ luật đối với những hành vi của người lao động nếu những hành vi đó không được ghi rõ trong nội quy lao động hoặc không được thỏa thuận trong hợp đồng lao động.
Như vậy, trường hợp doanh nghiệp không quy định việc phải chấp hành phương án sử dụng lao động trong nội quy lao động thì không được phép xử lý kỷ luật khi người lao động không chấp hành phương án sử dụng lao động.
Ngược lại, nếu doanh nghiệp có quy định người lao động phải chấp hành phương án sử dụng lao động của doanh nghiệp trong nội quy lao động thì người sử dụng lao động có quyền xử lý kỷ luật người lao động không chấp hành phương án sử dụng lao động.