Khi quyết định bán đất, nhiều người băn khoăn liệu có cần thiết phải đăng ký tài sản gắn liền với đất trước hay không? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
(1) Có bắt buộc phải đăng ký tài sản gắn liền với đất trước khi bán đất không?
Khoản 2 Điều 131 Luật Đất đai 2024 có quy định:
Tài sản gắn liền với đất là nhà ở, công trình xây dựng được đăng ký theo yêu cầu của chủ sở hữu.
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 45 Luật Đất đai 2024 cũng có quy định:
Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất, chuyển đổi đất nông nghiệp khi dồn điền, đổi thửa, tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước, cộng đồng dân cư và trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 124 và điểm a khoản 4 Điều 127 Luật Đất đai 2024;
- Đất không có tranh chấp hoặc tranh chấp đã được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật;
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên, áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự;
- Trong thời hạn sử dụng đất;
- Quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật
Căn cứ theo các quy định trên, pháp luật quy định khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, người sử dụng đất cần đáp ứng các điều kiện như: phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất không có không có tranh chấp, quyền sử dụng đất không bị kê biên hay áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời và phải còn hạn sử dụng đất.
Như vậy, pháp luật không bắt buộc phải đăng ký tài sản gắn liền với đất (như nhà ở, công trình xây dựng) trước khi bán đất. Chủ sở hữu có thể đăng ký tài sản gắn liền với đất khi có nhu cầu.
Tuy nhiên, nếu có tài sản gắn liền với đất, việc đăng ký tài sản gắn liền với đất trước khi bán sẽ mang lại nhiều lợi ích và giảm thiểu rủi ro trong quá trình giao dịch cho bên chuyển nhượng lẫn bên nhận chuyển nhượng, đồng thời làm tăng khả năng bán được đất cho bên chuyển nhượng.
(2) Công dân có những quyền gì đối với đất đai?
Căn cứ theo quy định tại Điều 23 Luật Đất đai 2024, quyền của công dân đối với đất đai bao gồm:
- Tham gia xây dựng, góp ý, giám sát trong việc hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai.
- Tham gia quản lý nhà nước, góp ý, thảo luận và kiến nghị, phản ánh với cơ quan nhà nước về công tác quản lý, sử dụng đất đai.
- Quyền về bình đẳng, bình đẳng giới trong quản lý, sử dụng đất đai.
- Tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật; đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
- Nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất; mua, bán, nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp là giá trị quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2024
Như vậy, công dân có những quyền trên đối với đất đai, các quy định này đã khẳng định vị trí và vai trò quan trọng của công dân trong việc quản lý và sử dụng đất đai.