Chào bạn!
Trước hết xin trả lời dựa trên "tít" đầu đề của bạn về việc ai "to" hơn ai như sau:
- Xét trong quan hệ nội bộ: Cơ cấu của một công ty CP có Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, sau đó mới đến giám đốc/tổng giám đốc. Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đứng đầu, đại diện cho HĐQT/Đại hội đồng cổ đông - các cơ quan cao nhất trong công ty và trong một số trường hợp(thuê giám đốc), Chủ tịch HĐQT là người thay mặt công ty ký kết HĐLĐ, trong đó quy định quyền hạn của giám đốc.
Do vậy có thể nói rằng trong quan hệ nội bộ, chủ tịch HĐQT to hơn Giám đốc.
Về mặt thực tế, Chủ tịch HĐQT thường là các cổ đông sáng lập/cổ đông lớn của Công ty, còn giám đốc thì có thể là cổ đông hoặc người ngoài. Do vậy, việc quyết định các vấn đề lớn thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ, HĐQT thì Chủ tịch HĐQT thường có "ưu thế" hơn GĐ.
Tuy nhiên đối với quan hệ bên ngoài, việc ký kết các hợp đồng không căn cứ vào ai là người "to" hơn mà theo quy định của pháp luật, đối với một pháp nhân, chủ thể đại diện cho pháp nhân đó là người có quyền ký hợp đồng. (đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền hợp pháp).
Do vậy để xem HĐ đã ký có hiệu lực pl không thì phải căn cứ xem Ông Chủ tịch HĐQT đó có giấy ủy quyền hợp pháp của giám đốc không (hoặc trong một số trường hợp nhất định, nếu không có ủy quyền nhưng Hợp đồng đã được triển khai thực hiện mà người đại diện theo pháp luật của pháp nhân đã biết mà không phản đối).
Bạn có thể tham khảo Nghị quyết 04/2003/NQ-HĐTP, tôi xin trích khoản 2 mục I của quy định này như sau:
"....hợp đồng kinh tế bị coi là vô hiệu toàn bộ khi: "Người ký hợp đồng kinh tế không đúng thẩm quyền...".
Để phù hợp với tinh thần quy định tại Điều 154 Bộ Luật Dân sự thì hợp đồng kinh tế không bị coi là vô hiệu toàn bộ, nếu người ký kết hợp đồng kinh tế không đúng thẩm quyền nhưng trong quá trình thực hiện hợp đồng kinh tế, người mà theo quy định của pháp luật có thẩm quyền ký kết hợp đồng kinh tế đó (sau đây gọi tắt là người có thẩm quyền) chấp thuận. Được coi là người có thẩm quyền chấp thuận nếu người đó đã biết hợp đồng kinh tế đã được ký kết mà không phản đối.
Được coi là người có thẩm quyền đã biết mà không phản đối khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Sau khi hợp đồng kinh tế đã được ký kết, có đầy đủ căn cứ chứng minh rằng người ký kết hợp đồng kinh tế đã báo cáo với người có thẩm quyền biết hợp đồng kinh tế đã được ký kết (việc báo cáo đó được thể hiện trong biên bản họp giao ban của Ban giám đốc, biên bản cuộc họp của Hội đồng thành viên hay Hội đồng quản trị, có nhiều người khai thống nhất về việc báo cáo là có thật...).
b) Người có thẩm quyền thông qua các chứng từ, tài liệu về kế toán, thống kê biết được hợp đồng kinh tế đó đã được ký kết và đang được thực hiện (đã ký trên hóa đơn, phiếu xuất kho, các khoản thu chi của việc thực hiện hợp đồng kinh tế hoặc trên sổ sách kế toán của pháp nhân...).
c) Người có thẩm quyền có những hành vi chứng minh có tham gia thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh theo thỏa thuận của hợp đồng kinh tế (ký các văn bản xin gia hạn thời gian thanh toán, cam kết sẽ thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, ký các văn bản duyệt thu, chi hay quyết toán đối chiếu công nợ liên quan đến việc thực hiện hợp đồng kinh tế...).
d) Người có thẩm quyền đã trực tiếp sử dụng các tài sản, lợi nhuận có được do việc ký kết, thực hiện hợp đồng kinh tế mà có (sử dụng xe tô để đi lại, để kinh doanh mà biết do việc ký kết, thực hiện hợp đồng kinh tế đó mà có; sử dụng trụ sở làm việc do việc ký kết, thực hiện hợp đồng kinh tế thuê tài sản...)."
Trân Trọng.
Luật sư Đặng gia Kiên
Công ty tư vấn Luật LINCON & Brothers
Mobile: 0986 99 8668
Email: kien.danggia@gmail.com