Sáng nay, lướt một vòng các tờ báo xem thì mình thấy có bài báo viết về “Thương lái lạ mặt lùng mua lá mãng cầu xiêm”. Đọc bài viêt này làm mình chợt nhớ đến một câu chuyện đã từng đọc ở một cuốn sách.
Câu chuyện này được kể lại để là bài học cho bà con nông dân rút kinh nghiệm, không trúng bẫy lừa của bọn thương lái Trung Quốc xảo huyệt.
Mình tạm gọi anh T là tác giả của câu chuyện.
Tình huống này đã từng xảy ra tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Anh T có lần đi công tác xuống miền Tây Nam Bộ, gặp bà con nông dân, họ thường hỏi “Việc thương lái Trung Quốc sang mua mấy cái “trời ơi, đất hỡi” của mình để làm gì?” Bữa thì râu mèo, bữa thì đuôi chuột, bữa thì cây sưa, bữa thì là xoài non, lá vải....
Rồi có thời gian đi tìm hiểu. Ra cửa khẩu Tân Thanh, Móng Cái, Thanh Thủy,....tất cả mọi người đều nói chưa từng thấy xuất những loại hàng này qua bên kia. Mua mà không xuất thì mua làm gì?
Lại càng tò mò, anh T qua tận Trung Quốc để tìm hiểu thực hư. Mới hay là thương lái Trung Quốc không chỉ làm chuyện này ở nước mình, mà họ cũng đi xuống tận các tỉnh xa xôi như Cam Túc, Thanh Hải, Tứ Xuyên,...để thu mua các loại "nông sản" như thế.
Họ là thương nhân đến từ các thành phố như Nam Ninh, Quảng Châu.....và đều có cuộc sống cực kỳ giàu có. Gặp 2 thương nhân ở Quảng Tây tên A Cầu và A Bình, lân la làm thân, họ mới để sơ hở.
Mua, bán các loại nông sản “trời ơi, đất hỡi”…
Hối thúc làm nhanh, đưa tiền nóng…
Là 1 cách để làm giá, đẩy giá lên…
Người ôm cuối cùng là bà con nông dân tội nghiệp…
|
Phi vụ của họ thường là 1 nhóm gồm ít nhất 2 thương nhân trở lên, mục tiêu là các vùng nông thôn hẻo lánh. Nông sản họ mua phải càng lạ càng tốt, người ta không biết giá thực tế là bao nhiêu để so sánh.
Đợt này sang Bình Phước của Việt Nam. Cây điều (đào lộn hột) trồng khá nhiều ở đây. Lá điều non là mặt hàng họ quyết định thu mua vì là hàng độc, không có tiền lệ mua bán, dễ tạo nên sự tò mò một cách huyền thoại. Đến thị trấn An Lộc và việc đầu tiên là tìm thương lái địa phương.
A Cầu ghé chị Bảy, nói chị Bảy ơi tui muốn mua lá điều non. Hạt điều thô có giá 500.000 đồng/tấn, A Cầu mua lá non giá ngang bằng luôn. Đưa tiền trước, nói chị hái cho tui vài tấn, phơi khô nha. Chị Bảy nửa tin nửa ngờ, nhưng thấy tiền thật, lại trả trước, nên kêu người ra hái lá đem phơi, giao cho khách. Chứ chờ cây điều ra trái, tiền phân, thuốc mấy tháng sau thì cũng chỉ có giá này, bán vậy sướng hơn.
Trong lúc đó thì A Bình sang gặp anh Tám, một thương lái ở xã khác. Cũng y chang vậy, anh Tám cũng hái 4 tấn lá điều non giao cho A Bình và lấy 2 triệu. Bên kia A Cầu quyết định tăng giá mua lá điều lên 1 triệu/tấn. Chị Bảy phấn khởi, cùng chồng cả đêm leo lên cây, hái khí thế vì nghĩ đây là cơ hội kiếm tiền đổi đời.
Vì A Cầu nói phải giao vào ngày mai, phải xuất đi gấp. Chị Bảy cả đêm đu trên cây hái tới sáng mai cũng chỉ có 2 tấn, nên chỉ được có 2 triệu, A Cầu nói chị phơi khô giùm, cầm tiền trước, mấy bữa sau mới qua lấy đem đi. Dân chúng đồn ầm ầm. Chắc là thuốc tiên. Bên đó xứ lạnh trồng không được. Phong trào hái lá điều diễn ra nô nức.
Rồi vắng bóng. Đâu tuần sau A Bình lại xuất hiện, nói giờ hút hàng quá anh Tám ơi. Hàng này bên Trung Quốc chuộng lắm. A Bình nói giá bây giờ là 5 triệu/tấn. Đưa tiền trước và ép giao ngay. Anh Tám đang lo giao không đủ, thì bỗng dưng có ai đó tiếp thị nói có người bán sẵn giá chỉ có 4 triệu/tấn thôi. Anh Tám thấy mua cứ 1 tấn lời 1 triệu nên thu gom, được bao nhiêu A Bình cũng lấy hết. Cầm tiền trong tay, anh Tám ngỡ trong mơ. Ai ngờ hàng có sẵn kia là của A Cầu, dân địa phương hái và phơi sao kịp, nên qua kho của A Cầu mua lại. Chen chúc xếp hàng.
Bán xong hết kho, A Cầu phone cho chị Bảy giá bây giờ là 10 triệu/ tấn rồi nên gom nhanh. Số lượng không giới hạn. Chị Bảy nghe vậy gom khí thế, dân chúng hái phơi không kịp nên phải mua lại "trôi nổi" trên thị trường giá 8 triệu/tấn, cứ một tấn mang qua là lời 2 triệu mà. Tất nhiên hàng giá 8 triệu kia từ nguồn của A Bình. Nhưng A Cầu cũng đến, trả tiền đàng hoàng, rồi chở hàng đi. Chị Bảy chẳng mảy may nghi ngờ, tiếp tục thu gom để dành đó, đón đầu thời cơ.
Đỉnh điểm là A Bình quyết định tăng lên 20 triệu/tấn, gom đi mai qua lấy. Nghe xong, anh Tám muốn xỉu, ra sau nhà cây gì cũng vặt trụi lá, không kể cây điều cây tiêu gì. Bữa trước cũng vậy, toàn lá tầm bậy mà tụi nó cũng mua, người mình thông minh bọn kia ngu thật. Huy động cả xã, nhưng vẫn không đủ theo đơn hàng của A Bình, lại thu gom trên thị trường với giá 15 triệu/tấn. Ai mang sang giá 15 triệu đồng/tấn anh Tám mua hết. Anh Tám mua xong, gọi điện cho A Bình tới lấy thì A Bình nói để maii, đang lấy container lên đóng hàng.
Sáng mai gọi lại thì "số máy quý khách vừa gọi không liên lạc được". Anh Tám chạy tất tả đến nhà nghỉ gần đó thì mới hay ông khách đã trả phòng. Phóng như bay đi tìm thì chỉ thấy chị Bảy, chị Hai, anh Tư, anh Ba, chị Sáu....cũng hớt hơ hớt hải phóng xe trên đường ở chiều ngược lại.
Dáo dác vòng lên vòng xuống, cũng bấy nhiêu người trong hiệp hội các thương lái huyện ta.
Con đường đất đỏ mịt mù bụi.
Những cái mũ bảo hiểm lấm lem.
Những cái nón lá phấp phới.
Những gương mặt đen nhẻm và những giọt nước mắt nóng hổi.
Những kho lá điều chất cao như núi vì ai cũng tranh thủ ôm hàng.
Những vườn điều xơ xác, vắng lặng, mênh mông.
Hóa ra, họ thu mua các nông sản tào lao ấy chỉ là 1 cách để làm giá. A Cầu sau khi bán hết cho dân địa phương, sẽ vội vàng thông báo cho A Bình và cả 2 cao chạy xa bay. Chiêu thức mua bán lòng vòng đẩy giá lên, người ôm cuối cùng các các tiểu thương tội nghiệp..
Cập nhật bởi nguyenanh1292 ngày 16/03/2015 03:41:54 CH
Cập nhật bởi nguyenanh1292 ngày 16/03/2015 03:32:59 CH