Trong thời buổi công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay thì việc ký kết hợp đồng lao động không còn quá xa lạ với người lao động và người sử dụng lao động, nếu không nói là quá đỗi quen thuộc. Tuy nhiên, người lao động và người sử dụng lao động cần phải chú ý đến bốn trường hợp sau đây nếu như không muốn hợp đồng lao động bị vô hiệu. Cụ thể:
Khoản 1 điều 50 Bộ luật Lao động quy định, hợp đồng lao động bị vô hiệu toàn bộ khi thuộc một trong các trường hợp dưới đây:
- Toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động trái pháp luật;
- Người ký kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền;
- Công việc mà hai bên đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc bị pháp luật cấm;
- Nội dung của hợp đồng lao động hạn chế hoặc ngăn cản quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động.
Theo khoản 2 điều này, hợp đồng lao động vô hiệu từng phần khi nội dung của phần đó vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng.
Trong trường hợp một phần hoặc toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động quy định quyền lợi của người lao động thấp hơn quy định trong pháp luật về lao động, nội quy lao động, thoả ước lao động tập thể đang áp dụng hoặc nội dung của hợp đồng lao động hạn chế các quyền khác của người lao động thì một phần hoặc toàn bộ nội dung đó bị vô hiệu.