Báo Công Lý – Cơ quan của Tòa án nhân dân tối cao
Số 10 (607) Thứ tư ngày 4-2-2009 (Trang 6, mục diễn đàn)
Ông Nguyễn Lâm Sáu có thuộc trường hợp bồi thường theo Nghị quyết 388?
Nguyễn Phan Khiêm
Báo
Công lý và nhiều cơ quan báo chí khác đã nhiều lần phản ánh về trường
hợp ông Nguyễn Lâm Sáu ở Đăk Lăk bị bắt tạm giam oan sai, khiến ông
phải mang thân phận bị can hơn 20 năm. Sau khi báo chí đưa tin, Phó Thủ
tướng Trương Vĩnh Trọng đã có ý kiến chỉ đạo UBND tỉnh Đăk Lăk phải
giải quyết thỏa đáng vụ việc này, Các cơ quan chức năng cũng đã thừa
nhận đã làm sai và xin lỗi ông Nguyễn Lâm Sáu, tuy nhiên lại nảy sinh
vướng mắc là bồi thường cho ông Nguyễn Lâm Sáu theo quy định nào, có
theo Nghị quyết 388 hay không?
Bắt người, khám nhà không có phê chuẩn của Viện kiểm sát
Ông
Nguyễn Lâm Sáu, sinh năm 1940 tại Thanh Chương, Nghệ An và tốt nghiệp
đại học chuyên ngành tại Liên Xô 1966. Mười năm sau đó, ông công tác ở
Nghệ An. Sau khi thống nhất đất nước, Bộ Nông nghiệp điều động vợ chồng
ông vào Nông trường Ea Kao (Đăk Lăk). Tại đây, ông Sáu phát
hiện và đấu tranh với những sai phạm của lãnh đạo nông trường, dẫn đến
bị trù dập, bị cắt lương, cắt gạo, tổ chức đấu tố, điều động làm công
việc trái khoáy…
Ngày
30-10-1981, giám đốc Nông trường Ea Kao ra quyết định “giải quyết cho
anh Nguyễn Lâm Sáu, chức vụ Trưởng phòng chăn nuôi, hiện công tác tại
phòng trồng trọt, lương 75 đồng, được nghỉ việc ở nhà, không phải tham
gia công tác. Khi cần hội họp, sinh hoạt, NT (nông trường) triệu tập
anh Sáu phải lên dự. Anh Sáu được nghỉ kể từ ngày 1-11-1981. Lương
bổng, các chế độ khác anh Sáu vẫn được hưởng như thời gian công tác.
Khi trên giải quyết xong, Nông trường sẽ bố trí công tác cho anh Sáu”.
Vợ ông là một cán bộ kỹ thuật của nông trường cũng bị cắt lương bổng và mọi chế độ từ năm đó.
Khi
được yêu cầu trả lương thì được trả lời là không có, vì không có bảng
chấm công và không có gạo vì khong có tên trong bảng lương. Thế là vợ chồng kỹ sư Sáu trở thành thấp nghiệp, với bốn bàn tay trắng… và ba đứa con thơ dại.
Năm
1985, Thanh tra tỉnh Đăk Lăk đã có kết luận số 97 về những sai phạm tại
Nông trường Ea Kao, khẳng định: “Công tác quản lý đất đai, thiết bị xe
máy, vườn cây, sản phẩm… có nhiều sai phạm, gây thiệt hại nghiêm trọng
tài sản xã hội chủ nghĩa… Với những sai phạm như vậy, đáng lẽ lãnh đạo
Nông trường Ea Kao phải tiếp thu ý kiến của quần chúng để sửa chữa
nhưng ngược lại họ tìm cách trù dập người khiếu tố một cách thậm tệ”...
Thanh
tra kết luận như vậy nhưng ngày 14-11-1985, ông Nguyễn Lâm Sáu bị khám
nhà. Sau khi lục soát khắp nơi, Công an chỉ thu giữ được một chai có
dính chút dầu cam hỏng. Đó được coi là tang vật của hành vi buôn bán
hàng trái phép. Nguyễn Lâm Sáu lập tức bị bắt giam.
Bây
giờ xem lại “Biên bản bắt, khám xét” mà ông Sáu còn giữ được mới thấy
có nhiều điều không thể ngờ được. Biên bản ghi: “Năm một nghìn chín
trăm 85 tháng 11 ngày 14 hồi 12 giờ 15 tại gia đình bà Nguyễn Thị Lương.
Thi hành lệnh bắt giam số 08/LB ngày 14 tháng 12 năm 1985 và lệnh khám xét ngày 14 tháng 12 năm 1985 của Công an tỉnh Đăk Lăk
Bị
can Nguyễn Lâm Sáu... can tội Buôn bán hàng trái phép... khám xét nhà
ở, đồ vật, thư tín thì thấy có những vật kê dưới đây, nghi có liên quan
đến vụ án: 01 chai 65 Mly đựng dầu cam (Đã hư)...”.
Biên
bản này cho thấy Công an Đăk Lăk đã bắt và khám xét nhà ở của công dân
tháng 11-1985 khi chưa có Lệnh. Lệnh được ban hành đúng một tháng sau
đó, tức là tháng 12-1985.
Việc bắt và khám xét này không có phê chuẩn của Viện Kiểm sát và cũng không có đại diện chính quyền địa phương.
Giam
được 1 tuần thì ngày 21-11, ông Sáu được tạm tha. Lệnh tạm tha ghi rõ:
“Căn cứ quyết định khởi tố bị can số 35 QĐ ngày 15 tháng 11 năm 1985
của Công an tỉnh Đăk Lăk; Căn cứ kết quả điều tra... ra lệnh tạm tha bị
can Nguyễn Lâm Sáu... Bị can Nguyễn Lâm Sáu về địa phương phải trình
lệnh này với điạ phương và khi nào cơ quan pháp luật có giấy gọi, bị
can phải đến đúng ngày giờ theo quy định”.
Đọc
Lệnh này mới thấy thêm một điều bất thường. Ông Sáu bị bắt ngày 14-11
vậy mà ngày hôm sau, 15-11 mới có quyết định khởi tố bị can. Và ông Sáu
phải thực thi cái lệnh tạm tha này xuyên hai thế kỷ.
Bồi thường như thế nào?
Theo Điều 1 Nghị quyết số 388 của UBTVQH 11 về các trường hợp được bồi thường thiệt hại gồm bốn đối tượng:
a)
Người bị tạm giữ mà có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt
động tố tụng hình sự huỷ bỏ quyết định tạm giữ vì người đó không thực
hiện hành vi vi phạm pháp luật;
b)
Người bị tạm giam mà có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt
động tố tụng hình sự hủy bỏ quyết định tạm giam vì người đó không thực
hiện hành vi phạm tội;
c)
Người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn,
tù chung thân, đã bị kết án tử hình mà có bản án, quyết định của Toà án
có thẩm quyền xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội;
d)
Người bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án ngoài các trường hợp quy
định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này mà có bản án, quyết định
của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định
người đó không thực hiện hành vi phạm tội.
Vì
vậy, có ý kiến cho rằng, Công an tỉnh đã làm sai nhưng không thể áp
dụng Nghị quyết số 388 để bồi thường. Theo quan điểm này, ông Sáu không
thuộc trường hợp tạm giữ như điểm a. Theo điểm b thì ông Sáu không có
quyết định hủy bỏ quyết định tạm giam, mà chỉ có quyết định tạm tha. Vì
vụ án bị bỏ lửng không được đưa ra truy tố, xét xử nên cũng không có
bản án hay quyết định của cơ quan có thẩm quyền xác định ông Sáu không
phạm tội theo điểm c và d nêu trên.
Vậy, cơ quan chức năng phải bồi thường cho ông Nguyễn Lâm Sáu theo quy định nào? Mời bạn đọc cùng tham gia trao đổi.