BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh
phúc
|
Số: 07 /2007/QĐ-BNN
|
Hà Nội,
ngày 23 tháng 01 năm 2007
|
QUYẾT ĐỊNH
Thành lập Cơ quan quản lý Công ước về buôn bán
quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị
định số 86/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ Quy định chức năng
nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn;
Căn cứ Nghị
định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về quản lý hoạt
động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh
sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang
dã nguy cấp, quý, hiếm;
Căn cứ Nghị
định số 119/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ về tổ chức và
hoạt động của Kiểm lâm;
Xét
đề nghị của Cục trưởng Cục Kiểm lâm và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thành
lập Cơ quan quản lý của Việt Nam
thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy
cấp (sau đây viết tắt là Cơ quan quản lý CITES Việt Nam).
Tên giao dịch Quốc tế: CITES Management Authority of
Vietnam
Điều 2. Nhiệm
vụ, quyền hạn của Cơ quan quản lý CITES Việt Nam
1. Đại diện
theo uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các quyền
và nghĩa vụ của nước thành viên Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật,
thực vật hoang dã nguy cấp (sau đây gọi là Công ước CITES).
2. Trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn công bố danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định tại các Phụ
lục của Công ước CITES.
3. Phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan soạn thảo
các văn bản quy phạm pháp luật trong việc quản lý, thực thi Công ước CITES.
4. Tổ chức hoạt động thông tin, tuyên truyền và đào
tạo về thực thi Công ước CITES.
5. Quản lý, cấp, thu hồi các loại giấy phép, chứng chỉ CITES theo quy
định.
6. Tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ
và hợp tác quốc tế trong việc thực thi Công ước CITES:
a) Chủ trì, phối hợp với các Cơ quan khoa học CITES và
các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức việc thực thi Công ước CITES tại Việt Nam;
b) Đề xuất sửa đổi, bổ sung danh mục các loài động
vật, thực vật hoang dã quy định tại các Phụ lục của Công ước CITES;
c) Thực hiện các hoạt động quan hệ quốc tế trong việc
thực thi Công ước CITES.
7. Tổ chức quản lý các trại gây nuôi sinh sản, trại
nuôi sinh trưởng, cơ sở trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã
thuộc các Phụ lục của Công ước CITES:
a) Quản lý, hướng dẫn, kiểm tra và đăng ký với Ban Thư ký Công ước CITES
quốc tế các trại nuôi sinh sản, trại nuôi sinh trưởng, cơ sở trồng cấy nhân tạo
các loài động vật, thực vật hoang dã quy định tại Phụ lục I của Công
ước CITES;
b) Hướng dẫn xử lý mẫu
vật quy định tại các Phụ lục của Công ước CITES bị tịch thu theo quy định của
pháp luật Việt Nam
và Công ước CITES;
c) Kiểm tra hoạt động
xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, quá cảnh mẫu vật động vật, thực vật hoang
dã nguy cấp, quý, hiếm tại nhà ga hàng không, nhà ga đường sắt, cảng biển, khu
vực cửa khẩu theo quy định của pháp luật.
8. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn giao.
Điều
3. Tổ
chức bộ máy của Cơ quan quản lý CITES Việt Nam
1. Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam có Giám đốc
và Phó Giám đốc giúp việc Giám đốc.
Cục trưởng Cục Kiểm lâm là Giám đốc Cơ quan quản lý
CITES Việt Nam, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn và trước pháp luật về thực hiện nhiệm vụ của Cơ quan Quản lý CITES
Việt Nam.
Cục trưởng Cục Kiểm lâm phân công một Phó Cục trưởng
Cục Kiểm lâm kiêm nhiệm Phó Giám đốc Cơ quan quản lý CITES Việt Nam. Phó Giám
đốc Cơ quan quản lý CITES Việt Nam
chịu trách nhiệm trước Giám đốc Cơ quan quản lý CITES Việt Nam và trước
pháp luật về thực hiện nhiệm vụ được phân công.
2. Văn phòng thường trực (gọi là Văn phòng CITES Việt Nam) đặt tại
Cục Kiểm lâm.
Văn phòng CITES Việt Nam gồm các bộ phận thực thi,
thông tin tuyên truyền và đào tạo, cấp phép, quản lý các trại nuôi sinh sản, cơ
sở trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã và
quan hệ quốc tế.
3. Cơ quan đại diện của Cơ quan quản lý CITES Việt Nam
tại phía Nam
và miền Trung theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Cục trưởng Cục Kiểm lâm bổ nhiệm, miễn nhiệm
Trưởng Văn phòng CITES Việt Nam, Trưởng đại diện Cơ quan quản lý CITES Việt Nam tại khu vực phía Nam và miền Trung; quy định nhiệm vụ,
ban hành quy chế làm việc, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, giải quyết kinh
phí hoạt động cho Văn phòng CITES Việt Nam và Cơ quan đại diện của Cơ quan quản lý CITES Việt Nam tại phía Nam và miền
Trung trong biên chế được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao và dự toán ngân sách Nhà nước cấp Cho Cục Kiểm lâm; quản
lý tài sản Cơ quan quản lý CITES Việt Nam theo quy định.
Điều 4. Cơ quan quản lý CITES Việt Nam và Cơ quan đại diện của Cơ quan quản lý CITES Việt Nam
tại phía Nam
và miền Trung có con dấu riêng, kinh phí hoạt động do ngân sách Nhà nước đảm
bảo.
Điều
5. Quyết định này có hiệu lực sau
mười lăm ngày kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số
43/2000/QĐ/BNN/TCCB ngày 19/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn về việc thành lập Văn phòng CITES Việt Nam.
Điều 6. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Cục
trưởng Cục Kiểm lâm, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 6;
- Lãnh đạo Bộ;
- UBND các tỉnh, Tp. trực
thuộc TW;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra
VBQPPL);
- Công báo và Website Chính
phủ;
- Ban Thư ký CITES Quốc tế;
- Các Vụ: KH, TC, KHCN;
HTQT,
PC, TCCB;
- Cục Kiểm lâm;
- Lưu VT, TCCB.
|
BỘ TRƯỞNG
Đã ký
Cao Đức Phát
|
Bạn hãy tham khảo Quyết định trên.
Theo các văn bản pháp luật của Việt Nam thì những loại động vật quý hiếm (tài sản đó) thuộc sở hữu nhà nước. Nhà nước sẽ giao cho các cơ quan cụ thể để quản lý, cụ thể là giao cho Chính Phủ quản lý chung - rồi CP giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý chuyên ngành. Ở địa phương thì UBND các cấp quản lý chung, các sở, phòng, ban quản lý chuyên ngành.
Như vậy, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trên mà họ có trách nhiệm quản lý động vật quý hiếm.
Theo tôi thì, để giải quyết việc bồi thường cho dân thì chúng ta cần thực hiện một số việc sau:
- Khi dân phát hiện xuất hiện voi rừng thì phải báo ngay cho cơ quan quản lý động vật; nếu khó khăn thì báo ngay cho chính quyền (UBND) xã nơi đó để họ có biện pháp xử lý kịp thời.
- Những thiệt hại về tài sản, tính mạng của người dân sẽ được Chính quyền hỗ trợ. Nếu người dân đã thông báo cho chính quyền mà họ không có biện pháp kịp thời để giúp đỡ dân và ngăn chặn voi gây thiệt hại thì theo tôi, để đảm bảo cuộc sống cho người dân thì chính quyền có trách nhiệm bồi thường, sau đó xét trách nhiệm thuộc về cán bô, công chức nào thì cán bộ, công chức đó bồi hoàn lại cho nhà nước. Còn trách nhiệm hình sự thì pháp luật chưa quy định về vấn đề này. Khi muốn truy cứu trách nhiệm hình sự một người này đó thì phải xác định được là họ có lỗi. Như vậy, voi mới xuất hiện, Nhà nước không thể lập tức ngăn chặn được thiệt hại hoặc khi người ta biết thì đã có thiệt hại rồi. Ở đây Nhà nước không phải là người trực tiếp quản lý nên cũng khó xác định trách nhiệm. Tuy nhiên, trong trường hợp đã báo cáo với chính quyền rồi mà chính quyền không quan tâm vẫn để voi tiếp tục phá hoại tài sản, gây thiệt hại tính mạng cho dân thì cũng phải xem xét trách nhiệm cho người có thẩm quyền.
Rất mong nhận được ý kiến của các bạn