Chào bạn huyentrang2008!
Bạn đã hỏi tôi có chắc chắn trong việc khẳng định "Hành vi chậm cấp giấy chứng nhận cho bố mẹ bạn không phải là căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo Luật TNBTCNN" không?
Qua bài viết của bạn minhthao1980 ở ngay trên đây và cả bài phản hồi của bạn, tôi thấy có vẻ như bạn đã đồng ý với quan điểm đó. Nhưng xem về thời gian thì thấy bạn đặt câu hỏi này sau khi đã có phản hồi như trên nên không chắc là bạn đã đồng ý với tôi hay chưa. Vì vậy tôi sẽ trả lời bổ sung như sau:
Hành vi của Văn phòng đăng ký QSD đất là hành vi "cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất" quy định tại khoản 8 Điều 13 Luật TNBTCNN. Cũng tại Điều 13 quy định: "Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra".
Việc xác định trách nhiệm bồi thường được quy định tại Điều 6 của Luật TNBTCNN, cụ thể trường hợp của bạn là khoản 1:
1. Việc xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án phải có các căn cứ sau đây:
a) Có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật và thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường quy định tại các điều 13, 28, 38 và 39 của Luật này;
b) Có thiệt hại thực tế do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra đối với người bị thiệt hại.
Hướng dẫn thực hiện khoản này, Điều 1 Thông tư số 19/2010/TTLT-BTP-BTC-TTCP (được sửa đổi bởi Thông tư số 28/2013/TTLT-BTP-BTC-TTCP) quy định:
Điều 1. Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính
1. Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính chỉ phát sinh khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật;
b) Hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường quy định tại Điều 13 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sau đây gọi chung là Luật);
c) Có thiệt hại thực tế xảy ra;
d) Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế xảy ra và hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ.
Như thế nào là văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật? Điều 2 Thông tư sửa đổi nói trên quy định:
Điều 2. Văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ
1. Quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật theo quy định của pháp luật.
2. Kết luận nội dung tố cáo của cơ quan hoặc người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
3. Bản án, quyết định của Tòa án về giải quyết vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật.
4. Bản án, quyết định của Tòa án về việc giải quyết vụ án dân sự đã có hiệu lực pháp luật tuyên hủy quyết định hành chính.
5. Bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật xác định người thi hành công vụ có hành vi phạm tội trong khi thi hành công vụ mà tại Bản án, quyết định hình sự đó chưa xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội của người thi hành công vụ gây ra trong khi thi hành công vụ.
Đối chiếu các quy định trên với trường hợp của gia đình bạn chúng ta thấy phía cơ quan có thẩm quyền đã có Công văn thừa nhận họ SAI. Tức là họ thừa nhận hành vi chậm cấp giấy chứng nhận cho gia đình bạn là SAI (theo Luật tố tụng hành chính thì Công văn này được coi là một quyết định giải quyết khiếu nại). Tuy nhiên cái SAI của họ, hay nói cách khác là việc chậm cấp giấy của người thi hành công vụ có phải là hành vi trái pháp luật hay không là vấn đề cần được làm rõ. Nếu là hành vi trái pháp luật thì được bồi thường, nếu không phải là hành vi trái pháp luật thì không đủ điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường.
Về mặt lý luận, hành vi trái pháp luật là xử sự trái với các yêu cầu của pháp luật, nó được biểu hiện bằng một trong ba hình thức sau:
Thứ nhất là chủ thể thực hiện hành vi bị pháp luật cấm. Ví dụ như nam nữ có cùng dòng máu trực hệ kết hôn với nhau; chủ sở hữu một doanh nghiệp kiêm nhiệm luôn chức vụ kế toán trưởng....
Thứ hai là chủ thể không thực hiện những nghĩa vụ mà pháp luật bắt buộc phải thực hiện. Ví dụ như công dân nam trong độ tuổi từ đủ 18 đến hết 25 trốn tránh nghĩa vụ quân sự; một người có đủ điều kiện mà không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng...
Thứ ba là chủ thể sử dụng quyền vượt quá giới hạn cho phép. Ví dụ như Chủ tịch UBND cấp xã giao đất công cho hộ gia đình; trưởng phòng ra quyết định kỷ luật sa thải người lao động...
Với nội dung trên thì hành vi chậm cấp giấy chứng nhận cho gia đình bạn của người thi hành công vụ thuộc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất không phải là hành vi trái pháp luật rồi. Bởi vì đó không phải là hành vi bị pháp luật cấm; cũng không phải là họ không thực hiện nghĩa vụ mà pháp luật bắt buộc phải thực hiện, mà họ vẫn thực hiện đấy chứ. Nhưng do nhận thức không đúng về điều kiện để dược cấp giấy chứng nhận nên họ làm chậm tiến độ đi thôi. Còn họ có sử dụng quyền vượt quá giới hạn cho phép hay không thì có thể dẽ dàng khẳng định ngay là không rồi.
Và như vậy, có thể khẳng định hành vi chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có thể gây thiệt hại cho gia đình bạn, nhưng không làm phát sinh trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Bởi đơn giản vì đó không phải là hành vi trái pháp luật.
Thân ái!
Hãy làm tất cả những gì trong phạm vi cho phép và khả năng có thể!