Gần đây, vấn đề về tranh chấp vi phạm bản quyền video Youtube liên quan tới VTV. Trong đó, kênh video của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã bị chấm dứt, do có nhiều khiếu nại của bên thứ ba về việc vi phạm bản quyền liên quan đến tài liệu mà người dùng đã đăng.
Từ hồi năm ngoái (năm 2015) đã có lùm xùm vụ thành viên YouTube có tên Yamaha Trung Tá cáo buộc VTV đã sử dụng hình ảnh flycam từ kênh này mà không xin phép. Trên blog chính thức của mình, ông Bùi Minh Tuấn, chủ sở hữu kênh YouTube Yamaha Trung Tá đã có bài viết tố cáo và nêu đích danh vấn đề vi phạm bản quyền của VTV.
Trên blog của mình, tác giả Bùi Minh Tuấn (Yamaha Trung Tá) vào tháng 7/2015 cho biết, tác phẩm mang tên "Việt Nam qua góc nhìn Flycam" và các video liên quan khác từ kênh Youtube của Yamaha Trung Tá liên tiếp bị sử dụng trái phép quá nhiều lần từ phía VTV - Đài Truyền hình Việt Nam. Cụ thể, trên kênh YouTube của VTV đã sử dụng đoạn video này của Yamaha Trung Tá cho 3 Clip đăng trên kênh VTVgo.
Theo thừa nhận của Đài truyền hình Việt Nam VTV, nguyên nhân dẫn đến khiếu nại này là trong quá trình tác nghiệp, một số biên tập viên của VTV đã không thực hiện đúng quy trình sản xuất, sử dụng tư liệu trên mạng đưa vào nội dung chương trình mà chưa được sự chấp thuận của tác giả chủ sở hữu nội dung.
Bài học đắt giá từ sau vụ đài truyền hình VTV vi phạm bản quyền
Có thể nói hành động vi phạm bản quyền trên Youtube là hành vi sẽ bị xử phạt rất nặng. Nếu vi phạm bản quyền, Youtube không chỉ đơn thuần là gỡ bỏ video, cảnh cáo, hay thiết lập giới hạn, mà người dùng cá nhân/tổ chức có thể bị gỡ bỏ cả kênh Youtube.
Ở đây có thể chia hành động vi phạm bản quyền làm hai trường hợp: bản quyền hình ảnh và bản quyền âm thanh. Riêng về vi phạm bản quyền âm thanh, nếu video của tài khoản có chứa một bài nhạc đã được đăng ký bản quyền, lập tức video sẽ không được đăng tải. Tương tự như vậy, nếu video của một tài khoản nào đó có sử dụng hình ảnh đã được bảo vệ một cách trái phép, video và kênh có thể bị Youtube gỡ bỏ.
Tất nhiên đó là khi video đã được Youtube bảo vệ. Đồng thời, người bị hại cũng phải có đầy đủ bằng chứng, chứng cứ để cho thấy mình đang bị ăn cắp bản quyền. Khi này, kênh video xâm phạm có thể bị tạm ngưng, hoặc gỡ bỏ hoàn toàn, tùy vào từng trường hợp.
Căn cứ theo quy định tại Nghị định 131/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính đối với vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan chỉ đưa ra mức phạt cao nhất là 250 triệu đồng đối với cá nhân và 500 triệu đồng đối với tổ chức tuy nhiên nhà sản xuất chương trình bị thiệt hại hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng khi bị “ăn cắp bản quyền”. Hành vi xâm phạm quyền tác giả đang ngày càng xảy ra ngày 1 nhiều, gây thiệt hại nặng nề không chỉ về giá trị kinh tế mà còn là tinh thần của người sáng tạo ra tác phẩm. Hiện nay, VTV đã và đang triển khai những biện pháp xử lý nghiêm, chặt chẽ trong vấn đề bảo vệ bản quyền, quyền tác giả, đồng thời liên lạc với các bên liên quan để giải quyết.