Đất của bạn đã được cấp GCNQSDĐ, tức pháp luật đã công nhận bạn là người có QSDĐ đó. Khi bị người khác lấn chiếm trái pháp luật, bạn phải thực hiện Quyền của người được QSDĐ là làm đơn yêu cầu chủ tịch UBND Xã nơi đất toạ lạc xử lý hành vi lấn chiếm đất đai trái pháp luật của ông hàng xóm. Cơ quan này chỉ việc cho người xuống đo đạc, xác định lại ranh giới, chỉ giới giao đất theo GCNQSDĐ đã cấp, nếu ông hàng xóm rõ ràng đào lấn qua ranh giới, chỉ giới đã cấp đất cho bạn thì ông ta đã có hành vi lấn chiếm đất đai trái pháp luật, Chủ tịch Xã phải lập biên bản về hành vi này và yêu cầu người lấn chiếm tự khôi phục lại nguyên trạng ban đầu đất cho bạn, nếu ông ta không chấp hành thì Chủ tịch Xã căn cứ vào hậu quả do hành vi lấn chiếm đất đai trái pháp luật của Ông ta gây ra mà ra Quyết định hoặc đề nghị Cấp trên ra Quyết định xử phạt hành chính ( phạt tiền ) về vi phạm hành chính đất đai, kèm theo hình phạt bổ sung là san lắp ao, mương mà ông ta đã đào, phục hồi nguyên trạng để trả lại bạn đất đã được cấp GCNQSDĐ. Tất cả những gì tôi vừa nói, Pháp luật đều có qui định rõ trong khoản 2 điều 182 Nghị định 181 và Nghị định 182 của Chính Phủ ra ngày 29/10/2004.
Hiện nay, đa số người dân đã được cấp GCNQSDĐ và cả những cán bộ trong UBND hay Toà án chỉ "tâm niệm" rằng tranh chấp đất đai đã có GCNQSDĐ là thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà Án, cho nên khi có khiếu nại hành vi lấn chiếm đất đai trái pháp luật thường thì Chủ tịch UBND Xã chỉ hoà giải ( gần như 100% không thành ) rồi chuyển ngay cho Toà Huyện và..... Toà Huyện vô tư thụ lý ! Ở đây người ta đã vô tình hay cố ý không hiểu khái niệm tranh chấp đất đai và hành vi lấn chiếm đất đai trái pháp luật. Tranh chấp đất đai là anh nói đất đó của anh ( kèm theo chứng cứ ), còn tôi nói đất là của tôi ( cũng kèm theo chứng cứ ), Toà xem xét chứng cứ hai bên để quyết định đất là của ai. Ví dụ anh A đã được cấp GCNQSDĐ nhưng anh B lại có chứng cứ chứng minh rằng đất đã cấp cho A là của anh ta, nếu Toà xem xét, đánh giá chứng cứ của B là đúng sự thật, nghĩa là chứng cứ mà anh A đã tạo ra khi xin cấp GCNQSDĐ là giả tạo, gian dối, từ đó Toà có quyền huỷ hay đề nghị UBND nào đã cấp GCNQSDĐ cho A phải thu hồi giấy này để cấp lại cho B.
Còn hành vi lấn chiếm đất đai trái pháp luật lại khác, đó là một bên có chứng cứ hợp pháp chứng minh đó là đất của mình ( GCNQSDĐ ), bên còn lại vô chứng vô cứ tự tiện đến lấn chiếm.
Trở lại việc của bạn : Bạn không am hiểu Luật mà đã vội kiện cáo, rất may là trước số tiền tạm ứng chi phí đo đạc, định giá khá lớn ( 12 triệu ) khiến bạn chần chừ nên lên mạng nhờ tư vấn, chứ nếu như bạn đã đóng tiền này thì ôi thôi, muốn lấy lại phải trầy vi tróc vảy ! Đây mới chỉ là chi phí đo đạc, định giá đất tranh chấp chứ chưa phải là án phí nhé bạn ! Đo đạc định giá xong thì Toà sẽ yêu cầu bạn với tư cách là Nguyên đơn, phải tạm ứng án phí, tức phải chi một khoản tiền khác, ngoài 12 triệu kia nữa đó.
Tôi tư vấn cho bạn thế này : rút ngay đơn đang nằm ở Toà án Huyện, không khởi kiện gì cả nên không phải đóng tiền đo đạc, định giá hay án phí. Đồng thời làm đơn khác ghi rõ là ĐƠN YÊU CẦU XỬ LÝ HÀNH VI LẤN CHIẾM ĐẤT ĐAI TRÁI PHÁP LUẬT, gởi chủ tịch UBND Xã, nếu ông này chần chừ, thoái thác thì dựa vào những căn cứ pháp luật gồm khoản 2 điều 182 Nghị định 181 và Nghị định 182 của Chính Phủ ra ngày 29/10/2004 để đấu tranh quyết liệt với ông ta. Mặt khác, bạn phải kiên quyết, cứng rắn ngăn cản, không cho ông hàng xóm tiếp tục đào lấn chiếm đất để ông ta có bức xúc thì đứng đơn kiện bạn, tức ông ta là Nguyên đơn, phải chịu mọi thứ tạm ứng chi phí mà hiện bạn đang bị yêu cầu phải thực hiện.
Tôi rất "sợ" nhưng lại cứ hay gặp Toà án ở Tỉnh Long An ! Bạn phải hết sức cẩn thận, củng cố pháp lý vững chắc trước khi đối diện với Toà mới mong thắng kiện. Mà bạn ở Huyện nào của Tỉnh Long An vậy ?