Ý nghĩa câu Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống là gì? Chính sách Nhà nước về hoạt động trồng trọt như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này.
Ý nghĩa câu Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống là gì?
Câu tục ngữ “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” là câu tục ngữ nói về kinh nghiệm của cha ông trong trồng trọt. Theo đó, để cây sinh trưởng, phát triển mạnh, cho năng suất cao, chất lượng tốt thì cần phải đảm bảo đủ bốn yếu tố sau: Thứ nhất là nước, thứ hai là phân, thứ ba là cần, thứ tư là giống.
Để hiểu hơn về ý nghĩa câu tục ngữ, chúng ta cùng tìm hiểu nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống trong câu tục ngữ trên:
- Nhất nước: Để canh tác, chúng ta phải có nguồn nước tưới tiêu. Nước là yếu tố quan trọng nhất, được ông cha ta đặt lên hàng đầu. Tương tự như việc chúng ta ăn uống hằng ngày để có năng lượng sống, nước chính là thứ mà cây trồng cần nhất.
- Nhì phân: Thực tế, chỉ nước thôi là không đủ để cung cấp chất dinh dưỡng giúp cây trồng phát triển, chống lại sâu hại và dịch bệnh. Tuy nhiên, phân bón phải được bón đúng loại, đúng liều lượng, đúng thời vụ thì mới cho ra được kết quả tốt. Đồng thời, chúng ta cũng không được lạm dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu hay là thuốc tăng trưởng để kích thích cây trồng. Điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng và sức khỏe của người tiêu dùng.
- Tam cần: Tiếp theo là “cần” trong cần cù, cần mẫn, chuyên cần. Tức là cần phải có sức lao động và sự chăm sóc kỹ càng, tỉ mỉ của người nông dân thì cây trồng mới có thể phát triển, cho kết quả tốt. Mở rộng ra, yếu tố lao động còn cần có chuyên môn và kinh nghiệm, lao động có kỹ thuật càng cao thì kết quả cho ra càng chất lượng.
- Tứ giống: Cuối cùng là hạt giống. Chất lượng hạt giống ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cây trồng sau này. Hạt giống có khỏe thì cây mới có điều kiện để phát triển. Người nông cần cần phải dựa trên yêu cầu và mục đích của mình để tiến hành chọn lựa hạt giống sao cho phù hợp.
Qua phân tích trên có thể thấy, đây là 4 yếu tố bổ trợ cho nhau và không thể tách rời. Cần phải có sự phối hợp cả bốn yếu tố trên để tạo nên những loại cây trồng có năng suất và chất lượng tốt.Câu tục ngữ giúp chúng ta nhận thức được tầm quan trọng của các yếu tố này trong sản xuất nông nghiệp.
Câu tục ngữ "Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống" đã được kiểm nghiệm qua thực tế sản xuất nông nghiệp của cha ông ta từ bao đời nay. Câu tục ngữ này vẫn còn nguyên giá trị trong sản xuất nông nghiệp hiện đại.
Chính sách Nhà nước về hoạt động trồng trọt như thế nào?
Căn cứ theo Điều 4 Luật Trồng trọt 2018 quy định về chính sách Nhà nước về hoạt động trồng trọt như sau:
(1) Nhà nước đầu tư cho các hoạt động sau đây:
- Thống kê, điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động trồng trọt; thông tin và dự báo thị trường; xây dựng chiến lược phát triển trồng trọt; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về hoạt động trồng trọt;
- Xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho tổ chức khoa học và công nghệ công lập phục vụ nghiên cứu chính sách, nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực trồng trọt;
- Hoạt động khoa học và công nghệ quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 6 Luật Trồng trọt 2018;
- Đào tạo nguồn nhân lực về khuyến nông cho vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
(2) Trong từng thời kỳ và khả năng của ngân sách nhà nước, Nhà nước hỗ trợ cho các hoạt động sau đây:
- Liên kết sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, canh tác hữu cơ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng; canh tác trên vùng đất dốc, đất trũng, đất phèn, đất mặn, đất cát ven biển, đất có nguy cơ sa mạc hóa, hoang mạc hóa; phát triển vùng nguyên liệu phục vụ nhà máy chế biến; quản lý vùng trồng và truy xuất nguồn gốc;
- Hoạt động khoa học và công nghệ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 6 Luật Trồng trọt 2018;
- Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, hoạt động chứng nhận sản phẩm cây trồng;
- Xây dựng cơ sở hạ tầng, phân tích, đánh giá điều kiện sản xuất ban đầu trong trồng trọt, đánh giá nông hóa, thổ nhưỡng phục vụ sản xuất hàng hóa tập trung; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ bảo quản, chế biến; sản xuất phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học; canh tác hữu cơ; cơ giới hóa; phòng thử nghiệm quốc gia và kiểm nghiệm liên phòng quốc tế;
- Sản xuất lúa theo quy hoạch;
- Sản xuất giống siêu nguyên chủng, giống nguyên chủng, giống bố mẹ để sản xuất hạt lai F1, giống gốc và giống thương phẩm mới; phục tráng giống cây trồng đặc sản, giống cây trồng bản địa; duy trì cây đầu dòng; bảo vệ và phát triển vườn cây đầu dòng; nhập khẩu giống mới, chuyển nhượng bản quyền đối với giống cây trồng;
- Xây dựng chợ đầu mối sản phẩm cây trồng; xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm cây trồng;
- Khôi phục sản xuất trong trường hợp bị thiên tai, dịch bệnh;
- Đào tạo nguồn nhân lực; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, khuyến nông trong trồng trọt.
(3) Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư cho hoạt động quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 4 Luật Trồng trọt 2018 và các hoạt động sau đây:
- Hợp tác, liên kết trong nghiên cứu phát triển, kinh doanh, cung cấp dịch vụ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và hoạt động liên quan trong trồng trọt;
- Xã hội hóa dịch vụ công trong trồng trọt; nâng cao năng lực hoạt động đánh giá sự phù hợp;
- Bảo hiểm nông nghiệp trong trồng trọt;
- Canh tác hữu cơ, canh tác kết hợp du lịch sinh thái, bảo vệ cảnh quan, văn hóa, lịch sử ở khu vực nông thôn;
- Sử dụng phân bón hữu cơ.
Tóm lại: Câu tục ngữ "Nhất nước nhì phân tam cần tứ giống" liệt kệ 04 yếu quan trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp là: nước, phân, cần, giống.Trong đó, nước là yếu tố quan trọng nhất, quyết định đến sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Phân và cần là những yếu tố quan trọng tiếp theo, góp phần giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Giống là yếu tố quan trọng cuối cùng, giúp cây trồng có năng suất cao.
Theo đó, liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, tại Luật Trồng trọt 2018 pháp luật cũng có quy định về chính sách của Nhà nước về hoạt động trồng trọt được trình bày cụ thể như trên.