VPLS THỦY ANH
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******
|
Số: 104/2014/TV-TA
|
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 4năm 2014
|
Kính gửi: BAN QUẢN TRỊ NHÀ CHUNG CƯ
KHU CĂN HỘ CAO TẦNG 584
Văn phòng Luật sư Thủy Anh chúng tôi có nhận được yêu cầu giài thích pháp luật liên quan đến bài viết của ông Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, bài được đăng trên website của Công ty luật Đại Việt; nhan đề “Xác định sở hữu tầng hầm nhà chung cư”; yêu cầu của Ban quản trị là xem xét: Liệu tầng hầm chung cư 584 mà quý Ban quản trị đang trong tiến trình tiếp nhận có phải trong tình trạng pháp lý mập mờ như bài viết của Luật sư Tuấn hay không?
1. Trước hết, chúng tôi đã đọc bài viết của ông Luật sư Tuấn. Bài viết rất rõ ràng, viện dẩn pháp luật chính xác, xin cám ơn tác giả đã đóng góp một tiếng nói chung để xây dựng hệ thống pháp lý minh bạch. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ kiến nghị của ông ở cuối bài viết.
Tuy nhiên có hai ý kiến mong góp nhặt thêm hầu làm sáng rõ bức tranh “tầng hầm nhà chung cư” để quý Ban quản trị , Luật sư Tuấn và công luận rộng đường suy xét. Hai ý kiến này được viết ở phần thứ ba sau đây.
2. Kế đến, phần thứ hai, tôi xin nhắc lại vài sự kiện pháp lý mấu chốt liên quan đến Tòa chung cư 584 của quý Ban quản trị, như sau:
- Dự án Nhà chung cư căn hộ cao tầng 584 được duyệt dự án và khởi công xây dựng năm 2005;
- Được Chủ đầu tư cho rằng đã chào bán từ năm 2005 đến 2007; và trong tất cả các hợp đồng không có sự thỏa thuận về việc tầng hầm, có công năng là nơi để xe, là phần diện tích chung của tất cả các chủ sở hữu căn hộ hay là phần diện tích riêng của chủ đầu tư Công ty 584.
- Dự án hoàn thành và bàn giao căn hộ cho cư dân từ tháng 9/2007;
- Tháng 8/2008, dự án hoàn công;
- Tháng 9/2010, các chủ sở hữu căn hộ được cấp Giấy chứng nhận QSD đất QSH nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
- Năm 2014, Ban quản trị nhà chung cư được thành lập. Trong quá trình chuyển giao, Chủ đầu tư tuyên bố không giao tầng hầm vì cho rằng: Năm 2005, lúc Công ty khởi công đã có ý định là giữ lại tầng hầm, nên không hạch toán vào giá thành khi bán, sau đó pháp luật có nhiều quy định chồng chéo, đến nay vẫn còn mập mờ nên Công ty kiên quyết không trả tầng hầm cho đến khi có quyết định của Tòa án.
3. Ngoài ý kiến pháp lý của ông Luật sư Tuấn như dẩn trên, tôi xin nêu thêm hai ý:
3.1 Ngoài các quy định pháp lý như:
Điều 225 Bộ Luật dân sự 2005 về Sở hữu chung nhà chung cư (hiệu lực ngày 01/01/2006); Điều 70 Luật nhà ở (có hiệu lực 01/07/2006); Đoạn 2, điểm b, khoản 3, điều 22 về “Nguyên tắc mua bán nhà, công trình xây dựng” Luật kinh doanh bất động sản (hiệu lực ngày 15/07/2006) mà ông Tuấn đã dẩn trong bài còn có các quy định sau đây:
Điều 239. Bộ luật dân sự 1993 về “Sở hữu chung trong nhà chung cư”
1- Phần diện tích, trang thiết bị dùng chung trong nhà chung cư thuộc sở hữu chung của tất cả chủ sở hữu các căn hộ trong nhà đó và không thể phân chia.
(có hiệu lực từ ngày 01/07/1996 đến ngày 01/01/2006)
Đoạn 4, đoạn 5 điều 3, quy chế sử dụng nhà chung cư ban hành kèm quyết định 10/2003/QĐ-BXD: “ 4."Phần sở hữu riêng" trong nhà chung cư bao gồm phần diện tích bên trong căn hộ (bao gồm cả diện tích ban công, lô gia gắn liền với căn hộ đó); phần diện tích khác như: cửa hàng, ki-ốt, siêu thị, văn phòng và những phần khác được công nhận là sở hữu riêng theo quy định của pháp luật;
5. "Phần sở hữu chung" trong nhà chung cư bao gồm phần diện tích còn lại (trừ phần diện tích thuộc sở hữu riêng nêu tại khoản 4 Điều này); phần không gian và hệ thống kết cấu chịu lực, trang thiết bị kỹ thuật dùng chung trong nhà chung cư (khung cột, tường, sàn, mái, sân thượng, hành lang, cầu thang bộ, thang máy, đường thoát hiểm, lồng xả rác, hộp kỹ thuật, nơi để xe; hệ thống cấp điện, nước, ga, thông tin liên lạc, phát thanh, truyền hình, thoát nước, bể phốt, thu lôi, cứu hoả...); hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà gắn với nhà chung cư đó;”
(Có hiệu lực từ 11/05/2003 đến 26/06/2008)
Đoạn 4, đoạn 5 điều 3, quy chế sử dụng nhà chung cư ban hành kèm Quyết định 08/2008/QĐ-BXD: “5. "Phần sở hữu riêng" trong nhà chung cư bao gồm:
a) Phần diện tích bên trong căn hộ, bao gồm cả diện tích ban công, lôgia gắn liền với căn hộ đó;
b) Phần diện tích khác trong nhà chung cư được công nhận là sở hữu riêng theo quy định của pháp luật;
c) Hệ thống trang thiết bị kỹ thuật sử dụng riêng gắn liền với căn hộ, phần diện tích thuộc sở hữu riêng.
6. "Phần sở hữu chung" trong nhà chung cư bao gồm:
a) Phần diện tích nhà còn lại của nhà chung cư ngoài phần diện tích thuộc sở hữu riêng quy định tại khoản 5 Điều này;
b) Không gian và hệ thống kết cấu chịu lực, trang thiết bị kỹ thuật dùng chung trong nhà chung cư, gồm khung, cột, tường chịu lực, tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ, sàn, mái, sân thượng, hành lang, cầu thang bộ, thang máy, đường thoát hiểm, lồng xả rác, hộp kỹ thuật, nơi để xe, hệ thống cấp điện, nước, ga, thông tin liên lạc, phát thanh, truyền hình, thoát nước, bể phốt, thu lôi, cứu hoả và các phần khác không thuộc sở hữu riêng của căn hộ nào;
c) Hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài nhưng được kết nối với nhà chung cư đó.”
(Có hiệu lực từ 26/06/2008)
Như vậy cho thấy, quy định về sở hữu chung riêng trong nhà chung cư (quy định tầng hầm là nơi để xe và thuộc sở hữu chung) có từ trước rất lâu (1995, 2003) so với thời điểm mà dự án nhà Chung cư 584 được phê duyệt và khởi công (2005). Không ai, không tổ chức nào có quyền nói: “Tôi không biết Luật, tôi chỉ nghĩ rằng, tôi đã tính rằng...!!!”
Và các quy định ấy thống nhất, được kế tục (2006, 2008) chứ không có gì thay đổi.
Ít nhất là cho đến khi Công ty 584 ký kết tất cả các Hợp đồng bán căn hộ (2007);
Ít nhất là cho đến khi Công ty 584 bàn giao tất cả các căn hộ (2007);
Ít nhất là cho đến khi Nhà nước cấp các giấy chứng nhận sở hữu cho các chủ căn hộ (9/2010);
Và, theo tôi, vẫn thống nhất cho đến hiện nay.
3.2 Khi Nghị định 71/2010/NĐ-CP được ban hành, liệu ý nghĩa pháp lý của “tầng hầm, nơi để xe” của chung cư 584 có trở nên “mập mờ”?
Tác giả bài viết cho rằng: “Đối với những trường hợp đã ký hợp đồng mua bán trước khi có Nghị định số 71/2010/NĐ-CP, vì không ghi nhận nội dung này, nên sẽ tiếp tục bế tắc về đỏi hỏi quyền sở hữu”.
Tôi lại có ý khác: Nghị định 71 ban hành vào tháng 06 năm 2010, có hiệu lực ngày 08/08/2010 chỉ có tác động điều chỉnh những hành vi pháp lý từ ngày 08/08/2010 trở về sau mà thôi. Những hành vi dân sự xác lập tại một thời điểm được điều chỉnh bằng các quy định đang có hiệu lực thi hành vào thới điểm ấy. Ngay cả khi, các quy định này đã bị Nghị định 71 bãi bỏ sau đó.
Chính thuộc tính bất hồi tố của Pháp luật đảm bảo cho tính ổn định của các giao dịch dân sự; không ai dám ký kết 1 thỏa ước mà lại phải phập phòng không biết rồi đây Luật có thay đổi và quyền lợi của mình được xác lập ngày hôm nay sẽ trôi về đâu!?
Diện tích tầng hầm của Chung cư 584, có công năng là nơi để xe, thuộc sở hữu chung của bà con cư dân, những chủ sở hữu căn hộ đã được xác lập:
· Ngay khi quý khách hàng mua căn hộ ký vào hợp đồng mà không có một thỏa thuận riêng nào về việc tầng hầm là của Chủ đầu tư;
· Ngay khi Công ty 584 bàn giao căn hộ cho khách hàng mà không hề có yêu cầu gì, tức là mặc nhiên tuân thủ pháp luật tại thời điểm ấy.
Khi quyền sở hữu chung đã được thiết lập thì không có bất kỳ thay đổi nào của Luật có thể biến “tầng hầm để xe” thành của riêng Chủ đầu tư Công ty 584.
(Quyền sở hữu được xác lập rồi, nên không cần “đòi hỏi” do đó cũng không “bế tắc”; ở Chung cư 584 đó chỉ là vấn đề chiếm giữ trái pháp luật mà thôi!)
Mong rằng những phân tích của tôi đủ rõ ràng để Ban quản trị có cách giài quyết đúng đắn cho công việc trước mắt. Sau đây tôi chỉ có ý kiến riêng về mặt lý luận: Quy định của Điều 49, Nđ 71 có mập mờ không?
Quy định về nơi đề xe tại NĐ 71 phải được hiều là: Kể từ ngày 08/08/2010, đối với nơi để xe hơi, các bên tham gia giao dịch có quyền tự thỏa thuận về sở hữu chung riêng. (Chủ đầu tư thể hiện ý chí trong giao dịch bằng cách quy định rõ trong hợp đồng đây là diện tích riêng của Chủ đầu tư, không bán; Người mua căn hộ thể hiện quyền tự do ký kết mua hay không ký mua một căn hộ trong một dự án như thế). Quy định như vậy, Điều 49 NĐ71 của Chính phủ mở rộng quy định của điều70 Luật nhà ở của Quốc hội; việc đó là trái với các quy định về Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nó đương nhiên không được tôn trọng. Có thể xảy ra tình huống, các bên đồng ý ký kết 1 thỏa thuận rằng nơi để xe hơi là của riêng 1 bên; và vì có thỏa thuận, nên theo Luật dân sự, nó trở nên Luật của hai bên và không trái với các quy định khác, như vậy là ổn cả! Nhưng nếu hai bên lại không thỏa thuận gì về việc nơi để xe hơi là của bên nào, thì vẫn phải áp dụng Luật nhà ở chứ không phải NĐ71! Cách tốt nhất là Chính phủ tự bãi bỏ phần này; nếu không, khi có tranh chấp Tòa án cũng sẽ không chấp nhận giải quyết tranh chấp nơi để xe theo hướng của NĐ71. Theo tôi, chẳng có Luật mập mờ, hoặc nó đúng thì tôn trọng; hoặc nó sai thì không thể thi hành! Rõ ràng là thế!
Kính chào và cám ơn vì quan tâm bài viết của tôi!
Luật sư Ngô Thị Hoàng Anh VĂN PHÒNG LUẬT SƯ THỦY ANH,