Không phải theo kinh nghiệm của Luật sư mà theo kinh nghiệm của toàn thế giới thì hình như phải vài tỉ người mới có thể có 1 trường hợp trùng dấu vân tay ! Chính vì tỷ lệ quá nhỏ đó mà việc lưu giữ dấu vân tay trong hồ sơ quản lý con người được đa số các quốc gia trên thế giới áp dụng.
Khi vụ án còn giải quyết ở cấp sơ thẩm và phúc thẩm, pháp luật qui định đương sự có nghĩa vụ phải cung cấp chứng cứ cho Toà, nếu không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ thì phải chịu hậu quả về sự cung cấp chứng cứ của mình. Đáng tiếc là bạn đã không cung cấp được chứng cứ của mình ở 2 cấp toà có quyền xét xử đó nên phải nhận hậu quả là Toà tuyên cho phía bên kia thắng kiện và án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật. Bây giờ bạn xin kháng nghị ở cấp GĐT, vì đó không phải là cấp xét xử nên bạn đâu thể khi có yêu cầu gì mới hay rút bỏ yêu cầu, cũng như cung cấp thêm chứng cứ này, rút lại chứng cứ kia là cứ đến gặp Thẩm phán hay Thư ký Toà án nộp đơn, nộp chứng cứ rồi nhận biên nhận là coi như Toà phải xem xét yêu cầu mới của bạn. Ngắn gọn là nếu người có thẩm quyền kháng nghị xem chứng cứ mới của bạn có giá trị để ra kháng nghị thì bạn nhờ, nhược bằng ngược lại thì bạn phải chịu, lổi không phải do Toà mà là do bạn không cung cấp được chứng cứ ở giai đoạn Toà có nhiệm vụ xét xử. Chuyện này na ná như mình hoàn toàn đúng nhưng quá thời hiệu mới khởi kiện nên bị Toà bác đơn thì không thể vu rằng Toà đã không bênh vực lẽ phải.
Như bạn trình bày, hai cấp Toà Sơ và Phúc thẩm đều nhận định bạn không xuất trình được giấy biên nhận đặt cọc tiền nên việc bạn khẳng định mình có mua nhà là không cơ sở, từ đó Toà quyết định giao lại nhà cho người mà bạn cho rằng đã bán nhà cho mình. Bây giờ bạn tìm được giấy biên nhận đặt cọc tiền thì chứng cứ này có giá trị "bằng vàng" chứ sao lại không quan trọng ? Đó là chứng cứ làm thay đổi hoàn toàn bản chất của vụ án : từ chổ không phải người đã mua nhà, bạn trở thành là người đã mua nhà, chắc chắn nó phải được người có thẩm quyền kháng nghị xem xét cẩn thận. Hơn nữa, trong hợp đồng mua bán nhà, Công chứng viên thường có ghi câu : Việc giao nhận tiền giữa hai bên được viết bằng biên nhận và nằm ngoài sự chứng kiến của Công chứng viên, hiểu là sau khi có Hợp đồng công chứng, việc thanh toán tiền giữa hai bên chỉ cần làm giấy biên nhận là được, khỏi phải công chứng hay chứng thực chữ ký cho nên giấy biên nhận đặt cọc của bạn chỉ có chữ ký và dấu vân tay của hai bên là không sai pháp luật nên giấy này có giá trị.
Sau khi có kháng nghị tái thẩm ( đối với trường hợp của bạn ), Hội đồng tái thẩm sẽ huỷ bản án có hiệu lực pháp luật để yêu cầu xét xử sơ thẩm lại từ đầu ( khoản 2 điều 309 BLTTDS ) và bắt đầu từ đó bạn có quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của 1 đương sự theo qui định của pháp luật tố tụng dân sự, gồm cả quyền yêu cầu Thẩm phán toà sơ thẩm quyết định trưng cầu giám định chứng cứ của mình nếu thấy cần thiết.
Tôi đã tư vấn quá cặn kẽ, vấn đề của bạn là bạn có biết cách thực hiện sao cho hiệu quả nhất cho mình hay không.