(Thanh tra) - Ban đầu chỉ là vụ kiện “đòi nợ” giữa mẹ con bà Trần Thị Bích Ngọc và bà Nguyễn Thị Phú Mỹ, sau đó trở thành vụ kiện “tranh chấp tài sản chung” giữa 2 đương sự trên với ông Trương Văn Chiến (người mua nhà 77 Lê Đình Lý, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng).
Đến nay, sau 5 lần xét xử (có tới 2 lần Viện KSND Tối cao ra kháng nghị) vụ án vẫn chưa kết thúc. Ủy ban Tư pháp (Quốc hội Khoá XII) đã có văn bản gửi TAND Tối cao và Viện KSND Tối cao xem xét lại …!
Mua nhà đúng pháp luật
Ngày 10/9/2007, ông Chiến cùng ông Nguyễn Hữu Vành và Nguyễn Hữu Đấu hùn vốn mua nhà 77 Lê Đình Lý (LĐL) với giá 2,9 tỷ đồng. Ngôi nhà này do vợ chồng bà Mỹ đứng tên “sổ đỏ”, do UBND quận Thanh Khê cấp và được Phòng Công chứng số 3 chứng thực hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhà đất. Đến ngày 03/11/2007, cả ông Vành và ông Đấu đồng ý chuyển nhượng lại tài sản trên cho ông Chiến đứng tên. Không bao lâu sau đó, bà Ngọc (Việt kiều) từ Mỹ trở về làm đơn kiện đòi nợ cũ đối với bà Mỹ. Trong khi TAND TP đang thụ lý vụ kiện, thì bà Ngọc rút đơn rồi chuyển sang kiện đòi chia tài sản chung nhà đất tại số 77 LĐL.
Trong quá trình thụ lý hồ sơ vụ kiện, nhằm đảm bảo công bằng, khách quan và quyền lợi hợp pháp giữa các bên liên quan, ngày 17/9/2007, TAND TP. Đà Nẵng có Công văn số 384 gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Công chứng số 1, 2, 3 Đà Nẵng và Phòng Tài nguyên và Môi trường Thanh Khê yêu cầu tạm dừng việc chứng nhận hợp đồng chuyển nhượng và cấp “sổ đỏ” tại số 77 LĐL cho đến khi Tòa giải quyết xong vụ án.
Đến ngày 26/10/2007, cũng chính TAND TP có Công văn số 455 gửi các cơ quan nêu trên, thu hồi Công văn số 384 trước đó, khẳng định việc chứng nhận hợp đồng và cấp “sổ đỏ”, các cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền. Nội dung trên cũng được TAND TP trả lời đơn khiếu nại của ông Chiến vào ngày 26/10/2007.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 05/6/2008, dù bà Ngọc không đưa ra chứng cứ xác đáng nào về tài sản chung và bà Mỹ chứng minh được nguồn tài sản riêng tư của mình, nhưng TAND quận Thanh Khê xử công nhận ngôi nhà trị giá hơn 4,7 tỷ đồng là tài sản chung giữa 2 mẹ con bà Ngọc và tuyên buộc bà Mỹ phải trả cho bà Ngọc hơn 3,3 tỷ đồng. Đồng thời, Tòa bác yêu cầu của bà Ngọc về hủy hợp đồng chuyển nhượng nhà đất được lập giữa bà Mỹ với ông Chiến, được Phòng Công chứng số 3 thị thực ngày 11/9/2007. Cả bà Ngọc và bà Mỹ không đồng ý với bản án sơ thẩm và cùng kháng cáo.
Ngày 15/9/2008, TAND TP đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án trên và có Bản án số 46, chấp nhận kháng cáo bà Ngọc, bác kháng cáo của bà Mỹ; tuyên hủy Hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhà đất giữa bà Mỹ với ông Chiến, buộc bà Mỹ trả cho ông Chiến 3,8 tỷ đồng; công nhận nhà đất tại 77 LĐL là tài sản chung của bà Ngọc và bà Mỹ, giao cho bà Ngọc được quyền sở hữu toàn bộ ngôi nhà trên…
Đến ngày 12/11/2008, Viện KSND TP. Đà Nẵng có văn bản đề nghị Viện KSND Tối cao kháng nghị bản án trên. Ngày 12/3/2009, Viện KSND Tối cao có Kháng nghị số 20 đối với bản án phúc thẩm của TAND TP, rồi tiếp đó kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, đều nhận định: “Quan hệ giữa bà Ngọc và bà Mỹ là quan hệ vay mượn tiền, chứ không phải chung mua đất xây nhà”. Tại giấy thỏa thuận giữa bà Ngọc và bà Mỹ còn ghi rõ: “Sau khi bán nhà, bà Mỹ phải trả cho ngân hàng 1 tỷ đồng thay cho bà Ngọc và trả cho bà Ngọc 800 triệu đồng tiền mượn mua đất xây nhà. Số tiền còn lại sau khi bán nhà, hoàn toàn thuộc quyền sử dụng của bà Mỹ”.
Ông Chiến đứng trước nguy cơ... mất nhà?
Ngày 27/5/2009, Tòa Dân sự TAND Tối cao ra Quyết định giám đốc thẩm số 215 chấp nhận Kháng nghị số 20 của Viện KSND Tối cao, tuyên hủy Bản án số 46 của TAND TP. Đà Nẵng, giao hồ sơ cho TAND TP xét xử lại.
Ngày 04/9/2009, TAND TP có Bản án số 56, cũng công nhận ông Chiến mua nhà đúng pháp luật, nhưng tiếp tục tuyên hủy Hợp đồng mua bán nhà giữa bà Mỹ và ông Chiến; buộc bà Mỹ phải trả cho ông Chiến 4,7 tỷ đồng. Bản án này tiếp tục bị kháng nghị và ngày 25/3/2011, TAND Tối cao ra Quyết định giám đốc thẩm số 224, không chấp nhận kháng nghị của Viện KSND tối cao, giữ nguyên Bản án dân sự số 56 của TAND TP. Đà Nẵng.
Như vậy, qua 5 lần xét xử và kéo dài đã 5 năm nay, vụ việc này vẫn chưa đúng với thực tế diễn biến vụ việc, gây bất bình trong dư luận. Theo nhận định của các nhà nghiên cứu luật, các phiên tòa trên đã nhầm lẫn vụ kiện “đòi nợ” giữa mẹ con bà Ngọc, không tôn trọng các chứng cứ trong hồ sơ…, dẫn đến phán quyết tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng nhà đất giữa bà Mỹ với ông Chiến một cách phi lý. Từ đó, đã đẩy ông Chiến vào cảnh “mất ăn mất ngủ” vì đứng trước nguy cơ bị cưỡng chế để giao nhà lại cho bà Ngọc.
Ông Chiến bức xúc nói: “Nếu hợp đồng chuyển nhượng giữa tôi và bà Mỹ có “vấn đề”, thì chắc chắn ông Nguyễn Văn Quận, Chánh án TAND TP. Đà Nẵng sẽ không đồng ý để cho các cơ quan chức năng chứng thực hợp đồng và cấp “sổ đỏ” cho tôi ngay từ ban đầu, chứ không để kéo dài gây mất công sức và tiền của của tôi như hiện nay”.
Ông Chiến tiếp tục kêu oan đến các cơ quan Quốc hội, Chính phủ, Viện KSND Tối cao đề nghị kháng nghị đến Hội đồng thẩm phán của TAND Tối cao… Vào ngày 12/5/2011, Ủy ban Tư pháp (Quốc hội Khóa XII) đã có Văn bản số 4917/UBTP12, do Phó Chủ nhiệm Phạm Quý Tỵ ký, gửi Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao, đề nghị xem xét, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, trả lời ông Chiến, đồng thời thông báo kết quả giải quyết đến Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
Hy vọng, lần này các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ rà soát thận trọng từng vấn đề của vụ án, từ đó có phán quyết công minh, hợp lý; để người dân tuân thủ đúng pháp luật không bị oan sai kéo dài!
Cập nhật bởi TruongVanChien ngày 11/08/2011 08:46:11 CH
Cập nhật nguồn báo