Theo thông tin bạn cung cấp thì căn chung cư vợ chồng bạn mua trong thời kỳ hôn nhân sẽ là tài sản chung của vợ chồng. Và hai bạn sẽ phải cùng đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Theo nguyện vọng của bạn, là do bạn phải đi nước ngoài công tác nên bạn muốn để vợ bạn đứng tên một mình. Mà căn chung cư này đã đứng tên hai bạn rồi nên không thể dựa trên sự thỏa thuận để cho một người đứng tên. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì:“Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.”
Do đó, chúng tôi sẽ đưa ra hai trường hợp lựa chọn như sau:
1. Trường hợp bạn không muốn sang tên để vợ đứng tên trên Giấy CNQSDĐ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất) mà muốn uỷ quyền cho vợ mình thực hiện toàn quyền các giao dịch khi căn hộ chưa được cấp Giấy CNQSD thì bạn thực hiện việc Ủy quyền bằng văn bản có công chứng, chứng thực để vợ bạn thực hiện việc hoàn thành các thủ tục xin cấp GCNQSDĐ và thực hiện các giao dịch khác. Nếu bạn muốn vợ mình đứng tên trên Hợp đồng mua bán căn hộ hoặc đứng tên trên GCNQSD Đ thì thực hiện theo trường hợp thứ hai.
2. Trường hợp phân chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, bạn muốn để vợ đứng tên thì vợ chồng bạn có thể tiến hành thủ tục chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân theo quy định tại Điều 38 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân như sau:
“1. Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật này; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
2. Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.
3. Trong trường hợp vợ, chồng có yêu cầu thì Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này.”
Sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, bạn sẽ làm văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc Hợp đồng tặng cho quyền sở hữu nhà ở của mình cho vợ bạn theo quy định tại Điều 459 Bộ luật dân sự 2015:“ Tặng cho bất động sản.
1. Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật.
2. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản”
Sau đó, bạn mang Văn bản thỏa thuận chia tài sản chung hoặc hợp đồng tặng cho quyền sở hữu nhà ở, cùng hồ sơ, giấy tờ liên quan (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, CMND, giấy đăng ký kết hôn,…) tới văn phòng đăng ký quyền sở hữu nhà ở ở địa phương để tiến hành thủ tục đăng ký quyền sở hữu nhà ở dưới tên vợ bạn. Nếu bạn có thắc mắc hay vấn đề gì để làm sáng tỏ thì hãy liên lạc trực tiếp điện thoại với tôi để được tư vấn cụ thể hơn.
Luật sư: Vũ Văn Toàn - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội; Điện thoại: 0978 99 4377
Website: https://myskincare.vn ; https://tplgiabinh.blogspot.com ; Email: luatsuvutoan@gmail.com.