Nội dung thỏa thuận bí mật kinh doanh
Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh. Đây được xem là một yếu tố vô cùng quan trọng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp.
Ngày 12/11/2020, Bộ LĐTBXH ban hành Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH (có hiệu lực ngày 01//01/2021) hướng dẫn Bộ luật Lao động về nội dung của hợp đồng lao động, Hội đồng thương lượng tập thể.
Theo đó, khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận với người lao động về nội dung bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ trong hợp đồng lao động hoặc bằng văn bản khác theo quy định của pháp luật.
Tại Điều 4 Thông tư quy định thỏa thuận về bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ có thể gồm những nội dung chủ yếu sau:
- Danh mục bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;
- Phạm vi sử dụng bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;
- Thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;
- Phương thức bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;
- Quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động trong thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;
- Xử lý vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ.
Khi phát hiện người lao động vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ thì người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động bồi thường theo thỏa thuận của hai bên.
Đối với bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ thuộc danh mục bí mật nhà nước thì thực hiện theo quy định về pháp luật bảo vệ bí mật nhà nước.
Thỏa thuận về bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ là quy định mới theo Bộ luật lao động 2019. Trước đó, ở nội dung hướng dẫn của Bộ luật lao động 2012 không có quy định chi tiết về vấn đề này.