Trọng nam khinh nữ là gì? Công ty trọng nam khinh nữ trong công việc thì bị phạt thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #612028 28/05/2024

    longtrieu123123

    Sơ sinh

    Vietnam
    Tham gia:28/03/2024
    Tổng số bài viết (4)
    Số điểm: 20
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 0 lần


    Trọng nam khinh nữ là gì? Công ty trọng nam khinh nữ trong công việc thì bị phạt thế nào?

    Trọng nam khinh nữ là gì? Công ty có hành vi trọng nam khinh nữ trong công việc thì bị xử phạt thế nào?

    1. Trọng nam khinh nữ là gì?

    Trọng nam khinh nữ (thuật ngữ tiếng anh là Sexism) là một hệ thống tư tưởng có từ thời xưa tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là dưới thời phong kiến. Ngay cả trong thế kỷ 21, khi mà quyền con người và sự công bằng được đề cao, những con người hiện đại, văn minh vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi quan niệm lạc hậu này.

    “Nam” và “nữ” là đại diện cho hai giới tính khác nhau trong xã hội. Còn “trọng” là sự ưu ái, coi trọng. Ngược lại, “khinh” là sự khinh thường, thiếu tôn trọng,... Những từ này được đặt xen kẽ trong câu tạo thành một tư tưởng về sự phân biệt giới tính. Theo đó, vai trò nam giới được đề cao, coi trọng hơn so với nữ giới trong mọi khía cạnh của đời sống xã hội.

    Đây từng là một hệ thống tư tưởng tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là dưới chế độ phong kiến. Mặc dù hiện nay quyền phụ nữ được công nhận nhưng hệ thống tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn ở một số nước. Trọng nam khinh nữ là một lối tư tưởng sai lệch nhằm phân biệt đối xử dựa trên giới tính, trong đó coi nam giới quan trọng hơn phụ nữ. Đây là quan niệm cổ hủ, lạc hậu đáng bị lên án và xóa bỏ ngay lập tức. 

    Mặc dù quan niệm “Trọng nam khinh nữ” không phổ biến trong xã hội hiện nay nhưng nó vẫn là ngọn lửa nhỏ cháy âm ỉ trong các gia đình qua nhiều thế hệ. Vì vậy, quan niệm này cần phải được xóa bỏ ngay lập tức để đảm bảo một xã hội văn minh, hiện đại và công bằng.

    2. Công ty có hành vi trọng nam khinh nữ trong công việc thì bị xử phạt thế nào?

    Tại khoản 8 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 có giải thích về hành vi phân biệt đối xử trong lao động là hành vi phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên dựa trên chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia hoặc nguồn gốc xã hội, dân tộc, giới tính, độ tuổi, tình trạng thai sản, tình trạng hôn nhân, tôn giáo, tín ngưỡng, chính kiến, khuyết tật, trách nhiệm gia đình hoặc trên cơ sở tình trạng nhiễm HIV hoặc vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có tác động làm ảnh hưởng đến bình đẳng về cơ hội việc làm hoặc nghề nghiệp.

    Như vậy, trọng nam khinh nữ được xem là hành vi phân biệt giới tính do đó nó một trong những hành vi được xem là phân biệt đối xử trong lao động.

    Đồng thời, tại khoản 1 Điều 8 Bộ luật Lao động 2019 có quy định các hành vi bị cấm trong lao động trong đó bao gồm hành vi phân biệt đối xử trong lao động.

    Như vậy, trường hợp công ty có hành vi phân biệt đối xử trong lao động là vi phạm vào những hành vi bị cấm trong lao động. Do đó, mức phạt đối với công ty trong trường hợp này được quy định như sau:

    Theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

    - Phân biệt đối xử trong lao động trừ các hành vi phân biệt đối xử quy định tại điểm d khoản 1 Điều 13, khoản 2 Điều 23, khoản 1 Điều 36 và khoản 2 Điều 37 Nghị định 12/2022/NĐ-CP;

    - Sử dụng lao động chưa qua đào tạo hoặc chưa có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với nghề, công việc phải sử dụng lao động đã được đào tạo hoặc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia;

    - Không báo cáo tình hình thay đổi về lao động theo quy định;

    - Không lập sổ quản lý lao động hoặc lập sổ quản lý lao động không đúng thời hạn hoặc không đảm bảo các nội dung cơ bản theo quy định pháp luật.

    Theo đó, trường hợp người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử trong lao động thì sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

    Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt quy định trên đây là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

    Ngoài ra, theo tại Điều 8 Nghị định 125/2021/NĐ-CP cũng có quy định về các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới liên quan đến lao động quy định:

    - Phạt cảnh cáo đối với hành vi vận động, xúi giục người khác lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp theo định kiến giới.

    - Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

    + Phân biệt đối xử về giới trong bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động;

    + Ép buộc hoặc nghiêm cấm người khác lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp vì định kiến giới;

    + Phân biệt đối xử về giới trong phân công công việc dẫn đến chênh lệch về thu nhập;

    + Từ chối tuyển dụng hoặc tuyển dụng hạn chế người lao động thuộc một giới tính nhất định.

    - Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi đặt ra và thực hiện các quy định, quy chế có sự phân biệt đối xử về giới.

    - Các hành vi vi phạm quy định riêng đối với lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới bị xử phạt theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

    - Biện pháp khắc phục hậu quả:

    + Buộc khôi phục lại quyền lợi hợp pháp của người bị xâm phạm đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 125/2021/NĐ-CP;

    + Buộc sửa đổi hoặc bãi bỏ các quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức, cá nhân có sự phân biệt đối xử về giới đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 125/2021/NĐ-CP.

    Theo đó, trường hợp người sử dụng lao động có hành vi vi phạm trong lĩnh vực bình đẳng giới liên quan đến lao động thì sẽ bị xử phạt bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

    Tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 125/2021/NĐ-CP cũng quy định mức phạt quy định trên đây là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

    Như vậy, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể của hành vi trọng nam khinh nữ trong công việc mà có mức phạt tiền khác nhau và mức phạt đối với công ty có hành vi trọng nam khinh nữ trong công việc có thể là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.

     
    2693 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận