Công nghiệp 4.0 là một từ khoá xuất hiện từ năm 2013, nói về chiếc lược công nghệ cao, điện toán hoá ngành sản xuất mà không cần con người. Hiện nay, Công nghiệp 4.0 đang rất phổ biến, trở thành chủ đề được bàn luận, và trong số đó trí tuệ nhân tạo đang được thí nghiệm và phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới. Gần đây nhất, trí tuệ nhân tạo đã đánh bại kỳ thủ cờ vây số 1 thế giới, một môn thể thao đòi hỏi trí tuệ cao. Và theo nghiên cứu của các nhà khoa học, sắp tới, các công việc trên thế giới sẽ có đợt đào thải, trí tuệ nhân tạo sẽ dần thay thế các công việc của con người, trí tuệ nhân tạo phát triển đồng nghĩa với việc nạn thất nghiệp cũng gia tăng. Nhưng điều đáng lưu ý ở đây, trí tuệ nhân tạo có thể làm các công việc yêu cầu chất xám cao như ngành Luật không? Có cũng đúng mà không cũng không sai. Mấu chốt của vấn đề, trí tuệ nhân tạo có thể làm một số công việc của một Luật sư, Thẩm phán,…. có thể làm, có thể thay thế một Luật sư, Thẩm phán,… trong các công việc yêu cầu trí nhớ và sự tính toán, nhưng không thể thay thế hoàn toàn một Luật sư, Thẩm phán,…. trong vai trò tranh tụng, đặc biệt là ở công việc mà chúng ta cần cả sự hợp tình lẫn hợp lý. Về mặt thuật toán, một Robot có thể lưu trữ hàng triệu dữ liệu và trích xuất dữ liệu, dò tìm thông tin trong 1 - 2 giây, đưa ra kết quá chính xác gần như là tuyệt đối. Trong khi đó, luật sư sẽ phải mất trung bình một vài phút để nhớ hoặc tìm ra vấn đề được quy định tại đâu trong các văn bản luật. Và tất nhiên, tỉ lệ chính xác sẽ thấp hơn rất nhiều so với Robot. Nhưng tình huống trong cuộc sống này là muôn hình vạn trạng, chuyện gì cũng có thể xảy ra, không một ai có thể lập trình đầy đủ mọi tình huống có thể có vào trong một bộ nhớ nhân tạo, để nó đưa ra đáp án khi sự việc đó diễn ra. Và đây là lợi thế của một vị luật sư, một vị thẩm phán…. Họ có sự tư duy, có sự ứng biến, và cái quan trọng là cái tình. Họ là những người sống và làm việc tại các cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, khu dân cư nên có kinh nghiệm trong hoạt động xã hội, có vốn kiến thức thực tế phong phú, có mối quan hệ mật thiết với nhân dân, vì vậy họ hiểu rõ tình hình, hoàn cảnh, nguyên nhân của các vụ án. Đây là điều mà một Trí tuệ nhân tạo cho dù tân tiến đến đâu cũng không thể làm được. Vậy thì còn điều gì để khẳng định rằng, trí tuệ nhân tạo sẽ không thể thay thế hoàn toàn một vị Luật sư, một Thẩm phán,….nữa hay không? Hay thật sự những gì tôi nêu ra ở trên, trong một tương lai xa, trí tuệ nhân tạo sẽ hoàn thiện và thực hiện nốt những vấn đề mà giờ đây, trí tưởng tượng của chúng ta còn chưa vươn tới và hoàn toàn thay thế, ngồi ở vị trí thẩm phán và đưa ra lời phán xét cho loài người.
Cập nhật bởi tuantulaw ngày 24/12/2017 02:36:14 CH
Cập nhật bởi tuantulaw ngày 24/12/2017 02:25:55 CH