Liên quan đến vụ việc tranh chấp quyền tác giả của bài thơ "Tổ quốc gọi tên" giữa bà Nguyễn Phan Quế Mai và ông Ngô Xuân Phúc. Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Đại diện công ty luật Newvision đưa ra những phân tích như sau:
Liên quan đến vụ việc tranh chấp quyền tác giả của bài thơ "Tổ quốc gọi tên" giữa bà Nguyễn Phan Quế Mai và ông Ngô Xuân Phúc cho tới thời điểm này vẫn chưa có phán quyết cuối cùng. Theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – (đại diện Công ty Luật NewVison), thì việc giải quyết tranh chấp về tác giả bài thơ “ Tổ quốc gọi tên” liên quan đến quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, thuộc thẩm quyền của tòa án, căn cứ dựa vào theo thông tư số: 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP Hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ tại Toà án nhân dân , theo đó theo điểm a khoản 1 phần I của thông tư này cũng quy định rõ về tranh chấp giữa cá nhân với cá nhân về quyền tác giả đối với tác phẩm văn học thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân theo khoản 1 điều 25 và khoản 2 điều 29 bộ luật tố tụng dân sự.
Bài thơ “Tổ quốc gọi tên” hiện nay chưa được đăng ký quyền tác giả tại Cục Bản quyền tác giả cho nên đã dẫn đến tranh chấp. Bài thơ Tổ quốc gọi tên xuất hiện lần đầu trên báo chí năm 2011 với tên tác giả Nguyễn Phan Quế Mai. Bài thơ được Đinh Trung Cẩn phổ nhạc, trở thành bài hát nổi tiếng. Tác phẩm sau đó được đưa vào tập thơ Tổ quốc gọi tên mình của Nguyễn Phan Quế Mai (Nhà xuất bản Phụ Nữ phát hành tháng 7/2015). Tháng 10/2015, ông Ngô Xuân Phúc (Nghệ An) lên tiếng ông chính là tác giả của bài thơ.
Ảnh bài thơ Tổ quốc gọi tên
Để biết ông Ngô Xuân Phúc hay bà Nguyễn Phan Quế Mai là tác giả thực sự của bài thơ này, theo ý kiến của Luật sư Nguyễn Văn Tuấn ông Phúc và bà Mai phải nêu ra được chứng cứ để chứng minh quyền tác giả đối với bài thơ “Tổ Quốc gọi tên”. Theo Điều 80 Bộ luật tố tụng dân sự quy định thì chứng cứ được thu thập từ: Các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được; Các vật chứng lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng; Kết luận giám định; Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ; Tập quán; Kết quả định giá tài sản; Các nguồn khác mà pháp luật có quy định. Trong vụ việc dân sự nếu đương sự có yêu cầu Toà án bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của mình thì đương sự có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho Toà án để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ, là hợp pháp. Trong trường hợp đương sự không cung cấp được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì đương sự phải chịu hậu quả về việc không chứng minh được hoặc chứng minh không đầy đủ (Điều 58, Điều 79 Bộ luật tố tụng dân sự).
Như vậy, theo Luật sư Tuấn, ông Ngô Xuân Phúc và bà Nguyễn Phan Quế Mai nên đưa vụ việc ra Tòa án giải quyết và cung cấp chứng cứ để chứng minh quyền hợp pháp của mình, để sớm sáng tỏ được tác giả thực sự của bài thơ “Tổ quốc gọi tên” này. Luật sư Tuấn cũng nhấn mạnh việc đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm của mình tại Cục bản quyền tác giả là hết sức cần thiết, góp phần tránh sự sao chép từ người khác, đồng thời cũng hạn chế những tranh chấp về quyền tác giả không đáng có.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn
(Công ty TNHH NewVision Law)