Tranh chấp giữa VVF và Seabank

Chủ đề   RSS   
  • #229927 29/11/2012

    anhtt007
    Top 500
    Male


    Cần Thơ, Việt Nam
    Tham gia:04/04/2011
    Tổng số bài viết (121)
    Số điểm: 1732
    Cảm ơn: 38
    Được cảm ơn 106 lần


    Tranh chấp giữa VVF và Seabank

    Hé lộ "cuộc chiến 150 tỷ" quanh chứng thư bảo lãnh của SeABank


    SeABank khẳng định không chịu trách nhiệm về việc bảo lãnh phát hành 150 tỷ đồng trái phiếu trái phép của nguyên Phó TGĐ thì VVF cho rằng, thương vụ này là hợp lệ, SeABank phải có nghĩa vụ dân sự với hợp đồng.

    Mấy hôm nay giới tài chính đang xôn xao về vụ tranh chấp 150 tỷ đồng quanh chứng thư bảo lãnh của SeAbank, chứng thư mà SeaBank gọi là trái luật, còn Vinaconex Viettel (VVF) - đơn vị đầu tư theo chứng thư bảo lãnh này - khẳng định là nguyên giá trị.
      Một ngày sau khi Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) phát đi thông cáo liên quan đến việc bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp trái pháp luật cho một tập đoàn nước ngoài tại Việt Nam thì hôm qua (28/11) Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex - Viettel (Vinaconex - Viettel) và phía luật sư độc lập cũng đã tiến hành tổ chức họp báo để thông tin thêm về vấn đề này.

    Chứng thư bảo lãnh 150 tỷ: Người nói trái luật, kẻ nói đúng luật

    Theo đó, SeABank cho biết đã nhận được văn bản của Vinaconex - Viettel và đại diện là Văn phòng luật sư Nam Hà Nội, yêu cầu ngân hàng thực hiện nghĩa vụ của Bên bảo lãnh, thanh toán tiền gốc và lãi của số tiền 150 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp cho một tập đoàn nước ngoài tại Việt Nam phát hành ngày 19/10/2011 do bà Nguyễn Thị Hương Giang - nguyên Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc SeABank Hai Bà Trưng ký phát hành (bà Giang đã bị miễn nhiệm ngày 28/4/2012).

    Tuy nhiên, trái phiếu của tập đoàn này đã đến hạn nhưng công ty này vẫn không thực hiện việc thanh toán cả gốc và lãi cho Vinaconex - Viettel. Căn cứ thư bảo lãnh không số, phát hành ngày 24/10/2011 của SeABank, Vinaconex - Viettel (VVF) yêu cầu SeABank phải thực hiện nghĩa vụ của bên bảo lãnh.

    Trái phiếu doanh nghiệp của tập đoàn này có tổng mệnh giá 150 tỷ đồng, kỳ hạn 1 năm, lãi suất cố định 21%/năm. Và chứng thư bảo lãnh đối với đợt phát hành này được bà Lê Thu Thủy, Quyền Tổng giám đốc SeABank ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Hương Giang, Phó Tổng giám đốc ngân hàng ký.

    Tại thư bảo lãnh của SeABank, SeABank cam kết sẽ thanh toán 150 tỷ đồng cho VVF, trong trường hợp tập đoàn nói trên không thanh toán. Việc thanh toán sẽ được thực hiện trong vòng 1 ngày làm việc sau khi nhận được yêu cầu thanh toán của VVF.

    Song trong thông cáo ngày 27/11, SeABank tuyên bố, việc bà Giang ký bảo lãnh phát hành trái phiếu của tập đoàn này là không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật và quy định của SeABank. Theo đó, Hội đồng quản trị ngân hàng có quy định Tổng Giám đốc chỉ được phê duyệt, ký chứng thư bảo lãnh (bao gồm cả bảo lãnh phát hành trái phiếu) với mức tối đa không quá 30 tỷ đồng.

    Như vậy, theo lập luận của ngân hàng này, bà Giang với cương vị là Phó TGĐ được ký chứng thư bảo lãnh không quá 30 tỷ đồng. Ngoài ra, đối với các khoản vay, bảo lãnh, mở L/C có hạn mức tín dụng từ trên 30 tỷ đồng thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng tín dụng và trên 70 tỷ đồng phải được sự phê duyệt của HĐQT. Theo đó, chứng thư bảo lãnh 150 tỷ đồng nêu trên phải có sự phê duyệt của HĐQT ngân hàng.
    Tuy nhiên, đến sáng 28/11, trước báo giới, Luật sư Hoàng Thanh Sơn, đồng thời là người đại diện phát ngôn của Vinaconex - Viettel đã khẳng định, việc ủy quyền của bà Thủy cho bà Giang là phù hợp với quy định pháp luật của Luật TCTD liên quan đến quyền của TGĐ và tương đương; và hợp đồng ủy quyền này là hoàn toàn có giá trị pháp lý.

    Việc chia hạn mức chỉ liên quan đến tính chịu trách nhiệm cá nhân chứ không liên quan đến giá trị pháp lý của hợp đồng ủy quyền. Thêm nữa, việc đưa ra hạn mức bảo lãnh với cá nhân là vấn đề thuộc nội bộ ngân hàng và không liên quan tới VVF. Thực tế, không có quy định nào yêu cầu cá nhân chỉ được ký với hạn mức 70 tỷ đồng và đây chỉ là quy định mang tính chất nội bộ của phía ngân hàng.

    Phía VVF hôm nay cũng tiết lộ một tình tiết mới đó là, khoảng tháng 8/2011, một Phó TGĐ của SeABank đã mời VVF mua trái phiếu của tập đoàn nói trê, vốn là khách hàng của SeABank. Tuy nhiên, công ty không tiết lộ danh tính của vị Phó TGĐ này tại SeABank.

    Sếp nhà băng làm sai, doanh nghiệp phải chịu?

    Về câu hỏi, "ngoài phát hành bảo lãnh cho VVF, SeABank còn phát hành nhiều thư bảo lãnh "chui" cho nhiều doanh nghiệp khác. Liệu VVF có phải nạn nhân của một vụ lừa đảo hay không?", ông Sơn khẳng định, ở đây, bà Giang với tư cách Phó TGĐ SeABank đã phát hành văn bản bảo lãnh đối với VVF. Chữ ký của bà Giang là chữ ký của người nhận ủy quyền của TGĐ SeABank và dấu của hội sở.

    Do vậy, "vấn đề ở đây ai là người lừa đảo và lừa đảo như thế nào? Việc ký bảo lãnh, chuyển tiền, phát hành trái phiếu đều chuyển tiền vào tài khoản khách hàng tại SeABank nên không thể nói VVF bị bà Giang lừa đảo" - người phát ngôn VVF khẳng định. Đồng thời cho biết, việc ký kết chỉ căn cứ vào tính hợp pháp cụ thể của trường hợp này chứ không căn cứ vào những trường hợp khác.

    Ngoài ra, ông Sơn cho rằng, ngân hàng "sống bằng uy tín" và việc VVF đồng ý tham gia thương vụ này một phần căn cứ vào uy tín của SeABank, trong khi đó, tính pháp lý của cá nhân đã được giải quyết. Về nguyên tắc, TGĐ có thể ủy quyền cho bất kỳ ai để thực hiện nhiệm vụ.

    Khi được hỏi, trong khi thực hiện giao dịch, VFF đã kiểm định về tài sản của tập đoàn kia hay chưa, ông Sơn cho biết, đây là nghiệp vụ của ngân hàng, là vấn đề mà phía SeABank cần quan tâm để phòng ngừa rủi ro còn VVF chỉ dựa trên nguyên tắc chuyển khoản vào tài khoản khách hàng được mở tại SeABank, SeABank chịu trách nhiệm kiểm soát dòng tiền.

    "Có tài sản hay không, không quan trọng, quan trọng là uy tín của ngân hàng lớn. Kiểm soát nội bộ là câu chuyện thứ yếu, ngân hàng phải biết cách kiểm soát khách hàng. Khi thị trường đang đi xuống, việc đầu tư của VVF là hỗ trợ, hâm nóng thị trường, dự án tốt không có lý do gì không đầu tư và càng yên tâm khi được bảo lãnh. Ngân hàng hơn ai hết phải chịu trách nhiệm thanh toán trong trường hợp tập đoàn này không thực hiện nghĩa vụ" - ông Sơn nói.

    Liên quan tính hiệu lực của văn bản, ông Sơn cho biết, tính chịu trách nhiệm của pháp nhân khác tính chịu liên đới của cá nhân. Theo đó, bà Giang đã ký chứng thư bảo lãnh theo đúng nội dung của giấy ủy quyền, vụ việc của VVF không liên quan tới trách nhiệm cá nhân của bà Giang, mà VVF chỉ quan tâm tới trách nhiệm của SeABank.

    Trao đổi thêm với Dân trí về động thái của SeABank ngày 27/11, Luật sư của VVF cho biết, công ty chưa nhận được văn bản chính thức nào từ SeABank về vấn đề này. Ngoài ra, vị đại diện này cũng nhấn mạnh, chưa khẳng định được tính pháp lý của thông cáo báo chí trên.

    VVF cho biết, khoản đầu tư 150 tỷ đồng là khoản tiền nhỏ và nằm trong hoạt động đầu tư thông thường của VVF. Do vậy, hợp đồng này không ảnh hưởng đến hoạt động và quan hệ khách hàng của VVF cũng như của SeABank, tác động đến thị trường tài chính nói chung là không đáng kể. Công ty cho rằng, 100% sẽ thu lại được khoản tiền đầu tư gốc và lãi, ngoài ra cho rằng, đối tác "chưa thanh toán" chứ không phải là "không thanh toán".

    Trường hợp xấu nhất là đối tác không thực hiện nghĩa vụ thanh toán, ông Sơn cho biết, không quy kết trách nhiệm hình sự được đối với pháp nhân (SeABank) nhưng có thể quy kết trách nhiệm hình sự đối với cá nhân. Song trách nhiệm đối với cam kết dân sự thì pháp nhân không thể từ chối được. Mặc dù vậy, VVF vẫn đang tìm kiếm giải pháp ôn hòa với các bên liên quan để giải quyết vụ việc và khẳng định "không hề tuyên chiến với SeABank".

    Về phía SeABank, ngân hàng này cho biết, theo hồ sơ quản lý hiện tại của SeABank liên quan đến chứng thư bảo lãnh ngày 24/10/2011 do bà Nguyễn Thị Hương Giang ký thì ngân hàng không có hồ sơ đề nghị bảo lãnh và hợp đồng cấp bảo lãnh với Tập đoàn Vina Megastar, giao dịch bảo lãnh cho tập đoàn không tồn tại trong hệ thống quản lý của SeABank. Do đó, SeABank khẳng định, việc bà Giang ký chứng thư bảo lãnh phát hành trái phiếu cho VVF là vượt thẩm quyền và không đúng quy định của ngân hàng.

    Theo ghi nhận tại Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2012 của VVF, tổng tài sản công ty tại thời điểm 30/6/2012 đạt 4.246,47 tỷ đồng, giảm 1.961,76 tỷ đồng so thời điểm đầu năm. Tổng tiền và các khoản tương đương tiền của công ty vào cuối quý II đạt 1.140,28 tỷ đồng, giảm so mức 1.488,79 tỷ đồng hồi đầu năm.
     

    Ta biết tha thứ những điều nhỏ thì đời sẽ tha thứ cho ta những điều lớn hơn!!

     
    6654 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #229942   29/11/2012

    trachanh19
    trachanh19

    Female
    Chồi

    Hà Nội, Việt Nam
    Tham gia:12/08/2011
    Tổng số bài viết (112)
    Số điểm: 1140
    Cảm ơn: 11
    Được cảm ơn 54 lần


    Vụ này VVF chắc thắng rồi, Seabank chỉ đang cố ngụy biện thôi. Vì thực tế, số tiền 150 tỷ VVF đầu tư đã chuyển vào tài khoản tại Seabank rồi.

    Mà luật sư tên là Phạm Thanh Sơn, chứ không phải Hoàng Thanh Sơn đâu ạ!

    094 350 0575

    lishiliang19@gmail.com

     
    Báo quản trị |  
  • #230027   29/11/2012

    Unjustice
    Unjustice
    Top 50
    Lớp 10

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:18/06/2010
    Tổng số bài viết (1336)
    Số điểm: 14997
    Cảm ơn: 152
    Được cảm ơn 1057 lần


    Đang chờ xem vụ này có trở thành "án lệ" (nếu hai bên đưa nhau ra tòa) trong vấn đề giải quyết vi phạm thẩm quyền ký kết hợp đồng của lãnh đạo doanh nghiệp.

    Xét ở góc độ người bên ngoài thì họ chỉ thấy một chứng thư bảo lãnh do ngân hàng phát hành có đóng dấu đỏ chót (Ở đây không đề cập đến việc chứng thư này bị làm giả). Họ đâu có biết là thẩm quyền của người ký có đúng thẩm quyền hay không. Việc kiểm soát vấn đề vượt thẩm quyền của người ký phải do hệ thống kiểm soát nội bộ do ngân hàng thiết lập và thực hiện.

    Bởi vì nếu làm đúng thì kế toán ngân hàng phải hạch toán khoản bảo lãnh này vào sổ sách kế toán để theo dõi. Khi đó thì ngân hàng không thể nói là ngân hàng không biết về hành vi sai trái của người ký vượt quá thẩm quyền.  Nếu ngân hàng đã thu phí bảo lãnh thì càng khó biện minh hơn nữa.

    Cuối cùng, theo quan điểm "mũi dại thì lái chịu đòn" thì kể cả trong trường hợp người ký có hành vi gian lận khi thực hiện ký kết chứng thư bảo lãnh trên, nhằm mục đích vụ lợi cá nhân thì ngân hàng vẫn phải chịu trách nhiệm thanh toán đầy đủ khoản bảo lãnh. Sau đó ngân hàng có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh và bên ký sai thẩm quyền liên đới chịu trách nhiệm trong việc hoàn trả lại số tiền đã thanh toán cho mình.

    Luật được sinh ra để phục vụ con người chứ không phải để cai trị.

     
    Báo quản trị |  
    3 thành viên cảm ơn Unjustice vì bài viết hữu ích
    anhtt007 (29/11/2012) chaulevan (29/11/2012) Trankhanhlinh5121995 (24/10/2014)