Trích dẫn:Thắt lòng sau phiên xử cậu học trỏ bồng bột “tước“ mạng sống trai làng
Cập nhật 02/12/2011 06:44 (GMT+7)
Đăng lên Facebook cho bà con cùng xem Đưa bài viết lên linkhay Đưa bài viết lên Google Bookmarks Đăng lên Twitter cho bà con cùng xem Chia sẻIn bài này
.
Thấy cô giáo chủ nhiệm nằm bất tỉnh dưới đất, cậu học trò không tìm hiểu đầu đuôi câu chuyện nhưng đã nổi khùng giơ gậy đập trúng đầu chàng trai ngồi kế bên. Phút giây bồng bột ấy không chỉ cướp đi một mạng người mà còn khiến cậu bé sa vào vòng lao lý, để lại nỗi đau khôn xiết cho cha mẹ, thầy cô, bạn bè.
Mới đây (30/11), TAND tỉnh Lạng Sơn mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án “Giết người” đối với bị cáo Hoàng Duy Linh (sinh ngày 13/10/1993, trú tại khu nhà thờ, thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn). Nạn nhân trong vụ án là anh Hoàng Văn Văn (SN 1988, trú tại Bản Quang, xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình).
Ngày vui hóa buồn vì rượu
Hồ sơ vụ án thể hiện, ngày 23/5/2011, lớp 11H Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Lộc Bình tổ chức bữa cơm liên hoan chia tay và tổng kết năm học 2010-2011 tại nhà một học sinh của lớp là Lường Quang Thắng.
Sau khi ăn uống, cô giáo chủ nhiệm Tô Thị Tuyết dẫn học sinh đi chơi, chụp ảnh lưu niệm ở khu vực thác nước thuộc xã Hữu Khánh.
Trên đường vào thác nước, nhóm học sinh lớp 11H (trong đó có Linh) đi sau bị một nhóm gồm 6 thanh niên địa phương (trong đó có Hoàng Văn Hiến, Hoàng Văn Văn) buông lời trêu ghẹo nên hai bên đã xảy ra xích mích. Một lát sau, nhóm thanh niên địa phương đem rượu đến cùng uống để giảng hòa với nhóm học sinh.
Khoảng 16h cùng ngày, các thanh niên địa phương ra về trước. Do đã ngấm rượu nên khi điều khiển xe máy, Hiến lái không vững, cộng thêm việc Văn ngồi sau trêu đùa nên cả hai bị ngã xe. Văn cho rằng Hiến lái ẩu nên mình bị ngã, ngược lại Hiến trách Văn trêu đùa sau lưng nên mới vậy. Thế là hai người bạn lao vào đánh nhau.
|
Bị cáo Hoàng Văn Linh.
|
Đúng lúc này, nhóm học sinh nam lớp 11H đi về qua đó. Thấy hai anh đánh nhau nên Lường Quang Thắng, Vi Văn Dự cùng một số người nhảy vào can, trong khi Hoàng Duy Linh đạp xe đi thẳng qua. Nào ngờ, Văn và Hiến lại quay ra đánh các học sinh vì dám... can dự vào chuyện của họ. Bực tức vì “làm phúc phải tội”, các học sinh cũng đánh lại Văn, Hiến đến mức Hiến nằm bệt bên đường. Cô giáo Tuyết cùng các nữ sinh đã cố gắng can ngăn nhưng không hiệu quả, thậm chí cô Tuyết còn bị ngã bất tỉnh.
Về phần Linh, học sinh này đi xe đạp được một đoạn thì nghe tiếng tri hô không rõ của ai: “Thằng Thắng bị đánh gục rồi”. Chẳng mảy may suy tính, Linh xuống xe, rút một đoạn gậy khô dài 1,71m cắm ở vệ đường rồi quay lại. Thấy cô giáo Tuyết nằm chỏng chơ dưới đất, Linh cho rằng Văn và Hiến là thủ phạm nên tiến thẳng tới chỗ hai người này. Khi đó, Hiến đã nằm dưới đất còn Văn ngồi bên cạnh nên Linh dùng gậy vụt thẳng vào đầu Văn khiến nạn nhân ngã xuống đường. Lúc này, do nhiều người quyết liệt can ngăn nên cuộc ẩu đả mới kết thúc.
Sau đó, Văn và Linh đã chủ động làm hòa với nhau. Linh cùng một người bạn khác còn đèo Văn về nhà, đưa anh này lên giường đi nghỉ. Ông Hoàng Văn Toàn (bố Văn) hỏi Văn bị sưng đầu có sao không, Văn đáp: “Không sao ạ” rồi lên giường đi ngủ.
Đến 4h sáng, ông Toàn phát hiện con trai mình đã tử vong. Sau này cơ quan chức năng xác định Văn chết do tác động của vật tày cứng dẫn đến chấn thương sọ não kín và vỡ xương hộp sọ.
Về phần Hoàng Duy Linh, cậu học trò này bị truy tố về tội “Giết người” với tính chất côn đồ theo quy định tại Điểm n Khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự.
Bài học đắt giá cho cả con trẻ lẫn phụ huynh
Bên ngoài phiên tòa, chị Phan Thị Phương (mẹ Linh) khóc nấc lên từng hồi khi trò chuyện với phóng viên. Người phụ nữ dáng vẻ lam lũ quanh năm làm ruộng và bán rau này tâm sự, chị không ngờ con mình lại gây ra một việc tày trời đến như thế. Cả hai vợ chồng chị đều vô cùng bất ngờ và sửng sốt trước việc con trai mình gây ra trọng tội.
Chị kể: “Bình thường, Linh là đứa ngoan hiền. Ở nhà thường chỉ có hai mẹ con, bố thì làm nghề tự do, còn chị nó đi học xa nên cứ lúc nào không phải học hành là nó chỉ quanh quẩn ở nhà giúp tôi làm việc đồng áng. Chưa bao giờ có ai than phiền về nó bất kỳ điều gì, chuyện đánh nhau chiều hôm ấy là lần đầu tiên tôi biết nó nổi nóng đến như vậy”.
“Nếu cháu nhận mức án nặng thì tôi đau lòng lắm! Nó đi học chậm mất 1 năm vì hồi bé cháu gầy gò quá. Nó bảo học xong lớp 12 sẽ đi bộ đội để rèn luyện cho vững vàng, ai ngờ bây giờ lại vào tù thế này...”. Cứ thế, chị Phương ôm mặt khóc.
Trong khi đó, anh Hoàng Văn Hùng (bố Linh) tuy trầm ngâm không nói nhưng đôi mắt thì buồn rười rượi và bàn tay không ngừng xoa đi xoa lại vào nhau mỗi khi nhìn lên phía con đứng trước vành móng ngựa. Không có nhiều thời gian ở nhà, anh tự trách mình ít thời gian dạy dỗ, bảo ban con để hôm nay phải chứng kiến cảnh đau xót này. Theo chị Phương, suốt từ ngày Linh bị bắt tới phiên tòa hôm nay, có nhiều đêm vì thương con mà anh Hùng cứ ngồi trằn trọc bên ánh đèn dầu tới sáng...
Là người bào chữa cho bị cáo, Luật sư Nguyễn Hữu Hiệp (Đoàn Luật sư tỉnh Lạng Sơn) nêu quan điểm: “Đây là vụ án đau lòng và là bài học cần thiết cho lứa tuổi thanh thiếu niên hiện nay. Chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt nhưng do suy nghĩ nông cạn và sốc nổi, cả hai đã phải trả giá rất đắt cho chính bản thân mình. Kẻ vào tù, người đi xa mãi mãi nhưng còn sau đó là những mất mát không dễ nguôi ngoai của gia đình hai thanh niên này. Ở góc độ khác, phía gia đình bị cáo đã đền bù tổn thất tạm thời số tiền 30 triệu đồng. Bị cáo cũng là người phạm tội lần đầu và thực sự ăn năn hối cải. Vì vậy, khi lượng hình, hy vọng rằng Hội đồng xét xử sẽ cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ để bị cáo nhận mức án phù hợp, sớm trở về bên gia đình”.
Án phạt thể hiện tính khoan hồng, nhân văn
Được nói lời sau cùng, đôi mắt đỏ hoe vì hối hận, Linh mong Tòa có thể xem xét mức án nhẹ nhất để bị cáo có thể sớm đoàn tụ với gia đình và làm lại cuộc đời. Phía dưới hàng ghế, cô giáo Tuyết cùng nhiều bạn bè của Linh cũng sụt sùi nước mắt cảm thương dành cho bị cáo.
Sau khi cùng HĐXX lượng hình, vị chủ tọa nhận định: “Hành vi của bị cáo Linh là đặc biệt nguy hiểm vì đã cướp đi sinh mạng của người khác, gây ra những mất mát không có gì bù đắp nổi cho gia đình bị hại. Chính vì lẽ đó, bị cáo cần phải nhận một hình phạt nghiêm khắc mới đủ sức răn đe và để bị cáo hiểu ra lỗi lầm của mình”.
Tuy nhiên, HĐXX cũng xét việc bị cáo chưa đủ tuổi thành niên khi phạm tội, xét các tình tiết giảm nhẹ dành cho bị cáo nên chỉ tuyên phạt 8 năm tù giam, mức án dưới khung hình phạt (12 đến 20 năm, chung thân hoặc tử hình). Ngoài ra, Tòa buộc gia đình bị cáo phải bồi thường cho gia đình bị hại 56,5 triệu đồng.
Thấy Linh bị dẫn giải bằng lối cửa trước ra xe về trại tạm giam, chị Phương khóc òa chạy theo con. Thế nhưng, vừa bước qua cửa phòng xét xử, chị đã quỵ xuống vì xúc động mạnh. Người mẹ này dành hết chút sức lực còn lại gọi với theo con trai: “Nhớ giữ gìn sức khỏe và mạnh giỏi con nhé! Bố mẹ sẽ vào thăm con. Gắng lên con nhé!”.
Kỳ Anh
nguồn: http://phapluatvn.vn/phapdinh/201112/Ke-vao-tu-nguoi-di-xa-mai-chi-vi-phut-giay-bong-bot-cua-tuoi-hoc-tro-2061097/
Vụ án trên có thể khiến cho người đọc phải thắt lòng bởi chỉ một phút nông nổi đã tước đi mạng sống 1 con người và kẻ phạm tội là một cậu học trò phải dở dang mục tiêu trước mắt sẽ trở thành một chiến sĩ bộ đội sau khi hoàn thành xong lớp 12. Đối với bản án của Tòa, tôi vẫn còn băn khoăn về "Tội giết người" đã tuyên cho Linh. Bởi Hoàng Duy Linh không hề có động cơ và mục đích để đưa Hoàng Văn Văn vào chỗ chết.Có thể thấy, đó chỉ là sự bộc phát tức thời khi thấy giữa nhóm bạn đang đánh nhau với hai thanh niên - dân địa phương, và cô giáo thì đang nằm ngất cạnh đó, Linh đã xông vào tấn công Văn. Tuy nhiên, sau khi được can ngăn, Linh và Văn thậm chí đã bắt tay làm hòa, biểu hiện bên ngoài của Văn ngay sau đó hoàn toàn bình thường để cho rằng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Nếu muốn dồn Văn đến chỗ chết, liệu mọi chuyện chỉ dừng lại ở đó? Nói cách khác, Linh không hề có động cơ và mục đích cướp đoạt sinh mạng Văn. Cái chết của Văn có chăng chỉ là hậu quả xảy ra ngoài ý muốn !
Theo tôi, trong vụ án này, luật sư bào chữa nên đề nghị Tòa tuyên Linh vào tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người theo khoản 3, điều 104, BLHS 1999 sẽ chính xác hơn.
Theo các bạn, trường hợp này, Linh bị tuyên án tội Giết người theo điểm n, khoản 1, Điều 93, BLHS 1999 hay tội Cố ý gây thương tích (dẫn đến hậu quả chết người) theo khoản 3, Điều 104, BLHS 1999 là hợp lý nhất?
Đời người ngắn hay dài há do ý muốn. Đã biết như thế mà còn tham sống, há không phải là u mê. Đã biết như thế, mà còn sợ chết há không phải là tuổi trẻ lưu lạc tha hương đến nỗi quên cả đường về. Đã biết như thế người chết đi có khi lại hối hận là từng tham sống cũng nên - Trang Tử
Dịch nghĩa:
Sống chắc gì đã sướng mà chết chắc gì đã khổ. Sống chết thật ra không khác nhau bao nhiêu. Con người ta khi sống chẳng qua là một giấc mộng lớn. Khi chết đi chính là tỉnh mộng. Không chừng sau khi chết, lại thấy rằng trước đó mình cứ ham sống thật là ngu xuẩn. Sao không chết sớm hơn. Hệt như sau khi chúng ta trải qua một cơn ác mộng đáng sợ, tỉnh lại cảm thấy giấc mộng vừa qua thật quá dài.