Hôm nay đọc báo thấy tin này
"Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng đã gửi công văn đến Thủ tướng Chính phủ (ngày 29-11) kiến nghị sửa đổi quy định về thời điểm có hiệu lực của Nghị định 95/2011 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
Vào ngày 1-11-2011, Công an quận 3 phát hiện hộ kinh doanh Kim Phát trên đường Cách Mạng Tháng Tám do bà Phạm Thị Ng. làm chủ đang bán 300 USD cho một khách hàng. Ngày 7-11-2011, căn cứ Nghị định 95/2011 sửa đổi bổ sung Nghị định 202/2004, chủ tịch UBND TP.HCM đã ra quyết định xử phạt bà Ng. 400 triệu đồng về hành vi “hoạt động ngoại hối không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép”.
Bà Ng. đã khởi kiện, yêu cầu tòa hủy quyết định xử phạt của TP.HCM. Tháng 9-2012, xử sơ thẩm, TAND TP.HCM đã hủy quyết định xử phạt với nhận định: Nghị định 95 được ban hành ngày 20-10-2011. Văn bản này không thuộc trường hợp văn bản quy phạm pháp luật quy định các biện pháp thi hành trong tình trạng khẩn cấp nên phải theo quy định có hiệu lực sau 45 ngày ký ban hành của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Theo đó, thời điểm có hiệu lực của Nghị định 95 phải là sau ngày 5-12-2011. Bà Ng. có hành vi mua bán ngoại tệ vào ngày 1-11 nên không thể áp dụng Nghị định 95 để xử phạt.
Trong văn bản kiến nghị, UBND TP.HCM cho rằng việc tòa án hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính khiến vi phạm không được xử lý, ảnh hưởng đến hiệu lực, quản lý nhà nước trên địa bàn. TP.HCM kiến nghị Thủ tướng giao thống đốc NHNN tham mưu cho Chính phủ sửa đổi Điều 2 Nghị định 95 về thời điểm có hiệu lực để pháp luật được thực hiện nghiêm và thống nhất."
Trích dẫn "Báo Pháp luật TPHCM"
Đây là NĐ gây tranh cãi rất nhiều vào cuối năm ngoái về mức phạt khá cao của các hành vi mua bán ngoại tệ, niêm yết sản phẩm dịch vụ bằng ngoại tệ trái phép.
NĐ quy định NĐ có hiệu lực thi hành ngay lập tức. Một quy định trái với Luật ban hành các văn bản các văn bản quy phạm pháp luật 2008. Thì nay Tòa án TPHCM đã dũng cảm tuyên hủy một quyết định xử phạt dựa trên NĐ này vì lý do nêu trên.
Từ bản án này mình thấy:
1 - Một quyết định được ban hành dựa trên quy định của VBQPPL có thể bị tòa tuyên hủy không phải vì QĐ đó sai mà vì VBQPPL mà nó dựa vào để ra QĐ bị sai? Đây có thể được xem là tiền lệ trong việc bổ sung thêm lý do hủy QĐ hành chính.
2 - Nhìn xa hơn thì Tòa án đã bắt đầu đánh giá tính hiệu lực của các VBQPPL do cơ quan hành pháp ban hành, xa hơn nữa có thể là do cả cơ quan lập pháp ban hành, thông qua quyết định bản án của mình? Tòa mặc dù không trực tiếp tuyên VBQPPL trái pháp luật (điều mà hiện tại pháp luật không cho phép) nhưng gián tiếp qua bản án đã thực hiện điều trên.
Theo mình đây là một tin vui trong việc sử dụng cơ chế sử dụng quyền lực để kiểm soát quyền lực ở VN, để người dân có thêm một con đường đấu tranh bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trước các cơ quan hành chính.
Cập nhật bởi Unjustice ngày 10/12/2012 08:33:36 SA
Luật được sinh ra để phục vụ con người chứ không phải để cai trị.